Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Ấn Độ: Liên tiếp tai nạn đường sắt vì chỉ mua mới, ít bảo trì

Huy Văn: Thứ tư 04/09/2024, 14:03 (GMT+7)

Dù sở hữu hệ thống đường sắt lớn hàng đầu thế giới, nhưng hình ảnh đường sắt Ấn Độ trong mắt nhiều người vốn không mấy tốt đẹp. Đặc biệt là trong thời gian gần đây, liên tiếp các sự cố, tai nạn đường sắt xảy ra tại Ấn Độ khiến làn sóng chỉ trích ngày càng dữ dội.

Hệ thống đường sắt Ấn Độ có tổng chiều dài gần 70.000 km, là mạng lưới lớn thứ 4 thế giới, do nhà nước quản lý. Đây cũng là ngành tuyển dụng lực lượng lao động đông đảo nhất cả nước, lên tới 1,3 triệu người.

Đường sắt Ấn Độ vận hành khoảng 13.500 chuyến tàu khách và 9.100 chuyến tàu hàng mỗi ngày. Trong năm 2023, mạng lưới đường sắt chuyên chở hơn 6,8 tỷ hành khách, thấp hơn so với 8,4 tỷ hành khách vào năm 2019, trước đại dịch COVID-19 bùng phát.

Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng và nguồn lực kém, đường sắt Ấn Độ thường xuyên xảy ra sự cố, tai nạn. Theo Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia, hơn 16.000 người đã thiệt mạng trong gần 18.000 vụ tai nạn đường sắt trên khắp đất nước vào năm 2021.

Hầu hết các vụ tai nạn là do ngã từ tàu hỏa và va chạm giữa tàu và người trên đường ray.Còn với năm 2024, chỉ tính riêng đầu tháng 7 tới nay đã có 10 sự cố tàu hỏa nghiêm trọng khiến ít nhất 3 người thiệt mạng, 30 người bị thương cùng nhiều thiệt hại cho cơ sở hạ tầng đường sắt.

Hay vào hồi tháng 6 năm ngoái, thảm kịch va chạm liên hoàn ở bang Odisha đã khiến khoảng 300 người thiệt mạng và hơn 1.200 người bị thương, đánh dấu một trong những thảm kịch tai nạn đường sắt nhiều người chết nhất trong lịch sử Ấn Độ.

Hiện trường thảm kịch đường sắt

Hiện trường thảm kịch đường sắt

Lãnh đạo ngành đường sắt, ông Ashwini Vaishnaw đang bị chỉ trích, kêu gọi chịu trách nhiệm cho những sự cố vừa qua. Theo chuyên gia đường sắt Raghuram, cựu giám đốc Viện Quản lý Ấn Độ Bangalore, số vụ tai nạn tàu hỏa gia tăng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức của người dân về mức độ an toàn của loại hình vận tải này.

Trước làn sóng chỉ trích, Bộ trưởng Đường sắt Ashwini Vaishnaw cho biết, chính phủ đang nỗ lực cải thiện an toàn đường sắt với số tiền đầu tư lớn trong những năm gần đây:

“Đầu tư của chính phủ vào đường sắt trong vòng 10 năm qua đã tăng đáng kể. Vào năm ngoái, số tiền đầu tư ước tính từ 20 – 29 tỷ USD. Còn trong năm tài chính năm nay, con số được dự đoán vào khoảng 32 tỷ USD. Cũng vào năm ngoái, Ấn Độ đã xây dựng thêm 5.200 km đường sắt, ngang bằng tổng chiều dài đường sắt của Thuỵ Sĩ. Con số mục tiêu của năm nay là 5.500 km”.

Dù vậy, ông Vaishnaw không đưa ra lời giải thích tại sao hàng loạt sự cố xảy ra liên tiếp gần đây.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam, ngân sách dành cho ngành đường sắt ở Ấn Độ tăng đều đặn qua các năm, nhưng các khoản tiền chủ yếu phục vụ mua sắm đoàn tàu mới, chạy tốc độ cao. Trong khi đó, chỉ 15% tổng doanh thu trong năm 2022-2023 là dành chi tiêu cho công tác sửa chữa, bảo trì hệ thống đường ray. Dự kiến ngân sách cho các hạng mục này sẽ giảm xuống 10% trong năm nay.

Trước đó, Cơ quan Kiểm toán Ấn Độ (CAG) công bố nghiên cứu cho thấy, giảm chi phí bảo trì là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng trật bánh tàu hỏa gia tăng. Cụ thể, trong số 1.129 vụ trật bánh tàu hỏa từ năm 2017 - 2021, có tới 289 vụ (tương đương hơn 26%) liên quan đến vấn đề chậm bảo trì đường ray. Ngoài ra, quỹ phân bổ cho công tác duy tu, đổi mới đường ray không những bị cắt giảm mà còn không được giải ngân hết, tác động tiêu cực đến hoạt động đường sắt.

Ông Rakesh Choppa, cựu quan chức của Ban Quản lý đường sắt Ấn Độ chia sẻ: “Thực tế đã chỉ ra rằng, từ những năm 50 - 70 khi tỉ lệ tai nạn ở mức rất cao, các con số đã ghi nhận một sự thúc đẩy về các biện pháp hiện đại hoá và cải thiện an toàn đường sắt. Nhờ đó mà tỉ lệ tai nạn vào những năm 80 – 90 ở mức rất thấp.

Nhưng tai nạn lại tăng trở lại từ năm 2010 cho tới nay. Tôi nghĩ những thống kê đó đã cho ta thấy sự thật rõ ràng là hệ thống đường sắt bây giờ đã trở nên cũ kỹ, xập xệ; đến lúc phải thay thế, nâng cấp. Dù chính phủ đã và đang làm điều này, nhưng theo tôi là họ cần phải đẩy nhanh tiến độ hơn.”

Ít bảo trì, sửa chữa là nguyên nhân chính gây nên tai nạn đường sắt tại Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Ít bảo trì, sửa chữa là nguyên nhân chính gây nên tai nạn đường sắt tại Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Trở lại với Việt Nam, theo số liệu của văn phòng Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên toàn quốc đã xảy ra 66 vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt, làm chết 48 người, bị thương 11 người. So với cùng kỳ năm 2023, tai nạn đường sắt đã tăng 7 vụ, tăng 3 người chết, giảm 2 người bị thương.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, hiện nay, trên các tuyến đường sắt đang có rất nhiều hầm, cầu, công trình xuống cấp. Nguyên nhân do các công trình này đã được xây dựng từ rất lâu, thậm chí có công trình tuổi thọ hàng trăm năm.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã kiến nghị cấp có thẩm quyền đưa các công trình xung yếu vào các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 hoặc bổ sung kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ hàng năm. Tuy nhiên, trước mắt, tổng công ty kiến nghị ưu tiên bố trí khoảng 1.295 tỷ đồng để gia cố khẩn cấp đối với các công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cũng cho rằng, cần đầu tư tập trung cho tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, là tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Đối với các tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Yên Viên - Lào Cai và Gia Lâm - Hải Phòng chỉ đầu tư có trọng điểm để đảm bảo an toàn và ưu tiên các ga có nhu cầu vận tải lớn.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn