Thiếu điều dưỡng y tế, người bệnh thiệt đủ đường

Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhân viên y tế nói chung và điều dưỡng nói riêng được tôn vinh là những chiến sĩ ở tuyến đầu, những người đầu tiên đối mặt với hiểm nguy. Tuy vậy, COVID-19 phơi bày một cách trần trụi nhất những tồn tại, bất cập hiến hàng chục thậm chí hàng trăm ngàn nhân sự y tế bỏ việc.

Như chia sẻ của người đứng đầu ngành y tế TP.HCM, trong vài tháng qua đã phải ký phê duyệt rất nhiều đơn nghỉ việc của các bác sĩ, điều dưỡng.

Đáng buồn hơn khi họ đều là những người có kinh nghiệm và thâm niên công tác, từ tuyến y tế cơ sở đến các bệnh viện công lập. Tình trạng này xảy ra ở rất nhiều địa phương đã khiến hoạt đông của ngành y sau dịch bệnh COVID-19 vốn đã khó càng thêm khó.

Có đến 70% công việc tại các bệnh viện hiện nay được đặt lên vai các điều dưỡng song mức thu nhập của họ chỉ vào khoảng 7-8 triệu đồng/tháng.

Không chỉ vậy, ở những bệnh viện tuyến cuối, các điều dưỡng luôn phải đối mặt với áp lực rất lớn, không được phép sai sót, điều này vô hình đẩy họ đến nhanh hơn đến “điểm giới hạn của bản thân”.

Việc ngày càng có nhiều điều dưỡng quyết định bỏ việc đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành y và quan trọng hơn là làm giảm sút chất lượng chăm sóc sức khỏe của người bệnh.

Không chỉ các bệnh nhân và người nhà của họ liên tục phàn nàn vì không được thăm khám, chăm sóc kịp thời mà chính các bác sĩ cũng thường xuyên rơi vào cảnh khó xử khi không nhận được sự hỗ trợ từ các điều dưỡng.

Nếu như thiếu thuốc, thiếu sinh phẩm, vật tư y tế là vấn đề mang tính thời điểm thì thiếu nhân lực y tế nói chung, thiếu điều dưỡng nói riêng là câu chuyện mang tính chiến lược.

Do đó, Bộ Y tế chắc chắn phải có sự điều chỉnh toàn diện từ chính sách tiền lương, chế độ hỗ trợ, cải thiện môi trường làm việc…bởi nếu cứ duy trì như hiện tại thì giữ chân được các điều dưỡng cũ cũng khó chứ đừng nói gì đến tuyển dụng thêm được nhân sự mới.