Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Xe buýt sẽ phải phù hợp với từng khu dân cư

Huy Văn: Thứ ba 17/09/2024, 14:17 (GMT+7)

Nổi tiếng với hệ thống giao thông công cộng hiệu quả nhưng Singapore vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc giúp dân di chuyển trong đô thị tiện lợi hơn nữa. Như mới đây, Bộ GTVT quốc gia này đã công bố về kế hoạch trị giá gần 1 tỷ USD nhằm cải thiện hệ thống xe buýt.

Theo đài CNA, hiện nhu cầu về xe buýt nói riêng cũng như giao thông công cộng nói chung tại Singapore đang tăng nhanh do những thay đổi về chính sách nhà ở cũng như các mô hình đi lại.

Hiện Singapore đã có nhiều hơn những khu dân cư nằm xa trung tâm thành phố, trong khi các khu dân cư nằm trong trung tâm cũng ghi nhận số lương cư dân và hành khách sử dụng xe buýt tăng lên.

Do đó, ngày 30/7 vừa qua, bộ GTVT Singapore đã công bố Chương trình Tăng cường kết nối xe buýt tại đảo quốc sư tử với mục đích chính là cải thiện hệ thống xe buýt, linh động hơn với từng khu dân cư và hướng tới hỗ trợ hiệu quả cho hệ thống tàu điện MRT.

Singapore hướng tới tăng cường kết nối giao thông công cộng trong những năm tới. Ảnh: StraitTimes

Singapore hướng tới tăng cường kết nối giao thông công cộng trong những năm tới. Ảnh: StraitTimes

Theo đó, Singapore sẽ đầu tư 900 triệu USD trong vòng 8 năm tới, tập trung vào triển khai thêm các tuyến xe buýt mới, bên cạnh đó là giới thiệu và vận hành dịch vụ xe buýt trung chuyển hướng tới nhóm hành khách đi tàu điện.

Ông Chee Hong Tat, Bộ trưởng bộ GTVT Singapore cho biết, số tiền 900 triệu USD sẽ được sử dụng để bổ sung thêm xe buýt, tuyển dụng thêm tài xế và nhân viên bảo trì, đồng thời phát triển cơ sở hạ tầng mới như các trạm dừng. Trọng tâm mà Singapore hướng tới là cải thiện hệ thống xe buýt theo cách phù hợp với từng khu dân cư cụ thể, giúp họ tận dụng tối đa hệ thống giao thông công cộng. Bộ GTVT sẽ tham khảo kỹ lưỡng từng khu vực để đưa ra các thay đổi sao cho phù hợp.

Ví dụ như các khu dân cư nằm ở vùng ngoại ô sẽ được cung cấp các tuyến xe buýt với ít điểm dừng với mục đích đưa hành khách tới trung tâm thành phố nhanh nhất có thể, hoặc nhanh chóng tới ga tàu điện gần nhất. Còn với những hành khách sử dụng chủ yếu phương tiện giao thông công cộng, Singapore đưa ra dịch vụ xe buýt tốc hành để đưa thẳng hành khách từ các điểm dừng xe buýt tới các ga tàu điện ngầm.

Ông Chee Hong Tat cho biết thêm, khoản đầu tư này sẽ là một sự bổ sung đáng kể vào những trợ cấp hiện tại mà chính phủ Singapore dành cho giao thông công cộng: “Hiện với mỗi một chuyến xe buýt, khoản tiền mà chính phủ chi ra để bù lỗ là 1 đô-la. Nhưng chúng tôi không mong cầu thu lại nguồn vốn đầu tư cho xe buýt cũng như giao thông công cộng. Bởi số tiền chi ra được coi như là khoản đầu tư quan trọng để duy trì một hệ thống giao thông công cộng hiệu quả, vì lợi ích cộng đồng”.

