Trăm phần trăm...

Tôi biết bạn nghĩ đến điều gì, ngay khi đọc tiêu đề bài viết. Đúng vậy, nhưng không hoàn toàn, thậm chí có những sắc màu rất khác.

“Trăm phần trăm”, không biết xuất hiện từ bao giờ, mà dần mặc định cho đa số các cuộc nhậu, uống là phải cạn.

Nâng ly, nói với nhau mấy lời từ đã bôi cho đến gan ruột, rồi đều “hết nhé!”.

Có người, uống xong dốc ngược ly để chứng tỏ mình quân tử. Rồi, nhìn ly của đối phương,  xem hết hay còn.

Ly nào chưa cạn, lập tức bị đề nghị, “ơ kìa, hết đi chứ!”, hoặc khích bác, mát mẻ lẫn nhau. Có người chẳng thèm nói mà chỉ nhếch mép cười, tỏ ý: “biết rồi, cái tình của lão ta chỉ đến đấy!”

Ảnh nh họa: BiaCraft Artisan Ales

Kể ra, trăm phần trăm nếu là tự nguyện của các bên, thì còn khả dĩ chấp nhận, dù về mặt sức khỏe chẳng mấy hay ho. Bởi, với cái tục lệ “chào mâm” một lượt trong các tiệc tùng, rồi chào riêng từng “giới”, từng chủ thể,  mà lượt nào cũng “trăm phần trăm”, thì ruột gan nào cho lại.

Kết quả là, sau một hồi “trăm phần trăm”, hầu như mặt nào cũng đỏ. Nếu không đỏ, khả năng cao là cồn đã được thay bằng nước. Kệ, nước thì nước, ễn là được đánh giá… nhiệt tình!

Nhưng có một khía cạnh khác của sự “trăm phần trăm” rất ngược đời. Ngay cả khi rượu tràn ly, người uống dốc ngược không rớt giọt nào, thì đó, tuyệt đối vẫn là “không phần trăm”, trống rỗng!

Đó là khi, người ta nâng ly không phải để thưởng thức rượu như một sản phẩm tinh hoa của văn nh nhân loại, mà chỉ coi nó là công cụ mưu cầu.

Đó là khi, người ta uống mà không cần biết mình đang uống cái gì, chỉ cần biết là phải cạn, vì các ánh mắt đang nhìn vào đáy ly.

Đó là khi, người ta đang uống mà tâm trí hoàn toàn không nghĩ về sự uống. Chỉ nghĩ rằng, ông lớn này, bà chủ kia sẽ nghĩ gì về mình, và điều đó ảnh hưởng đến mối quan hệ, cơ hội làm ăn, thăng tiến của mình ra sao, sau lần chúc rượu.

Trong một cái cụng ly, nếu không có ý nghĩ nào thực sự hướng về rượu, dành cho rượu như nó vốn là.

Trong một lần nâng cốc, nếu không có lý do nào từ sự mong muốn thiết tha, bởi tình cảm thì nhiều mà ngôn từ bất lực, nên muốn gửi thêm vào chén rượu.

Thì trên cả lạm dụng, đó là một sự “lợi dụng” làm hạ thấp rượu bia.

Khi đó, cái mà người ta hò nhau “trăm phần trăm”, thực ra là “không - phần - trăm” trên rất nhiều khía cạnh: tâm trí, tình cảm, sự tận hưởng, sự tôn trọng thực thà.

Nhưng không chỉ ở chốn rượu bia. Lối sống “trăm phần trăm” bên ngoài mà trống rỗng bên trong đang thành xu hướng. Rất ít người “trăm phần trăm” với việc mình đang làm, thứ mình đang ăn, nơi mình đang có mặt.

Tội nghiệp rượu bia! Nhưng tội hơn nữa là những người tự ép mình và ép nhau “không phần trăm” mà vẫn làm, vẫn uống./.