Thiên lý hữu tình: Giúp người tai nạn, đừng sợ chữ 'kiêng'

Câu chuyện gặp nạn trên đường không phải là hiếm, nhưng cách ứng xử của những người qua đường khi thấy người khác gặp chuyện chẳng lành là điều khiến chúng ta luôn phải suy ngẫm.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Cách ứng xử của những người qua đường khi thấy người khác gặp chuyện chẳng lành là điều khiến chúng ta luôn phải suy ngẫm - Ảnh nh họa

Chuyện trên đường thiên lý hôm nay không chỉ hữu tình, mà còn là một câu chuyện hữu duyên, khi VOV Giao thông tình cờ là nơi chắp nối, để một người gặp nạn tìm được sự trợ giúp trong thời điểm cần kíp nhất. Nhưng trên hết, nó xuất phát từ một trái tim quả cảm, nhân hậu.        

Khoảng 3 giờ chiều ngày 28/10, trên đường đi công việc, đến ngã ba Âu Cơ – Lạc Long Quân, Hà Nội, vợ chồng anh Hoàng Phan Anh nghe thấy thông báo của VOV Giao thông về một vụ tai nạn xe máy, một người đàn ông nằm bất tỉnh trên đường cần được đưa đi cấp cứu.

Nhận thấy vị trí của mình cách khoảng 1 km với vụ tai nạn, vợ chồng anh đã quyết định tiếp cận hiện trường vụ việc để hỗ trợ người gặp nạn. Cú đâm rất mạnh khiến người đàn ông nằm bất tỉnh. Một vết thương sâu và dài trên mặt khiến máu chảy ra không ngừng, còn người gây tai nạn đã bỏ đi ngay khi xảy ra va chạm.

Nhanh chóng tấp xe vào lề xem tình hình, anh Phan Anh lặng người khi thấy vũng máu. Nghĩ đến điều chẳng lành nhưng anh nhẹ nhõm phần nào vì biết máu chảy nhiều vì vết thương hở trên mặt.

Không chần chừ, vợ chồng anh cùng một số người xung quanh đưa người đàn ông lên xe mình và nhanh chóng đưa vào Bệnh viện Tim cơ sở 2 trên đường Võ Chí Công, nơi gần nhất với hiện trường vụ tai nạn.

Vợ anh, tìm cách liên lạc với gia đình nạn nhân từ chiếc điện thoại trong túi. Máu vẫn chảy nhiều trên đoạn đường di chuyển.

Đến được bệnh viện, dù đã được sơ cứu nhưng vì vết thương trên mặt khá nặng, các bác sỹ khuyên anh đưa người bị nạn đến bệnh viện có chuyên khoa xử lý chấn thương. Cũng vừa kịp lúc, chị Đỗ Thị Huyền, vợ người đàn ông bị nạn đến được bệnh viện. Lúc đó, anh mới biết, người bị nạn tên là Trọng, 53 tuổi, người xã Liên Hà, huyện Đan Phượng. Rất nhanh chóng, anh Phan Anh tiếp tục chở anh Trọng và vợ đến bệnh viện Xanh Pôn để được điều trị tích cực. Đưa anh Trọng vào viện an toàn, vợ chồng anh lặng lẽ quay về.

Cho đến nay, anh Trọng đã qua được cơn hiểm nghèo, nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi bởi vết thương nặng khiến anh gãy nhiều xương mặt, mắt cũng bị tổn thương. Còn chị Huyền vợ anh, vì vội vã mà không kịp lưu số điện thoại của ân nhân đã cứu chồng mình ngày hôm đó nên vẫn mong tìm cơ hội để nói lời tri ân:

PV VOVGT có cuộc trò chuyện với chị Đỗ Thị Huyền vợ anh Trọng

PV: Với chị, ngày anh Trọng gặp nạn đã diễn ra như thế nào?

Chị Đỗ Thị Huyền: Tôi thấy người ta gọi điện báo chồng tôi bị tai nạn, người đâm vào không làm sao và đã bỏ đi mất. Rất may, có anh Phan Anh giúp đưa chồng tôi vào viện cấp cứu ở bệnh viện Tim mạch rồi sang bệnh viện Xanh pôn.

Các bác sĩ cũng rất nhiệt tình cứu chữa cho chồng tôi. Hiện tại anh ấy đã hồi phục được 50%.

PV: Khi anh Trọng khỏe lại, điều chị muốn làm nhất là gì?

Chị Đỗ Thị Huyền: Sau khi anh nhà tôi mạnh khỏe, chúng tôi sẽ đến thăm vợ chồng Phan Anh. Chúc VOV Giao thông sẽ có nhiều tin hữu ích, nhanh nhất, để có những người tốt như anh Phan Anh đến giúp đỡ kịp thời.

Xin cảm ơn chương trình, cảm ơn anh Phan Anh.

Ảnh nh họa

Câu chuyện gặp nạn trên đường không phải là hiếm, nhưng cách ứng xử của những người qua đường khi gặp chuyện chẳng lành lại khiến chúng ta luôn phải suy ngẫm. Có khi người ta lướt qua vì sợ “làm phúc phải tội”.

Có khi người ta làm ngơ vì sợ lỡ dở việc của mình. Cũng có khi, người đời nhìn thấy rồi quay mặt đi, chỉ vì một chữ “kiêng” – kiêng không chở người tai nạn, kiêng không chở bà đẻ vì sợ điềm xấu.

Tôi còn nhớ câu chuyện mẹ mình từng kể, khi bà trở dạ sinh tôi trong đêm, bà chịu đựng cơn đau đến tận sáng mới gõ cửa nhờ bác xích lô nhà hàng xóm đưa tới bệnh viện để sinh. Vợ bác vì sợ chở bà đẻ sáng sớm là xui nên ngần ngừ không muốn bác nhận lời. May thay, bác chẳng để tâm đến nỗi sợ mơ hồ ấy mà tôi kịp ra đời khi vừa vào viện.

Nếu chỉ vì sợ điềm xấu, sợ một chữ “kiêng” thì có bao đứa trẻ như tôi không có cơ hội đến với thế giới này, sẽ có bao người gặp tai nạn bị lấy mất cơ hội sống vì bỏ lỡ “thời gian vàng” trong sơ cấp cứu.

Chắc hẳn, bạn cũng còn nhớ một câu chuyện đau lòng đến ám ảnh xảy ra vào tháng 6/2019 tại TPHCM, khi một tai nạn xe máy trong đêm khiến một người phụ nữ tử vong tại chỗ và một nạn nhân nam bị thương nặng.

Hình ảnh camera ghi lại cho thấy, sau khi người gây tai nạn bỏ đi, trong khoảng 11 phút có đến sáu chiếc ô tô, hơn 30 xe máy và hàng chục người đi qua vị trí tai nạn, tất cả đều đứng nhìn nạn nhân nằm co giật đến khi trút hơi thở cuối cùng. Sự vô cảm ấy, có khi là điều đáng sợ hơn cả cái chết.

Nhưng chẳng phải luôn có những trái tim quả cảm như người lái xe Hoàng Phan Anh, dù chỉ nghe tin có người cần trợ giúp cũng sẵn sàng ứng cứu?

Và những hành động đáng trân trọng như thế, luôn khiến cho cuộc sống đáng sống và tiếp thêm cho ta những động lực, để dấn thân trên những hành trình tử tế.