Thu phí xử lý rác theo khối lượng: Cần chuẩn bị những gì?

Thu phí thu gom, vận chuyển xử lý rác thải dựa theo khối lượng thay vì tính bình quân đầu người. Cùng với đó là đề xuất người dân không thực hiện phân loại rác tại nguồn cũng sẽ bị tính phí cao hơn. Đề xuất này phù hợp với xu hướng của các quốc gia phát t

Hiện nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã tính phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác theo khối lượng

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Thu phí thu gom, vận chuyển xử lý rác thải dựa theo khối lượng thay vì tính bình quân đầu người. Đó là một trong các nội dung đáng chú ý được đề xuất tại Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi do Bộ Tài Nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng để trình Quốc hội.

Dự thảo cũng đề xuất người dân không thực hiện phân loại rác tại nguồn cũng sẽ bị tính phí cao hơn. Đề xuất này phù hợp với xu hướng của các quốc gia phát triển nhưng để đề xuất này khả thi, cần phải chuần bị những gì? Ý kiến các chuyên gia như thế nào?

Khi được hỏi về đề xuất thu phí môi trường dựa trên khối lượng rác thải, bác Nguyễn Thị Lan ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết ý kiến: 

 

"Nếu nhà nước có chủ trương như thế thì tôi cũng rất hoan nghênh. Làm thế cũng phải thôi, nhà nào ít rác thì thu ít tiền, nhà nào nhiều rác thì thu nhiều tiền. Nếu nói thu tất cả mà tính đầu người, có nhà vừa phải, có nhà quá thiệt thòi".

Cùng chung quan điểm, nhiều người dân ủng hộ đề xuất của dự thảo Luật Môi trường sửa đổi, những nhà hàng, cửa hàng ăn uống phát sinh nhiều rác thải sinh hoạt sẽ phải nộp phí cao hơn so với các hộ gia đình nhằm đảm bảo sự công bằng. Tuy nhiên, có không ít ý kiến băn khoăn là làm thế nào để tính được khối lượng rác phát sinh.

Theo thông tin từ Tổng cục môi trường, trung bình mỗi năm, có tới 17,5 triệu tấn trong tổng số 25 triệu tấn rác thải rắn sinh hoạt được thực hiện bằng biện pháp chôn lấp. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, tỷ lệ chôn lấp chiếm tới 90%, trong khi con số này ở Tp.HCM là 69%.

Nguyên do là chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn để tận dụng những chất có ích trong rác thải và giảm khối lượng phải thu gom, xử lý tập trung. 

Nhằm khắc phục tình trạng này, thúc đẩy quá trình tái chế, tái sử dụng rác thải, đồng thời phát triển nền kinh tế tuần hoàn, Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi đưa ra quy định khuyến khích phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 5 nhóm gồm:

Chất thải rắn có khả năng tái chế ( như giấy, nhựa, kim loại, cao su…); chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác. Tuy nhiên, một bà nội trợ cho rằng, việc phân loại rác thành 5 nhóm có thể gây nhiều khó khăn:

 

"Bây giờ bảo tôi phân loại ra, túi này để ni lông, phế thải; túi này để đồ nhựa. không làm được đâu, nó khó khăn phức tạp lắm".

"Hỗ trợ về vật chất, hỗ trợ về tiền hay hỗ trợ về tài chính để cho chúng tôi có ý thức phân rác. Còn không hỗ trợ cái gì thì do ý thức của từng người thôi".

Ở góc nhìn khác, anh Long- một nhân viên thu gom rác ở quận Hà Đông cho biết để có thể tính mức phí thu dựa trên khối lượng rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình cũng không dễ dàng.

Bởi thực tế hiện nay, có tình trạng, người dân tranh thủ chở các loại chất thải xây dựng, chất thải cồng kềnh tới các điểm tập kết rác khi không có nhân viên môi trường có mặt ở đó, nên rất khó để xác định trường hợp nào đổ chất thải để thu phí.

