Thiên lý hữu tình: Chuyện về lớp học không tiếng nói

Một câu chuyện khá đặc biệt, là một lớp học, cũng là một cô giáo yêu nghề, nhưng đặc biệt ở chỗ, lớp học này không có tiếng nói, những âm thanh phát ra chỉ là tiếng đi lại, tiếng bút viết, tiếng viết bảng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Trước khi về dạy học tại trường Xã Đàn, cô Vũ Thị Hiền từng là Phó hiệu trưởng một trường học tại Hải Dương.

Câu chuyện hôm nay kể về một cô giáo tuổi đã tròn 45. Cô Vũ Thị Hiền, hiện là Tổ trưởng Tổ Tiểu học B tại ngôi trường đặc biệt dành cho trẻ khiếm thính, Phổ thông Cơ sở Xã Đàn (Hà Nội). Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, thì đã 8 năm tròn cô là giáo viên của trường PTCS Xã Đàn với biết bao câu chuyện làm cô nhớ mãi không quên.

Trước khi về dạy học tại trường Xã Đàn, cô từng là Phó hiệu trưởng một trường học tại Hải Dương, cũng từng là Giáo viên giỏi cấp tỉnh, Cán bộ quản lí giỏi cấp tỉnh, song gác lại những vinh quang ấy, cô lại chọn nơi dừng chân tiếp theo là một nơi thực sự khó khăn và vất vả, mà cô chia sẻ là đến giờ chắc là sẽ gắn bó mãi với nơi này.

Tham gia một tiết học cùng cô Hiền, tôi thấy những câu chuyện thực sự đặc biệt. Cô chủ nhiệm lớp 2B1, với sĩ số 19 học sinh đều khiếm thính, trong đó có em mắc cả tự kỷ. Một lớp học vẫn diễn ra đúng trình tự nhưng điều đặc biệt ở chỗ họ giao tiếp với nhau bằng những ngôn ngữ ký hiệu, bằng hành động thay vì tiếng nói. Đặc thù là trẻ em có tật, nên các em thường khó trong việc tiếp thu kiến thức cũng như tập trung trong lớp, giảng dạy trên bảng là phụ, còn phải tiếp cận từng em, dạy từng học sinh một là chủ yếu.

Cô Hiền kể, có những vì các em hoàn cảnh đặc biệt nên sức khỏe cũng yếu hơn các bạn bình thường. Có những học sinh yếu, đi học thì cứ ngất suốt, rồi chảy máu cam liên tục, rồi cả bệnh tim cũng có. Đến nỗi có ngày, chỉ cần thay đổi thời tiết, là sức khỏe và thân kinh của các em cũng bị ảnh hưởng, sẽ có em đi học chỉ la hét, rồi cười một mình, hay khóc cả buổi. Và như thế, cô Hiền không chỉ là một cô giáo, mà còn gánh thêm trọng trách của một người mẹ chăm sóc cho con của mình, là một bác sỹ, chăm sóc tinh thần và cả thể chất an ủi và vỗ về.

Cô Hiền chia sẻ, chẳng ai dạy mình về cách dạy học sinh khiếm thính cả, điều mà cô Hiền khó khăn nhất khi về trường bắt đầu nhận học sinh đó là sự thay đổi hoàn toàn trong môi trường dạy học, khi đang từ dạy trẻ lành sang dạy trẻ khuyết tật, cô không biết làm thế nào để giao tiếp được với các em vì ngôn ngữ tiếng nói là không thể, cô không hiểu trò mà trò cũng không hiểu cô muốn nói gì. Và thế là tất cả bắt đầu bằng thứ gọi là bản năng của tình người, của tình yêu thương.

Dạy con bằng cách êu tả những thứ đơn giản, tạo thành thói quen và phản xạ, dần dà các con hiểu được mục đích hành động của cô và biết cách bày tỏ ý muốn của mình. Đến bây giờ, các em đã biết làm toán, biết viết chữ, viết tên mình. Với cô Hiền, mỗi lần các con biết viết được một từ mới, hay phụ huynh gọi điện báo con biết viết tên của mình rồi, con biết viết tên bố mẹ rồi là lòng cô lại tích thêm được một niềm hành phúc. Hạnh phúc của cô Hiền bắt nguồn từ chính những sự phát triển, nảy nở của những hạt mầm mà cô gieo.

Một lớp học vẫn diễn ra đúng trình tự nhưng điều đặc biệt ở chỗ họ giao tiếp với nhau bằng những ngôn ngữ ký hiệu, bằng hành động thay vì tiếng nói.

