Tích hợp dữ liệu giao thông: Y tế, tư pháp, bảo hiểm không thể đứng ngoài

Dù việc xây dựng, cập nhật dữ liệu giao thông đã Chính phủ, UBATGTQG đặt ra nhiều lần, song đến thời điểm này, mới chỉ có ngành công an và giao thông xây dựng và tích hợp dữ liệu giao thông dùng chung.

Trong khi đó, những lĩnh vực như: y tế, tư pháp, bảo hiểm… cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc cập nhật dữ liệu phục vụ công tác quản lý ATGT lại chưa được thực hiện hoặc mờ nhạt. Vậy, giải pháp nào để khắc phục tình trạng này? 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Công tác thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo đảm TTATGT vẫn còn hạn chế về độ tin cậy và kịp thời

Nghị quyết số 12 ban hành năm đầu 2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021 đã đặt ra nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành trung ương và các địa phương trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về ATGT.

Đáng chú ý, ngoài 2 Bộ chủ lực là GTVT, Công an, Chính phủ cũng giao Bộ Y tế thực hiện thống kê số liệu nạn nhân thương tích do TNGT vào cấp cứu tại các cơ sở y tế và số liệu nạn nhân tử vong do TNGT từ hệ thống y tế cấp xã, định kỳ cung cấp cho UBATGTQG và Ban An toàn giao thông các cấp.

Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp phối hợp thực hiện, trong đó giao Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính khẩn trương ban hành hướng dẫn thủ tục cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT thông qua các phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ ghi nhận và phát hiện.

Tuy vậy, qua theo dõi tiến trình thực hiện của các Bộ, ngành, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách UBATGTQG cho biết, với lĩnh vực tài chính, dù các doanh nghiệp bảo hiểm đã xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng của mình, nhưng chưa được chia sẻ và sử dụng như một công cụ để tác động đến hành vi người lái xe.

Đặc biệt, đối với ngành tư pháp, đến nay quy trình, thủ tục cưỡng chế phạt nguội phương tiện vi phạm vẫn chưa được ban hành. Theo ông Hùng, việc thống kê đầy đủ số nạn nhân tử vong cuối cùng do TNGT cũng cần được quan tâm, đẩy mạnh, bởi những số liệu này sẽ góp phần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về hậu quả TNGT, từ đó hoạch định chính sách đảm bảo TTATGT một cách chính xác và hiệu quả:

 

"Thời gian tới chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu của các ngành liên quan đến bảo đảm TTATGT, từ công an, giao thông, từ tài chính, ví dụ như bảo hiểm, tư pháp, y tế, rồi chúng ta có một cơ chế giống như một nền tảng chung để cung cấp cho người dân, đặc biệt là cung cấp cho các nhà khoa học và nghiên cứu các công nghệ có liên quan đến công tác đảm bảo TTATGT".

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông diễn ra đầu năm 2020, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cũng băn khoăn về tiến độ thực hiện việc xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về ATGT và sự đóng góp của các ngành vào vấn đề này.

Theo ông Ngọc, công tác thống kê số liệu cần được thực hiện một cách kiên trì, có hệ thống từ trung ương tới địa phương:

 

"Lấy ví dụ, chúng ta tước giấy phép của 45 nghìn phương tiện quá trọng tải, bây giờ con số 45 nghìn ấy đưa đi đâu, hay lại tiếp tục quay lại phá nát hạ tầng giao thông. Những thống kê được theo dõi, được bổ sung đầy đủ giúp các cấp chỉ đạo sẽ kịp thời và hiệu quả hơn".

Tại hội nghị tổng kết 5 năm ATGT giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Chủ tịch UBATGTQG cũng chỉ rõ, công tác thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo đảm TTATGT vẫn còn hạn chế về độ tin cậy và kịp thời; việc kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin giữa Bộ, ngành, địa phương mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Từ thực tế này, Phó Thủ tướng yêu cầu:

 

"Bộ ngành nào cũng làm dữ liệu riêng, trang bị riêng. Cái nào thuộc chức năng nhiệm vụ chính của ngành nào thì tập trung ở đó rồi kết nối, chia sẻ dữ liệu. Chứ còn manh mún thì tốn kém, lãng phí rồi cuối cùng không đồng bộ, không kết nối được".

Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Trường đại học GTVT cho rằng, các ngành, cần có cơ chế cập nhật và chia sẻ dữ liệu, tức là có bộ phận chuyên trách và có đầu mối cập nhật và chia sẻ dữ liệu, từ đó mới hình thành hệ cơ sở dữ liệu ATGT một cách thống nhất: 

 

"Công an chủ yếu thống kê ngoài hiện trường, nhưng thiệt hại về người và tài sản đôi khi nó lại phát sinh trong quá trình sau đó, tức là bên y tế. Giao thông là đơn vị đầu mối để xử lý vấn đề về an toàn giao thông, họ phải biết về nguyên nhân, thiệt hại, từ đó mới đề ra được biện pháp giảm thiểu tai nạn. Như thế bắt buộc phải có hệ thống cập nhật và chia sẻ dữ liệu chung".

