Thiếu cát san lấp: Cần cả cách làm mới lẫn vật liệu thay thế mới

Có lẽ chưa khi nào trong lịch sử ngành xây dựng, trong đó có cả hạ tầng công lẫn dân dụng lâm vào cảnh thiếu cát trầm trọng như vài năm trở lại đây. Phần vì nhu cầu tăng cao đột biến, phần vì những biến đổi bất thường của tự nhiên đã khiến cát trở thành món hàng “nóng sốt” không kém gì vàng.

Tình trạng cát khan hiếm nóng đến mức 1 doanh nghiệp dù đã đổ gần 130.000 m3 cát san lấp cho khoảng 700m dự án cao tốc Bến Lức Long Thành từ năm 2016 bỗng dưng muốn đào lên lấy lại vì…chưa được thanh toán.

Chuyện nghe có vẻ trái khoáy nhưng lại đang diễn ra tại 1 dự án trọng điểm quốc gia và có nguy cơ ảnh hưởng đến 1 dự án trọng điểm khác, mức thiệt hại ước tính lên đến hàng tỷ đô la.

Từ địa phương đến Trung ương, từ nghị trường Quốc hội đến thực địa các công trường, đâu đâu cũng nghe bàn tán rôm rả vì cát. Điều đó cho thấy, đây không còn là vấn đề mới, nếu không muốn nói là đã cũ.

Song, các giải pháp đến thời điểm này đều chưa thực sự hiệu quả, nếu không muốn nói là “đâu lại vào đấy”. Bởi trên thực tế việc cấp phép cho các nhà thầu khai thác cát lẫn quá trình nghiên cứu tìm vật liệu thay thế cát vẫn còn quá chậm so với yêu cầu của thực tiễn.

Việc Chính phủ có cơ chế đặc thù cho phép nhà thầu các dự án trọng điểm có thể tham gia khai thác cát là phù hợp, song cần sớm hiện thực hoá chủ trương bằng những hướng dẫn pháp lý cụ thể, tránh tình trạng “trên trải thảm dưới rải đinh”.

Cần có cơ chế giám sát chặt chẽ quá trình cấp phép, khai thác cát để hạn chế những tác động tiêu cực đến tự nhiên lẫn các nguy cơ sai phạm tiềm ẩn (Ảnh nh hoạ: NLĐ)

Không chỉ vậy, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ quá trình cấp phép, khai thác cát để hạn chế những tác động tiêu cực đến tự nhiên lẫn các nguy cơ sai phạm tiềm ẩn từ vụ đấu giá 3 mỏ cát cao bất thường tại Hà Nội cuối năm 2023 vừa qua.

Không chỉ đẩy nhanh thí điểm cơ chế đặc thù trong khai thác cát, ngành chức năng cần tập trung nhân lực lẫn vật lực cho việc tìm các vật liệu thay thế cát san lấp truyền thống lẫn các phương thức thi công, công nghệ xây dựng mới ít lệ thuộc vào cát như hiện nay.

Sau đó cần mạnh dạn tiến hành thí điểm vào 1 số dự án cụ thể để rút ngắn quá trình đánh giá, tổng kết rồi triển khai trên phạm vi rộng hơn.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thử thách khó lường thì việc tăng cường giải ngân đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm là đòn bẩy cần thiết để có thể qua trở lực mang tên “suy thoái”.

Dù biết là không dễ để tìm lời giải cho bài toán thiếu cát trong một sớm một chiều, song các bên liên quan không thể “cứ từ từ rồi đâu lại vào đấy”, thay vào đó cần phải nghĩ khác, làm khác.