Được biết, chương trình tăng cường kết nối xe buýt mới này là sự tiếp nối của một chương trình tương tự đã được Singapore triển khai từ năm 2012 đến năm 2017 với số tiền đầu tư vào khoảng 1,1 tỷ USD. Chương trình trước đó đã bổ sung 1.000 xe buýt, cũng như 80 tuyến, dịch vụ xe buýt mới.

Chương trình này cũng nằm trong tầm nhìn của Singapore về việc tăng cường khả năng kết nối giao thông và rút ngắn thời gian đi lại của người dân, biến đất nước đến năm 2030 thành nơi bất cứ cư dân nào cũng sống cách trạm tàu điện ngầm không quá 10 phút đi bộ. Mục tiêu đầy tham vọng của Cơ quan Quản lý Giao thông đường bộ (LTA) là có 8 trong 10 hộ gia đình nằm trong khoảng cách 10 phút đi bộ đến một trạm tàu điện ngầm vào đầu những năm 2030.

Các tuyến xe buýt sẽ được thay đổi lịch trình, tuyến đường đi để phù hợp với nhu cầu của người dân từng khu vực. Ảnh: StraitTimes

Các tuyến xe buýt sẽ được thay đổi lịch trình, tuyến đường đi để phù hợp với nhu cầu của người dân từng khu vực. Ảnh: StraitTimes

Mặc dù đang đầu tư đáng kể cho giao thông công cộng, nhưng Bộ GTVT Singapore cũng như các chuyên gia vẫn nhấn mạnh việc chi tiêu thận trọng cho các nguồn lực. Bộ trưởng Chee Hong Tat thừa nhận rằng dù các tuyến giao thông công cộng, bao gồm cả xe buýt và tàu điện đang được cải thiện đáng kể, nhưng hiện vẫn không đủ để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của người dân.

Theo tiến sĩ Walter Theseira của Đại học Khoa học Xã hội Singapore, không chỉ cải thiện các tuyến xe, chính phủ cũng nên cắt bỏ những tuyến có quá ít hành khách để tiết kiệm chi phí:

“Có một thực tế là hệ thống giao thông công cộng của Singapore được chính phủ tài trợ rất nhiều. Có nghĩa là số tiền mà hành khách đang chi trả cho các chuyến đi hiện tại không đủ để vận hành hệ thống, mà phải dựa vào cả trợ cấp từ nhà nước. Do đó chính phủ cần cân nhắc kỹ cho việc chi tiêu. Ta không thể tiếp tục duy trì toàn bộ các tuyến xe mà trong đó bao gồm cả những tuyến đang hoạt động kém hiệu quả dù chi phí vận hành lại lớn.”

Trở lại với Việt Nam, xe buýt công cộng cũng là một phương tiện vô cùng phổ biến. Những năm gần đây, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã có sự cải thiện tích cực về chất lượng dịch vụ. Và cùng với xu thế trên thế giới, xe buýt Việt Nam cũng đang dần “xanh hoá”.

Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2026 - 2030 sẽ có 50% xe buýt điện và 50% xe buýt chạy năng lượng sạch. Giai đoạn 2024 - 2030, tỉ lệ chuyển đổi buýt chạy dầu diesel sang xe buýt xanh là 70-90%. Giai đoạn 2031 - 2035 sẽ là 100% xe buýt chạy tại Hà Nội là xe buýt điện. Thay thế 9 tuyến xe buýt truyền thống thành xe buýt điện trong năm 2024. Dự kiến đến năm 2025, Hà Nội có khoảng 68 tuyến buýt sẽ hết hạn thầu và phải đổi chuyển sang buýt điện.

TP.HCM cũng tương tự với kế hoạch đầu tư gần 14 nghìn tỷ đồng nhằm “xanh hoá” dịch vụ xe buýt. Lộ trình đến năm 2025 thành phố sẽ chuyển đổi 395 xe buýt nhiên liệu sạch,  nâng tổng số buýt xanh lên 899 xe, chiếm khoảng 36% tổng xe buýt hiện có. Kế hoạch đến năm 2030 sẽ chuyển đối trên 1.800 xe, đạt khoảng 73%.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn