Thiên lý hữu tình: Ươm một mầm cây, đường xanh muôn ngả

Sẽ chẳng gì hơn khi những con đường ta đi được trải dài ngút mắt bởi sắc xanh cây lá, được nương náu dưới những tán cây rợp mát và thảm êm bằng lớp lá thu vàng rực dưới chân...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Thế nên, thật đáng tiếc khi những con đường không chỉ có màu xanh, mà còn có sự hiện diện của rác, như một biểu hiện của cách chúng ta đối đãi và ứng xử với con đường ta đi qua. 

Nếu bạn đồng cảm với suy nghĩ ấy, xin hãy ngồi lại và cùng chia sẻ với câu chuyện Thiên lý hữu tình, với chủ đề: “Ươm một mầm cây, đường xanh muôn ngả”.   

Ít nhất mỗi tháng một lần, một nhóm bạn trẻ là sinh viên của các trường đại học tại Hà Nội lại tổ chức một sự kiện nhỏ, để kêu gọi mọi người đem rác đến, lấy cây về. Nhiều người lần đầu đến sự kiện còn tưởng các bạn chỉ đơn thuần bán cây, nhưng rồi nhanh chóng nhận ra ý nghĩa của hoạt động này:

"Em ơi bao nhiêu tiền cây này?

80 nghìn chị ạ, nhưng chị có thể mang rác tới để đổi lấy cây ễn phí!

Ra là thế, để chị về xem nhà có gì thì mang đến nhé!"

“Green life – Đổi rác lấy cây” là dự án bắt đầu từ một nhóm vài sinh viên trẻ tại Hà Nội sáng lập cuối năm 2018. Ngoài đổi cây, Green life còn mang đến các sản phẩm xanh như ống hút tre, xà bông hoàn toàn tự nhiên, đổi nước giặt, nước rửa chén bát thân thiện với môi trường và không gây ô nhiễm.

Và nhanh chóng, dự án thu hút nhiều hơn sự chú ý của cộng đồng và cả các doanh nghiệp lớn. Hàng trăm bạn trẻ ở Hà Nội và TP.HCM trở thành tình nguyện viên của dự án. Lượng rác thải thu được ngày càng nhiều hơn sau mỗi sự kiện.

Trung bình mỗi tháng, Green Life thu gom và xử lý gần 10 tấn rác (như giấy, pin, thiết bị điện tử hỏng, nhựa, vỏ hộp sữa…) và xây dựng 4 tủ sách cộng đồng. Và các tổ chức, doanh nghiệp cũng tham gia bằng nhiều cách, từ việc tài trợ địa điểm tổ chức sự kiện, đến việc tiếp nhận rác về để làm thành các sản phẩm tái chế. 

Không chỉ dừng ở đó, hướng đi sắp tới cho dự án Green Life là kế hoạch tích hợp ứng dụng di động trong việc thu gom bằng cách kết nối người có rác với những người thu gom ve chai; xây dựng 4 điểm thu gom tại 4 quận và xây dựng Green Life trở thành một doanh nghiệp xã hội, đi đầu trong lĩnh vực truyền thông bảo vệ môi trường.

Một cây xanh có thể nhỏ bé, nhưng ươm thêm một mầm xanh, bớt đi một chút rác, là bạn đã bớt đi những xấu xí quanh môi trường sống của chúng ta, trong đó có cả những con đường – diện mạo của một thành phố, một đất nước xinh đẹp. 

Kênh VOV Giao thông đã có cuộc trò chuyện cùng Đỗ Thị Thanh Mai, sinh viên trường ĐH Kinh tế quốc dân, một bạn trẻ khi biết đến những hoạt động của dự án Green Life đã thay đổi lối sống của mình hàng ngày theo hướng tích cực hơn với môi trường và trở thành thành viên tích cực của dự án: 

PV: Dù rằng mục đích của các bạn là tích cực, nhưng các em có nghĩ rằng công sức của mình vẫn chỉ như “muối bỏ bể”?

Đỗ Thị Thanh Mai: Đúng là như vậy, thực ra đổi rác lấy cây chỉ là cách để chúng em gửi tới mọi người thông điệp thay đổi lối sống. Vì chỉ có thay đổi hành động của mỗi người mỗi ngày thì mới hi vọng cải thiện được môi trường.

Chúng em cũng tìm hiểu là mỗi ngày Hà Nội thải ra đến 7500 tấn rác mà trong khi đấy khi chúng em một tháng tổ chức được một sự kiện có thể thu đến tối đa là 10 tấn giấy. Nhưng nó cũng rất nhỏ bé so với cái việc nếu mọi người tham gia.

Chúng em rất sốt ruột khi hằng ngày đi học đi làm thấy những đống rác ngày càng lớn, và ý thức phân loại rác của người dân chưa tốt. Chúng em xây dựng dự án Green Life với hoạt động 'Đổi rác lấy quà' nhằm mong muốn giảm thiểu 50% lượng rác thải tại Hà Nội trong 5 năm tới thông qua thói quen phân loại - giảm rác, và tiêu dùng xanh”.

PV: Có điều gì em muốn nhắn gửi với mọi người?

Đỗ Thị Thanh Mai: Khi mình là một vỏ hộp sữa, người ta vứt mình vào đống rác thì mình cảm thấy như thế nào? Và môi trường ảnh hưởng như thế nào? Khi bạn nhìn nhìn thấy nhiều con sao biển đang nằm trên cát và nếu chúng ta không làm gì thì tất cả sao biển sẽ chết. Nhưng khi mà chúng ta cứu sống được một đến hai con sau biển thôi, với mỗi con sao biển được trao lại cuộc sống và chứa đựng lòng biết ơn.

Vì vậy, để hướng đến môi trường thì hãy bắt đầu từ việc mình đặt bản thân mình vào vị trí của những người khác hay bản thân mình vào vị trí của môi trường. Chính vì vậy điều mà em cảm nhận được là khi mình đặt vào vị trí của người khác thì điều mình đang làm không hề nhỏ. 

Nếu yêu đến cháy lòng sắc xanh, bóng lá trên những con đường sạch rác, chắc hẳn bạn sẽ đồng tình rằng, tâm hồn chúng ta sẽ được gột rửa, lòng ta sẽ dịu lại, và sẽ chẳng còn một rối nhiễu nào có thể khiến ta muộn phiền trên một cung đường đẹp. Và chắc chắn, ta có thể giữ được cảm hứng xanh ấy bằng nhiều cách khác nhau.

Từ việc đừng vô hồn thả một chai nhựa đã dùng qua cửa kính ô tô, đến việc bắt đầu ươm trồng một mầm xanh nhỏ bé ở nơi bạn đi qua.