Anh Long cũng cho rằng, ngoài quy định người dân phân loại rác tại nguồn, công tác thu gom rác cũng cần phải có sự điều chỉnh thu gom từng loại rác theo từng ngày mới có hiệu quả :

 

"Cái này phải thống nhất từ dân, và sau đó thống nhất từ công ty, hôm nay thu gom rác công nghiệp, hôm sau nữa thu gom rác phế thải thì mới giải quyết được".

PGS-TS Nguyễn Thế Chinh- Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, để thực hiện được việc phân loại rác tại nguồn, trước hết cần phải tìm “đầu ra” cho các loại rác, những loại rác nào được bán cho các nhà máy sản xuất phân com-pốt, những loại rác nào có thể tái chế thành những sản phẩm thân thiện với môi trường hay đi chôn lấp.

Hiện nay rất nhiều quốc gia trên thế giới đã tính phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác theo khối lượng. Đơn cử như Hàn Quốc, rác thải luôn được cân và người dân sẽ phải trả phí dựa trên số kg rác thải.

Trong khi một số đô thị khác, kiểm soát khối lượng rác thải lại được thực hiện thông qua số lượng túi rác sử dụng. Ông Chinh đồng ý đề xuất thu phí rác theo khối lượng nhưng nên giao cho chính quyền các địa phương quy định mức giá thu:

 

"Cái đó để cho địa phương quy định, phụ thuộc vào từng địa chỉ đưa ra một khung chung thế thôi nhưng vấn đề thu đó phải đủ để chi phí xử lý. Nhà nước không nên quản lý việc đó mà do cơ quan quản lý xử lý chất thải , họ đàm phán với nơi xả thải để đưa ra một giá chung theo thị trường".

TS Trần Văn Miều- Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, việc sử dụng nguyên tắc chi trả theo mức độ tác động tới môi trường là hoàn toàn phù hợp với xu hướng của các đô thị văn nh. Tuy nhiên, để quy định này có thể đi vào cuộc sống, sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể: 

 

"Muốn thực hiện được thì chắc chắn có hướng dẫn một cách rất cụ thể. Thứ hai là phải làm tốt công tác tuyên truyền, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân là rất cần thiết. Khi người ta nhận thức được lợi ích, người ta sẽ tự giác người ta sẽ nộp tiền".

Một số chuyên gia môi trường cho rằng, để thay đổi thói quen của người dân trong việc phân loại rác tại nguồn, ngoài việc tuyên truyền cũng cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Ngoài ra, cần bổ sung thêm chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Việc thu phí xử lý rác theo khối lượng, dù cần thiết và nên làm, song vẫn chỉ là giải pháp mang tính cưỡng chế cuối cùng

Đề xuất trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải dựa theo khối lượng thay vì tính bình quân đầu người là cần thiết và đúng hướng. Tuy nhiên, điều quan trọng số một chưa phải là giải pháp kỹ thuật mà là truyền thông chính sách và hướng dẫn người dân thực hiện. 

 

Truyền thông chính sách, đừng nói xong ù tai, chỉ xong hoa mắt

Vì sao phải tính đến việc thu phí xử lý rác theo khối lượng? đó là bởi lượng rác thải quá lớn và không ngừng tăng lên trong nhiều năm qua, tạo gánh nặng lớn cho nền kinh tế, đe dọa sự phát triển bền vững của mỗi địa phương, mỗi quốc gia và toàn cầu.

Thu phí rác theo khối lượng, trong điều kiện chưa thể thực hiện phân loại rác tại nguồn, trong khi quá trình thu gom xử lý rác còn nhiều bất cập khó khăn, hẳn sẽ là việc phức tạp, cần chuẩn bị nhiều thứ: từ đưa vào văn bản luật, ban hành nghị định, đến việc tổ chức thực hiện sao cho khoa học, để không làm khó người dân, không thiệt cho bên xử lý và ngược lại.

Giải pháp kỹ thuật cần được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm thế giới, căn cứ các đặc thù của nguồn rác thải nước ta.

Công cụ kinh tế luôn có tác dụng, nhưng nó sẽ ít hiệu quả nếu mức độ tác động không quá nhiều. Người dân sẵn sàng bỏ thêm tiền để mua sự tiện lợi. Vả lại, các nhà sản xuất đồ nhựa, sản phẩm một lần và hàng hóa tiêu dùng nói chung sẽ luôn có cách “thích nghi” để giữ chân khách hàng.

Nói vậy để thấy, điều quan trọng nhất cần chuẩn bị khi áp dụng một giải pháp nhằm giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt, vẫn là sự sẵn sàng và chủ động của người dân.

Với các mức xả rác khác nhau của mỗi người, mỗi gia đình, các tác động liên hoàn trong chuỗi thu gom xử lý rác và những vấn đề môi trường, vấn đề kinh tế xã hội sẽ xảy ra như thế nào, tác động ngược trở lại chính họ ra sao? Mô phỏng cụ thể bằng hình ảnh trực quan về chuỗi tác động này sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn, vì sao việc giảm thiểu rác thải lại quan trọng đến thế.

Chỉ khi thấy một điều gì đó quan trọng, cần thiết cho mình, cho người thân của mình, cho tương lai của con em mình, người ta mới có lý do cân nhắc thay đổi hành vi. Còn nếu truyền thông chỉ nhằm vào nghĩa vụ và trách nhiệm chung chung, thì tâm lý “cha chung” sẽ là bức tường kiên cố, cản chân mọi nỗ lực thay đổi.

Trong nguyên tắc “4R” để giải quyết vấn đề rác thải – đặc biệt là rác thải nhựa, thì “Reduce” – giảm thiểu là nguyên tắc quan trọng hàng đầu, chi phối 3 chữ R còn lại. Có nhận thức về tầm quan trọng của việc giảm thiểu xả rác, thì người dân mới có thể từ chối (Refuse) các sản phẩm gây hại môi trường, mới tăng cường tái sử dụng (Reuse), và quá trình tái sản xuất (Recycle) mới có thể được thúc đẩy.

Nhưng rất tiếc, việc giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày là khía cạnh ít được đào sâu trong các chiến dịch truyền thông môi trường lâu nay, mà thường chỉ khu biệt đối với rác thải nhựa. Đó là điều cần khắc phục.

Nhưng sự sẵn sàng của nhận thức thôi, chưa đủ. Các nỗ lực giảm lượng rác thải luôn bị đe dọa bởi cảm giác bất tiện của mỗi người. Bởi vậy, cùng với thông điệp ý nghĩa, người dân rất cần những chỉ dẫn cụ thể, làm thế nào để giảm được lượng rác thải.

Họ sẽ cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt ra sao, từ chợ búa nấu nướng đến vui chơi, học hành, công việc, để giúp lượng rác thải ra là ít nhất và “sạch” nhất?

Những hướng dẫn này cần sát thực tế, dễ hiểu và dễ dàm nếu không muốn quy định nằm trên giấy. Kết quả èo uột của các dự án thí điểm phân loại rác tại nguồn là nh chứng cho điều này. Chỉ phân thành 2 loại, người dân nhiều lúc đã phân vân, nói gì đến phân thành 5 loại như trong dự thảo Luật môi trường sửa đổi.

Tóm lại, việc thu phí xử lý rác theo khối lượng, dù cần thiết và nên làm, song vẫn chỉ là giải pháp mang tính cưỡng chế cuối cùng. Các bước chuẩn bị về kỹ thuật cũng không quá phức tạp.

Cái cần nhất, khó nhất vẫn là khâu truyền thông chính sách, nói sao cho dân dễ hiểu, chỉ sao cho dân dễ làm, chứ đừng nói một hồi thì ù tai, chỉ một hồi thì hoa mắt./.