Thuế bất động sản thứ hai: Cần xem xét kỹ tránh gây hệ lụy

Đây không phải lần đầu tiên TP.HCM đề xuất đánh thuế thu đối với bất động sản thứ hai. Nếu muốn chính sách đánh thuế bất động sản thứ hai được áp dụng thành công và hiệu quả, đòi hỏi TP.HCM cần có những bước đi thận trọng, tính toán bài bản và khoa học.

Đánh thuế bất động sản thứ hai, vì thuế mà nhiều người mua đi bán lại đầu cơ đất đai sẽ ngần ngại đầu tư. Phải khẳng định có hiện tượng này nhưng từ chế tài sẽ loại bỏ hoàn toàn việc mua đi bán lại đất đai để kiếm lời là khó khả thi.

Vì đất đai là loại tài sản đặc biệt, nhất là ở Việt Nam ta khi nhà cửa đất đai luôn được coi trọng hàng đầu.

Câu nói “an cư mới lạc nghiệp”, từ lâu đã trở thành phương châm sống của nhiều thế hệ, nhất là cha mẹ hay truyền lại cho con cái khi dựng vợ gả chồng. Nên việc sở hữu một hoặc nhiều căn nhà đất đai được coi là mục tiêu, mục đích và niềm tự hào của nhiều gia đình, nhiều người.

Thực tế đầu tư vào đất đai cũng luôn đảm bảo sự ổn định và ít rủi ro so với nhiều loại hình khác. Vậy nên mới có trào lưu nhà nhà đi buôn đất, người người đi mua đất. Gây nên các đợt sốt đất liên tục, gây xáo trộn cả vùng đô thị lẫn nông thôn; làm méo mó nền kinh tế vĩ mô.

Đất đai đáng lẽ phải là nguồn tài nguyên quý báu; được khai thác và sử dụng liên tục để làm cơ sở sản xuất, mặt bằng kinh doanh, tạo ra của cải thực sự cho xã hội.

Đằng này, đất đai chỉ vì được mua đi bán lại lòng vòng, rồi để hoang hóa là một sự lãng phí quá lớn. Trong khi rất nhiều người không hề sở hữu một mảnh đất ngôi nhà nào mà vẫn phải đi thuê, đi mướn, ở trọ.

Nhiều người vẫn coi đất là của cải tích lũy không chỉ cho bản thân mà còn là đời con, đời cháu nên dù thuế có cao vẫn tích lũy và tìm cách sở hữu cho bằng được (Ảnh: CafeF)

Điều này thể hiện sự lỏng lẻo và yếu kém trong công tác quản lý nhà nước bấy lâu nay. Luật đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi của toàn dân sắp tới đây cũng hướng đến tập hợp trí tuệ của các tầng lớp để đưa hoạt động đất đai vào quy củ và thực sự tạo ra động lực cho xã hội phát triển.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất đánh thuế sở hữu bất động sản thứ hai cũng nhằm mục đích tốt đẹp này.

Tuy nhiên, như đã đề cập, đất đai là tài nguyên đặc biệt, ngoài giá trị kinh tế còn gắn với phong tục, tập quán, thói quen. Nhiều người vẫn coi đất là của cải tích lũy không chỉ cho bản thân mà còn là đời con, đời cháu nên dù thuế có cao vẫn tích lũy và tìm cách sở hữu cho bằng được.

Điều này vô tình lại đẩy giá đất mỗi ngày một cao. Người có thu nhập thấp rất khó có cơ hội tiếp cận.

Do vậy, để việc đánh thuế khi sở hữu bất động sản thứ hai cũng nên làm vì nhiều nước áp dụng và đã thành công. Giúp chỉ người thực sự có nhu cầu về chỗ ở, làm ăn mới muốn sở hữu thêm; ít có chuyện đất đai mua bán xong rồi để không.

Vấn đề lúc này là cần làm thận trọng, từng bước thí điểm để vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tránh làm tràn lan, theo kiểu áp đặt. Trên cơ sở những ưu khuyết điểm sẽ tổng kết, đánh giá những mặt lợi, hại để sau đó ra một quy trình khép kín và bài bản.

Khi đó thị trường bất động hy vọng sẽ bước vào giai đoạn mới, ổn định và bền vững hơn.