Thiên lý hữu tình: Cứu người là cứu chính mình

Cứu người không hẳn là phải lao vào hiểm nguy như ta thường thấy, mà là một hành trình cho đi và chưa bao giờ nghĩ đến nhận lại.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
“Một giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”, đã bao trọn ý nghĩa và mục đích lớn lao trong các Chiến dịch hiến máu nhân đạo

Câu chuyện hôm nay sẽ bắt đầu lạ một chút, đó là bằng một câu hỏi, năm 17 tuổi, ước mơ của các bạn là gì ? Lúc này sẽ có ngươi mơ ước có một tình yêu trong mơ ở tuổi đẹp nhất, có người sẽ mơ ước với những hoài bão trong tương lai. Thế nhưng ở tuổi 17, có một mơ ước thật thú vị của một cô sinh viên bắt đầu bước chân vào cánh cổng đại học đó là được thỏa sức tham gia các hoạt động xã hội, vì cộng đồng.

Đó là cô sinh viên trẻ tên Hoài Anh, mà sau này cái máu “tình nguyện”, máu “vì cộng đồng” theo chị là “sẽ chảy trong chị suốt đời”. Chị Hoài Anh năm nay vừa tròn 30 tuổi, nguyên là Cán bộ Đoàn của Phường Hàng Đào, Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Chị kể ngay từ bé đã rất thích giúp đỡ mọi người nhưng phải khi đến năm học Đại học mới đủ khả năng và sự năng nổ nhất để làm thật nhiều những hoạt động cộng đồng, và chị đã chọn theo đuổi một hoạt động mà chị nghĩ rằng, cứu người là điều thật khó, nên làm được gì nhất định phải làm, đó là hiến máu nhân đạo, càng nhiều lần càng tốt.   

Nhận ra điều ấy năm 17 tuổi, cô sinh viên Hoài Anh vẫn ấp ủ được một lần hiến máu với tâm niệm hiến máu cứu người, nhưng khi đó theo luật chị vẫn chưa đủ tuổi hiến máu. Đến năm vừa tròn 18 tuổi, cũng là thời điểm Phường Hàng Đào, nơi chị sinh hoạt Đoàn bắt đầu tổ chức hiến máu tình nguyện, sự háo hức lấn át hết sự lo lắng vì chị còn bảo lúc ấy nghe nói hiến máu còn được nhiều lợi ích nữa như thay máu, cải thiện sức khỏe, tốt cho tim mạch,…

Sau lần đầu tiên, chị bảo, chị “nghiện” hiến máu. Nghiện đến mức còn kêu gọi và rủ bạn bè đi hiến máu. Ở tuổi 18 phơi phới và sức trẻ đầy mình, chị còn bảo không hiến máu thừa lại “phí” và có lần chị còn sợ phí đến nỗi rủ được bạn mình 18 tuổi nhưng thiếu 1 tháng vì chưa đến sinh nhật vẫn hiến được máu bằng cách khai thông tin thêm 1 tháng, đến khi hiến xong chị mới dám kể ra.   

Giờ đã 30 tuổi, cứ 1 năm 2 lần không thiếu một đợt, chị Hoài Anh vẫn tiếp tục trên cung đường trao tặng những giọt máu của mình. Chị bảo chỉ trừ 2 năm chị sinh em bé là không được hiến còn lại là đi đủ, vì không hiến máu là khó chịu lắm. Rồi từ khi có gia đình là mỗi lần hiến máu sẽ được hiến tận 2 đơn vị máu vì chị vận động cả chồng đi cùng vì càng nhiều người hiến thì chị càng vui.

Hiến máu nhân đạo - một nghĩa cử cao đẹp vì cộng đồng

Tính đến giờ chị và chồng cũng được hơn 20 tấm giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Có một lần chị kể vừa hiến máu chưa kịp tròn 3 tháng mới được hiến tiếp thì bố của bạn chị đổ bạo bệnh cần truyền máu gấp nhưng lại không đủ máu, thế là chị cũng lập tức lên đường đăng kí hiến để đổi máu cho bố của bạn mình. Thế rồi chị chỉ bảo, lúc đấy mình biết là mình hoàn toàn đủ sức khỏe mà làm để cứu người nên chắc chắn sẽ không thể bỏ qua.

Hiến máu là cho đi mà sẽ có lúc chẳng may ta cần đến để nhận lại, nhưng với chị Hoài Anh thì cơ hội ấy lại ít hơn so với rất nhiều người khác. Bởi khi được hỏi chị mang nhóm máu gì trong mình, chị bảo nhóm máu O. Nhóm máu O như chính con người của chị, cho đi thật nhiều mà nhận lại thì thật khó. Vì O có thể truyền cho tất cả những nhóm khác, nhưng sẽ chỉ nhận lại được từ chính nhóm máu O mà thôi.

Những tưởng chị sẽ có phần buồn về điều này, nhưng tôi nhầm, ngược với điều đó, khuân mặt chị vẫn hoàn toàn không thấy sự lo lắng hay buồn phiền nào vì có lẽ với chị, cho đi là không suy nghĩ đến việc được nhận lại. Đơn giản chỉ vì chia sẻ với cộng đồng, cứu được một mạng người đã là điều quá to lớn và hạnh phúc đối với chị rồi.   

Hiến máu là một hành động vô cùng đẹp và thể hiện niềm tin của chúng ta về những giọt máu quý giá trong cơ thể của mình sẽ chia sẻ đến những người đang thực sự cần và chính giọt máu đó sẽ cứu sống được một người thậm chí là người thân hay chính bản thần mình khi chẳng may cần đến. Đó cũng chính là suy nghĩ của chị Hoài Anh khi quyết định hiến máu.

Khi mà mình học thì mình biết mình nhóm máu O và mình cho được rất nhiều người. Mà trong cuộc sống không phải lúc nào mình cũng giúp được được mọi người, mà cứ 3 tháng là mình làm được rồi. Đấy là việc mình có thể làm thì không có lí do gì để mình không làm để giúp đỡ mọi người. Vì chưa thể biết rằng ngoài việc hiến máu, mình có thể làm gì khác luôn, nên là việc gì làm được thì mình làm trước.

Cứ lúc nào mình đủ khả năng là mình làm. Coi như là 1 việc mình giúp ích cho xã hôi. Mỗi 1 ngày 1 giờ cho dù mình có không hiến máu đi chăng nữa thì máu mình cũng sẽ như 1 tế bào, được sản sinh ra, vậy tại sao mình không sử dụng lượng máu đó để giúp đỡ mọi người thay vì việc nó vẫn được sinh ra mà không có tác dụng gì cả.

Khi được hỏi về tương lai trong công cuộc hiến máu của mình, chị Hoài Anh nó chắc chắn sẽ làm và còn khỏe thì còn làm. Thậm chí là nhiều hơn, 1 năm 3 lần hiến máu cũng được. Và chị cũng mong rằng mọi người hãy cùng chung tay để những nghĩa cử cao đẹp này được lan tỏa nhiều hơn để cứu được nhiều người hơn vì ngoài kia vẫn có nhiều người kém may mắn hơn mình rất nhiều.

Rõ ràng khởi nguồn của lòng tốt sẽ chẳng có một  khoảng thời gian chính xác nào, cũng không biết thời điểm kết thúc, chỉ biết một điều rằng, lòng tốt sẽ luôn là thứ được lan tỏa và cứ thế nảy nở, nuôi dưỡng những điều tử tế tiếp theo. Cũng như câu chuyện trên, chị Hoại Anh vẫn sẽ tiếp tục hiến máu và vẫn sẽ tiếp tục vận động bạn bè mình tham gia hiến máu để giúp đỡ người khác.

Đó chẳng phải là nơi lòng tốt được lan tỏa hay sao. Qua câu chuyện này, ta lại thấy lòng tốt thực sự không có một hình thù hay mô tuýp nào cả, chỉ dám biết rằng lòng tốt là nơi ta cảm thấy an tâm và bình yên khi nghĩ về.