Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Sở hữu hệ thống an toàn, rẻ và hiệu quả, tại sao đường sắt Ấn Độ vẫn nhiều tai nạn?

Huy Văn: Thứ tư 25/09/2024, 14:14 (GMT+7)

Trong các chuyên mục trước, VOV Giao thông đã đề cập đến tình trạng thiếu an toàn đường sắt đang tồn tại tại quốc gia tỷ dân Ấn Độ. Thực tế, quốc gia này đã và đang áp dụng một hệ thống an toàn đường sắt khá tân tiến và hiệu quả. Nhưng tại sao tỉ lệ tai nạn đường sắt vẫn ở mức cao?

Tính an toàn của hệ thống đường sắt vận chuyển 8 tỷ lượt khách mỗi năm của Ấn Độ vốn đã bị chỉ trích trong vài năm trở lại đây do cơ sở hạ tầng và nguồn lực kém. Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã chi hàng chục tỉ USD để cải tạo và hiện đại hóa đường sắt.

Trong các năm 2019, 2020, chính phủ của ông Modi đã lần đầu tự hào vì thành tích hai năm liên tiếp không có người thiệt mạng trong các vụ tai nạn xe lửa. Đóng góp một phần vào thành tích đó phải kể đến sự ra đời của hệ thống an toàn đường sắt Kavach, được tạm dịch là “Áo giáp”.

Được phát triển bởi Tổ chức Tiêu chuẩn và Thiết kế Nghiên cứu (RDSO) phối hợp với ba nhà cung cấp Ấn Độ, Kavach được thiết kế để hỗ trợ người điều khiển đầu máy không vượt qua các tín hiệu dừng khi chưa được phép và chạy quá tốc độ, đồng thời trợ giúp các hoạt động của tàu trong các điều kiện thời tiết bất lợi như sương mù dày đặc và tầm nhìn kém do mưa lớn nhằm hạn chế các tai nạn có thể xảy ra.Hệ thống Kavach hoạt động bằng cách tự động kiểm soát tốc độ của tàu để ngăn va chạm và bảo vệ khỏi lỗi của con người.

Nó sử dụng kết hợp hệ thống định vị toàn cầu GPS, nhận dạng dạng qua tần số vô tuyến RFID để theo dõi chuyển động của tàu và đảm bảo tuân thủ các giao thức an toàn. Bằng cách tự động dừng tàu trong trường hợp có nguy cơ tiềm ẩn, Kavach giảm đáng kể nguy cơ va chạm và trật bánh.

Ngoài ra, Kavach cũng có hệ thống hỗ trợ liên lạc khẩn cấp trong các tình huống xấu.

Hệ thống an toàn Kavach của Ấn Độ được đánh giá là hiệu quả, đồng thời rẻ hơn nhiều hệ thống an toàn đường sắt khác. Ảnh: Financial Express

Hệ thống an toàn Kavach của Ấn Độ được đánh giá là hiệu quả, đồng thời rẻ hơn nhiều hệ thống an toàn đường sắt khác. Ảnh: Financial Express

Các giai đoạn đầu phát triển hệ thống này đã được triển khai từ năm 2011, bắt đầu thử nghiệm hoạt động từ năm 2014 và chính thức cấp phép từ năm 2019. Và từ năm 2020 đến nay, Kavach trở thành hệ thống an toàn đường tiêu chuẩn của Ấn Độ.

Trong một cuộc thử nghiệm vào năm 2022, Kavach đã chứng minh hiệu quả của nó khi ngăn ngừa tai nạn giữa 2 đầu máy xe lửa chỉ ở khoảng cách gần 400 mét. Các nhà chức trách đường sắt cho biết Kavach là một trong những công nghệ được chứng nhận ít chi phí nhất khi rẻ hơn 25-33% so với các hệ thống an toàn đường sắt của Châu Âu. Đồng thời, về mặt lý thuyết, hệ thống này có xác suất 10.000 năm mới xảy ra lỗi một lần. Hiện Kavach vẫn đang được nâng cấp, bổ sung các tính năng mới.

Nếu Kavach hiệu quả như vậy, tại sao tai nạn đường sắt tại Ấn Độ vẫn xảy ra thường xuyên? Đó là bởi hệ thống này mới chỉ được lắp đặt và hoạt động trên khoảng 3.000 km đường ray, quá ít so với con số tổng chiều dài đường sắt gần 70.000 km của Ấn Độ.