Cô Hiền kể, có những trường hợp phụ huynh đưa con đến trường xin học nhưng ở trường hợp nặng cả về sức khỏe, nhận thức, đáng lẽ không đủ điều kiện để nhập học mà cũng không có phương pháp để dạy, nhưng vì thương cả con, thương cả phụ huynh, vì nếu không đưa vào trường thì phụ huynh cũng không biết gửi gắm con ở đâu.

Mỗi lúc như thế, cô lại có thêm một đứa con và lại bắt đầu một hành trình gian nan mới. Có những hôm về nhà trời tối muộn, stress, căng thẳng vì nỗ lực cả ngày với học sinh ở lớp là điều không thể tránh khỏi, nhưng tuyệt nhiên, tôi chưa thấy cô Hiền than phiền một câu là chán nản nào, có lẽ vì cô đã tìm được niềm vui từ sự vất vả, mệt nhọc.

Khi được hỏi về việc từng là một Phó hiệu trưởng, kể cả khi chuyển nơi ở, cô Hiền vẫn có thể có những cơ hội việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn, công việc nhẹ nhàng hơn nhưng sao cô vẫn ở lại ngôi trường này, cô Hiền cười to chỉ nói rằng tôi mà muốn đi thì đã đi lâu rồi: "Ông xã chuyển lên đây, con chuyển lên đây, thì mình bắt đầu dời cả gia đình lên trên này. Bước đầu cũng chỉ muốn về trường để ổn định công việc của mình thôi.

Lúc đầu khi mà về dạy trường tật mình rất sợ, thứ nhất là khả năng mình đang dạy trẻ lành và chức vị như thế. Nhưng ở đây 1 vài năm, mình bắt đầu quen công việc, mình thấy mình thương học sinh lắm. Mình thương lắm, mình làm như kiểu cái tâm ấy. Lúc ấy ông xã hỏi mình có chuyển không, mình bảo không, vì mình quen rồi, ở đây với các con quen rồi, mình muốn gắn bó nên thôi ở đây với các con".  

Khi hỏi về những áp lực trong nghề, cô còn bảo mình may mắn. May mắn bởi được dạy các con bằng tấm lòng của mình, không bị áp lực từ nhà trường, mà phụ huynh cũng hiểu cho khó khăn của các thầy cô nên luôn hết mình trong công việc. Dành được mọi thời gian và tâm sức để dạy cho các con.

Dạy chữ là một phần, nhưng dạy cho các con tự tin, dạy các con giao tiếp được cơ bản, biết tự chăm lo cho bản thân, dạy con trưởng thành và trở thành người tử tế, thế là cô mãn nguyện.

Câu chuyện hôm nay cũng không phải để nêu gương hay tuyên dương một ai cả, mà đơn thuần chỉ là để lan tỏa những điều tử tế tốt đẹp, để tiếp sức cho đâu đó trong xã hội này, những hoàn cảnh khó khăn sẽ có thêm hy vọng, hy vọng về cuộc đời tươi mới, tươi sáng như chính những em học sinh đang được cô Hiền giúp đỡ.

Có lẽ câu chuyện hôm nay chẳng thể lột tả được hết những khó khăn, vất vả mà cô Hiền cũng như các thầy cô giáo khác dạy trong trường đặc biệt phải trải qua, nhưng nó sẽ để lại cho chúng ta những suy nghĩ về sự lan tỏa và nối tiếp, sự tử tế nối tiếp sự tử tế.

Qua câu chuyện hôm nay, hy vọng rằng Thiên lý hữu tình sẽ tiếp thêm cho quý vị một niềm tin, tin về lòng tốt vẫn thật nhiều mà không thể kể hết, tin về một tương lai trong một xã hội ấm áp tình người và đầy ắp những sự ý vị.

---

Nếu trong những phút giây của cuộc sống thường ngày hay trên những con đường mà các bạn đi qua, có những câu chuyện khiến các bạn nhớ mãi về tình người, tình yêu cuộc sống, rất mong các bạn hãy chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: thienlyhuutinhfm91@gmail.com

Chương trình phát sóng chiều thứ Ba, phát lại chiều thứ Năm hàng tuần trên kênh VOV Giao thông. Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình trên các thiết bị di động, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); rồi sau đó gõ từ khoá: VOVGT, VOV giao thông; hoặc gõ tên các chương trình.