Thị trường xe điện: ‘Miếng bánh’ ngày càng khó với các startup

Thị trường xe điện ngày càng phát triển và đang được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của các chính phủ vì đáp ứng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính CO2. Tuy nhiên, các nhà đầu tư, đặc biệt những doanh nghiệp Startup, có thể thành công trong lĩnh vực này hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Cuộc cách mạng xe điện đang mang đến nhiều cơ hội lớn với hy vọng ‘kiếm cả núi tiền’ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua nắm bắt thời cơ này, nhiều đối thủ đã ‘ngã ngựa’.

Theo khảo sát của AutoForecast Solutions (một nhóm nghiên cứu và dự báo về lĩnh vực ô tô điện), trong khoảng một thập kỷ gần đây, có ít nhất 30 công ty xe điện đã đình chỉ hoạt động, sản xuất cầm chừng hay đang đối mặt nguy cơ phá sản.

Phóng viên đài CNBC của Mỹ thông tin: “Ngay cả những doanh nghiệp đã thành danh trong lĩnh vực khác muốn mơ ước sản xuất ô tô điện cũng phải đầu hàng. Rõ ràng lĩnh vực kinh doanh này không dành cho những người yếu tim”.

Cuộc cách mạng xe điện đang mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp - Ảnh nh họa

Thống kê cho thấy, năm 2023, Tesla kiểm soát hơn 50% thị trường xe điện ở Mỹ, bán được hơn 650.000 ô tô trong nước và thu về 82 tỷ USD doanh số bán xe trên toàn thế giới.

Xe điện hiện chiếm 8% tổng số ô tô mới bán ra tại Mỹ, dự kiến tăng lên 46% vào năm 2030, tương đương gần 8 triệu chiếc. Còn trên thế giới, ô tô điện dự báo có thể chiếm tới 61% ô tô mới bán ra vào năm 2035.

Ông Pavel Molchanov,  Giám đốc điều hành Ngân hàng đầu tư Raymond James nhận định: “Các công ty khởi nghiệp đặc biệt yêu thích những thị trường rộng lớn, nhưng thực tế đây là lĩnh vực đầu tư cực kỳ mạo hiểm”.

Bất chấp những cảnh báo về nhu cầu đang chững lại, các cam kết đầu tư vào xe điện đã tăng gấp đôi giá trị chỉ trong 2 năm qua, dự kiến đạt gần 620 tỷ USD vào năm 2027.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường được cho là nhờ chính sách hỗ trợ của các chính phủ dành cho ô tô điện. Không ít quốc gia mong muốn giảm phát thải khí nhà kính nên tạo điều kiện thuận lợi, cam kết ưu đãi, trợ cấp, thậm chí dành rất nhiều đặc quyền cho các nhà sản xuất xe điện.

Đơn cử như tại Mỹ, nhiều tiểu bang yêu cầu các hãng sản xuất ô tô phải đạt tỷ lệ nhất định số xe có mức phát thải bằng 0. Nếu không làm được điều này, họ sẽ phải mua tín dụng carbon từ những hãng vượt mức quy định đề ra.

Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, Tesla thu được hơn 5 tỷ USD nhờ bán tín dụng carbon cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô khác.

Ông John Paul MacDuffie, giáo sư tại Trường Kinh doanh Wharton, thuộc Đại học Pennsylvania cho biết thêm: “Trung Quốc là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng về xe điện nhanh nhất thế giới. Điều đó là nhờ các doanh nghiệp được hỗ trợ bởi những chính sách thuận lợi của chính phủ. Nhiều doanh nhân cũng đang muốn nắm bắt thời cơ này”

Tuy nhiên, đi cùng cơ hội, các thách thức với doanh nghiệp, đặc biệt các startup xe điện, cũng không hề nhỏ.

Trong đó, vấn đề đầu tiên là cần nguồn vốn lớn. Ông Mark Wakefield, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn AlixPartners chia sẻ: “Bạn phải bỏ ra ít nhất 2 tỷ USD để sản xuất được chiếc xe điện đầu tiên. Nhưng đó chỉ là sự khởi đầu. Giống như một con cá mập luôn cần di chuyển và sẽ chết nếu đứng yên, các doanh nghiệp phải có khả năng huy động nhiều lần 2 tỷ USD nữa ở những năm tiếp theo”

Thị trường xe điện ngày càng phát triển và đang được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của các chính phủ vì đáp ứng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính CO2 - Ảnh nh họa yourstory

Theo ông Wakefield, so với cách đây 10 năm, hiện nay việc thành lập một công ty ô tô điện hấp dẫn hơn rất nhiều, nhưng đây là ngành có tính cạnh tranh quyết liệt và thâm dụng vốn cao: “Lĩnh vực này khác hẳn so với việc ra mắt một ứng dụng hay dịch vụ tiêu dùng mới. Bạn có thể tiêu tốn hàng tỷ USD trước khi có một USD lợi nhuận đầu tiên”.

Đồng quan điểm về điều này ông Pavel Molchanov, Giám đốc điều hành Ngân hàng đầu tư Raymond James nêu ý kiến: “Không phải ai cũng có 2 tỷ USD để gia nhập cuộc chơi. Nhưng ngay cả khi bạn có sẵn 2 tỷ USD thì đó cũng không phải yếu tố chắc chắn đảm bảo cho sự thành công”

Theo hãng tin CNBC, ở một khía cạnh nào đó, thị trường xe điện hiện nay giống như những ngày đầu của ngành công nghiệp ô tô tại Mỹ. Khi đó, vào buổi bình nh của thế kỷ 20, có hàng trăm nhà sản xuất ô tô lớn, nhỏ, cũng như doanh nghiệp cung ứng phụ tùng mọc lên khắp nơi.

Tuy nhiên, sau khoảng một thập kỷ, với vô số công ty làm ăn thất bát, phải sáp nhập, chỉ còn số ít doanh nghiệp tồn tại đến ngày nay như Ford, GM hay Chrysler… Giáo sư John Paul MacDuffie từ Trường Kinh doanh Wharton bày tỏ: “Ngay cả khi có một loạt các công ty mới xuất hiện vào thời điểm hiện tại, lịch sử sẽ cho chúng ta biết, điều đó sẽ không kéo dài”.

Năm 2023 là dấu mốc quan trọng ghi nhận nhiều mẫu xe ‘nhiên liệu xanh’ đặt chân vào thị trường Việt Nam bao gồm cả xe hybrid và xe điện. Các chuyên gia dự đoán, trong năm 2024, làn sóng điện hóa phương tiện giao thông sẽ tiếp tục phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam.

Thời gian qua, cam kết của chính phủ với tương lai xanh được thể hiện rõ qua chương trình hành động biến đổi năng lượng xanh. Mục tiêu tất cả các phương tiện di chuyển trên đường sẽ chạy bằng năng lượng xanh vào năm 2050. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng, trạm sạc cho xe điện kỳ vọng có thể gia tăng tốc độ tiêu dùng, biến Việt Nam thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà sản xuất ô tô điện trên toàn cầu.