Trong đó, với thảm kịch 3 tàu chở hàng va chạm liên hoàn khiến 292 người thiệt mạng tại bang Odisha thuộc miền đông Ấn Độ vào tháng 6 năm ngoái, hệ thống này chưa được lắp đặt tại nơi xảy ra tai nạn. Các chuyên gia cho biết nếu có hệ thống Kavach, va chạm chắc chắn sẽ không xảy ra.

Trả lời phóng vấn với tờ India Today, ông Sudhansu Mani, chuyên gia đường sắt Ấn Độ cho biết: “Để thực sự cải thiện an toàn đường sắt quốc gia, Kavach cần được lắp đặt trên khoảng ít nhất 40.000 km đường ray. Tôi nghĩ là với năng lực hiện tại, tối đa chúng ta có thể lắp đặt Kavach trên khoảng 4.000 km mỗi năm, vậy là cần 10 năm. Trong khoảng thời gian đó, số tiền mà chính phủ Ấn Độ cấp cho ngành đường sắt là dư thừa. Vậy nên vấn đề không phải là tiền, mà là thực tế cho thấy tiến trình lắp đặt Kavach đang chậm dần theo thời gian.”

Mới đây, sau hàng loạt chỉ trích hướng tới ngành đường sắt trong việc cải thiện an toàn, vào giữa tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ đường sắt Ấn Độ, ông Ashwini Vaishnaw đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình lắp đặt hệ thống Kavach trên toàn quốc. Hiện Bộ đường sắt có kế hoạch hoàn thành lắp đặt Kavach trên 44 nghìn km đường ray trong vòng 5 năm tới. Trong đó, đấu thầu cho khoảng 6 nghìn km dự kiến sẽ được triển khai vào cuối năm nay.

Ông Sudhansu Mani cho biết thêm: “Một vài năm trở lại đây, các tiến trình đối với Kavach đang không có gì khởi sắc. Tôi cho rằng, thay vì mua các đầu tàu mới, xây dựng các ga tàu hoành tráng, thì chính phủ nên đặt mục tiêu phủ sóng Kavach lên hàng đầu. Đây không phải là nhiệm vụ đơn giản khi mọi đầu máy, mọi ga tàu cần được lắp đặt hệ thống này. Nhưng đó là điều cần thiết phải làm”.

Tuy nhiên, Kavach lại chưa được lắp đặt rộng rãi trên phạm vi toàn quốc, và đó là nguyên nhân khiến tỉ lệ tai nạn đường sắt ở Ấn Độ vẫn ở mức cao. Ảnh: PTI

Tuy nhiên, Kavach lại chưa được lắp đặt rộng rãi trên phạm vi toàn quốc, và đó là nguyên nhân khiến tỉ lệ tai nạn đường sắt ở Ấn Độ vẫn ở mức cao. Ảnh: PTI

Còn tại Việt Nam, an toàn giao thông đường sắt cũng là vấn đề đang được quan tâm. Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, trong 7 tháng năm 2024, tai nạn giao thông đường sắt gia tăng đáng kể. Cả nước xảy ra 106 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 43 người, bị thương 61 người. Số vụ, số người chết đều tăng so với cùng kỳ và chỉ đứng thứ 2 sau tai nạn giao thông đường bộ. Các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra tại lối đi tự mở, người tham gia giao thông không quan sát hoặc cố tình vượt qua dù tàu đã đến gần.

Để cải thiện an toàn, vào đầu tháng 8 vừa qua Ban Quản lý dự án 2 vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Dự án cải thiện an toàn giao thông đường sắt sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo đó, Ban Quản lý dự án 2 đề xuất dự án sẽ đầu tư các công trình giao cắt khác mức cho 21 vị trí giao cắt giữa 4 tuyến đường sắt (bao gồm các tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội-Hải Phòng, Yên Viên-Lào Cai và Hà Nội-Đồng Đăng) với các quốc lộ nằm trên địa phận 13 tỉnh, thành phố trong cả nước, trải dài từ Bắc vào Nam.

Dự kiến tổng mức đầu tư Dự án cải thiện an toàn giao thông đường sắt là khoảng 8.148,59 tỷ đồng (tương đương khoảng 320,04 triệu USD), trong đó hai khoản chi lớn nhất là chi phí xây dựng 4.575 tỷ đồng và dự phòng 1.786 tỷ đồng.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn