Tìm cách xã hội hóa thu gom nước mưa

Ngập lụt đô thị là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển kinh tế quá nóng không đi kèm với bảo vệ môi trường. Giải quyết bài toán úng ngập không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý mà cần có cơ chế, huy động sự tham gia tích cực hơn của chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp.

Hồ Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) một thời gian dài đã trở nên cạn khô, trở thành nơi cắm trại, trồng rau, cỏ nuôi gia súc của một số hộ dân.

Dù có vài trận mưa lớn, nhưng nước trong hồ không tăng được là bao, trong khi tuyến đường Tố Hữu chỉ cách đó vài trăm mét, mỗi khi mưa lại ngập sâu. Có vẻ như, từ khi một số dự án xây dựng nhà ở quanh khu vực này đã ảnh hưởng đến đường nước vào và ra của hồ Trung Văn.

Ảnh nh họa

Từ một thành phố có biệt danh “thành phố sông hồ” với 9 dòng sông chảy qua và hơn 200 hồ lớn nhỏ, đến nay, quá trình đô thị hóa đã khiến cả trăm hồ lớn nhỏ bị san lấp mặt bằng để xây dựng. Đơn cử như hàng chục hồ lớn nhỏ hồ Đầm Nấm, hồ Đầm Sen, hồ Bà Đồ... ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cũng đã bị san lấp để phân lô bán nền.

Ngay cả những khu vực trũng làm nơi thoát nước trước đây của thành phố cũng bị hàng chục dự án nhà ở chen chân xây dựng. Và mỗi khi mưa, hàng loạt các tuyến đường thành phố  nhanh chóng trở thành “Hà Lội”

Ngập úng đô thị không chỉ khiến giao thông ách tắc, người dân đi lại khó khăn mà còn gây thiệt hại lớn về chi phí thời gian, chi phí xã hội do nhiều hoạt động bị đình trệ, chi phí về kinh tế khi hàng trăm phương tiện bị chết máy khi ngập nước. Hiện chưa có một con số thống kê chính xác về giá trị thiệt hại do ngập úng đô thị mỗi khi có mưa lớn, nhưng với tần suất ngày càng tăng, những thiệt hại về kinh tế khó có thể đong đếm được. Đây là hệ quả tất yếu của việc lựa chọn phát triển kinh tế bằng mọi giá mà không quan tâm đến vấn đề môi trường.

Với thực trạng ngập úng đô thị như hiện nay đòi hỏi chính quyền đô thị, các đơn vị quản lý cấp thoát nước cần sớm có những giải pháp để giảm thiểu tình trạng này.

Trước hết, chính quyền đô thị, đơn vị quản lý hệ thống thoát nước cần dành sự ưu tiên hàng đầu và tập trung nguồn lực vào đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu mối thoát nước và dự án xây dựng mạng lưới thoát nước của thành phố.

Hiện nay Hà Nội có 4 lưu vực sông, nhưng chỉ có lưu vực sông Nhuệ có hạ tầng thoát nước tương đối hoàn chỉnh. Các khu vực còn lại đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và đòi hỏi một thời gian rất dài, nguồn lực rất lớn.

Bởi vậy, giải pháp trước mắt là cần tăng khả năng lưu trữ tạm thời các dòng chảy, để giảm bớt áp lực cho hệ thống thoát nước hiện nay mỗi khi có mưa lớn. Chính quyền địa phương cần rà soát các hồ điều hòa trên địa bàn, khả năng kết nối thoát nước của hồ, các khu vực đất trống,mở rộng thêm các bề mặt diện tích cây xanh, đảm bảo cho việc lưu trữ nước tạm thời.

“Xã hội hóa” thu gom nước mưa là một giải pháp cần xem xét vì nó vừa giảm áp lực ngân sách của thành phố vừa giảm áp lực của việc thu gom nước mưa

Chính quyền Thành phố, Sở Xây dựng sớm xem xét xây dựng các quy định, quy chế và những chính sách khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng các bể chứa nước tạm thời, khi xây dựng các công trình mới.

Ở những khu vực đô thị không có nhiều diện tích cây xanh, mặt nước, các hộ gia đình có thể thực hiện những mái nhà xanh, xây dựng các bể chứa nước tạm thời vừa tận dụng làm nước tưới cây, vừa giúp giảm áp lực cho hệ thống thoát nước của thành phố..  Bản thân mỗi người dân, khôngnên  vứt đất, cát, rác gây cản trở dòng chảy.

Về lâu dài, thành phố cần xem xét, điều chỉnh quy hoạch hệ thống thoát nước mới dựa trên thực tế phát triển đô thị hiện nay. Các chương trình phát triển nhà ở, phát triển đô thị phải phù hợp với quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật, trong đó quy hoạch hệ thống thoát nước và tuyệt đối tuân thủ cao độ nền đã được quy định.

Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, chính quyền thành phố vận dụng những  công nghệ mới, tiến bộ khoa học vào công tác dự báo về điều kiện thời tiết, năng lực thoát nước của hệ thống để sớm có sự chuẩn bị nhân lực, phương tiện tại các vị trí ngập úng, nhằm hạn chế tình trạng ngập lụt đến mức thấp nhất.