Nếu không có tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng chung cho các Bộ, ngành, dù dữ liệu của từng Bộ, ngành đã có, dù khung kiến trúc cơ sở dữ liệu đã được hình thành, cũng rất khó thực hiện tích hợp, chia sẻ một cách hiệu quả, rất lãng phí

Mặc dù việc thống kê, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ATGT đã đực đặt ra nhiều lần, song đến thời điểm này vẫn còn nhiều Bộ, ngành chưa thực sự vào cuộc. Dưới góc nhìn của VOVGT, khi chưa có một tiêu chuẩn thống nhất, rất khó cho việc xây dựng, tích hợp được hệ thống cơ sở dữ liệu ATGT dùng chung.

Mời các bạn đến góc nhìn này của VOVGT qua bài bình luận với nhan đề: Cần thống nhất tiêu chuẩn tích hợp

 

Dễ nhận thấy, khi các dữ liệu về ATGT được tích hợp đầy đủ, cơ quan quản lý dễ dàng đánh giá đúng thực trạng, tình hình TTATGT, từ đó làm căn cứ cho việc nghiên cứu, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT một cách chính xác.

Người dân và doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc tra cứu, trích xuất dữ liệu chỉ bằng một cú click chuột.

Nhận thấy những lợi ích to lớn này, từ năm 2000, Cục Đăng kiểm VN đã cập nhật, số hóa dữ liệu đến từng phương tiện phục vụ công tác tra cứu và quản lý chung. Đây cũng là lĩnh vực đầu tiên được chia sẻ để các đơn vị ngoài ngành cùng khai thác, sử dụng. 

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác đảm bảo TTATGT  vào cuối năm 2015, lần đầu tiên, việc xây dựng, tích hợp dữ liệu ATGT được Chủ tịch UBATGTQG đặt ra và yêu cầu các ngành liên quan thực hiện.

Đặc biệt, tại Nghị quyết số 12  của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021, nhiệm vụ xây dựng, tích hợp cơ sở dữ liệu ATGT tiếp tục được đề cập. Đến nay, nhiều lĩnh vực quản lý ATGT đã được xây dựng phục vụ công tác quản lý nhà nước chuyên ngành và góp phần xây dựng hệ cơ sở dữ liệu dùng chung.

Tuy vậy, các lĩnh vực khác như: y tế, tài chính, tư pháp… gần như chưa đóng góp nhiều trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ATGT dùng chung. Nhưng ngay cả trong 2 lĩnh vực đi tiên phong trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung này, nhiều dữ liệu cũng bị tách rời.

Đơn cử, trong khi dữ liệu tổng hợp chung TNGT, xử phạt vi phạm giao thông do lực lượng CSGT quản lý, thì dữ liệu các vụ TNGT nghiêm trọng lại thuộc cơ quan cảnh sát điều tra. Chính việc rời rạc về thông tin, lưu trữ khiến số liệu không được thống kê, cập nhật một cách đầy đủ. 

Đặc biệt, tại Nghị quyết số 12, Chính phủ đã giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để ban hành hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở dữ liệu giao thông vận tải, hoàn thành trong năm 2020. Tuy vậy, đến nay, thời hạn cuối cho việc ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về cơ sở dữ liệu ATGT vẫn chưa được ban hành. 

Vì vậy, để việc xây dựng hệ dữ liệu ATGT được thực hiện một cách thống nhất, bài bản, gắn trách nhiệm của từng ngành, cần định rõ khung kiến trúc cơ sở dữ liệu ATGT với các tiêu chuẩn dữ liệu đầu vào.

Từ khung kiến trúc này sẽ phân định và ràng buộc trách nhiệm của từng ngành, từng lĩnh vực trong việc đóng góp, xây dựng và hoàn thiện khung kiến trúc cơ sở dữ liệu về ATGT dùng chung.

Đặc biệt, cùng với việc xây dựng khung kiến trúc cơ sở dữ liệu ATGT, cần sớm ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu này, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu.

Nếu không có tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng chung cho các Bộ, ngành, dù dữ liệu của từng Bộ, ngành đã có, dù khung kiến trúc cơ sở dữ liệu đã được hình thành, cũng rất khó thực hiện tích hợp, chia sẻ một cách hiệu quả, rất lãng phí.

Bên cạnh đó, để các Bộ ngành được nêu tên trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ATGT dùng chung có trách nhiệm trong việc thực hiện, cần có cơ chế theo dõi, giám sát việc thực hiện của các Bộ, ngành và có chế tài đối với những đơn vị chậm trễ, không đạt điến độ.

Nếu không có sự giám sát, không có chế tài xử lý trách nhiệm, rất dễ xảy ra trường hợp “cha chung không ai khóc”./.