Thí điểm xe điện 2 bánh tại nhà ga BRT Văn Khê: 500 người dùng với hơn 1.000 lượt sử dụng

Sau 6 tháng triển khai từ ngày 05/12/2022 đến hết ngày 28/5/2023, số lượng người dân sử dụng xe máy điện có xu hướng ổn định và gia tăng đều đặn. Ngày thường ghi nhận 3-5 người đăng ký mới, 10-12 lượt di chuyển; Cuối tuần, và các ngày lễ ghi nhận 5-10 người đăng ký mới, 15-25 lượt di chuyển.

Lộ trình tuyến từ đường cổng chính vào khu đô thị Dương Nội, qua khu An khang Vila, rẽ phải theo đường công viên, rẽ trái ra Ngô Thì Nhậm kéo dài (mặt trước công viên Thiên Văn Học), vào cổng số 5 của TTTM AEON Mall Hà Đông. Ảnh: Tuổi trẻ thủ đô

Mô hình xe máy, xe đạp điện chia sẻ đã và đang được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới và phát huy hiệu quả trong việc cải thiện môi trường và thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân. Tại Việt Nam, mô hình này hiện đã và đang được áp dụng tại một số thành phố như Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Tp.HCM ...Cuối năm 2022, Hà Nội đã thực hiện chương trình thí điểm “Mô hình xe điện hai bánh kết nối phương tiện vận tải hành khách công cộng, tuyến BRT Văn Khê – Trung tâm thương mại AEON Mall Hà Đông” gọi tắt là Mô hình xe điện 2 bánh thí điểm nhà ga BRT Văn Khê đã đạt được nhiều kết quả tích cực:

Chương trình Mô hình xe điện 2 bánh thí điểm nhà ga BRT Văn Khê do Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải vận hành thí điểm với sự hỗ trợ của Ủy ban Châu Âu. Chương trình cung cấp 50 xe máy điện hỗ trợ kết nối chặng cuối từ nhà chờ xe buýt BRT Văn Khê đến trung tâm thương mại AEON Mall Hà Đông.

Theo đó, xe máy điện được chia đều bố trí tại 2 đầu tuyến để hành khách có thể dễ dàng lựa chọn và sử dụng di chuyển trên quãng đường khoảng 2,3km. Khu vực dành cho sạc điện được bố trí chính tại bãi đỗ xe AEON Mall Hà Đông và phương thức quản lý theo hướng bán tự động... quá trình mượn/trả phương tiện vẫn cần thao tác trên máy tính của người quản lý

Kết quả của quá trình vận hành thí điểm sau 6 tháng triển khai từ ngày 05/12/2022 đến hết ngày 28/5/2023, cho thấy, số lượng người dân sử dụng xe máy điện có xu hướng ổn định và gia tăng đều đặn. Ngày thường ghi nhận 3-5 người đăng ký mới, 10-12 lượt di chuyển; Cuối tuần, và các ngày lễ ghi nhận 5-10 người đăng ký mới, 15-25 lượt di chuyển.

Đến nay, có tổng cộng 500 người dùng với hơn 1.000 lượt sử dụng. Khung giờ sử dụng nhiều nhất là khung giờ từ 14-17 giờ hàng ngày, tiếp theo là khung  từ 17-21 giờ; độ tuổi sử dụng nhiều nhất là 23-35, chiếm 40%; tiếp đến là độ tuổi từ 36- 50.

PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải

PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cho rằng, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển xe đạp, xe máy điện chia sẻ để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Nhất là khi Chính phủ và thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách để khuyến khích phát triển xe điện

"Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng, có rất nhiều chính sách, đặc biệt là có những cam kết của Việt Nam với quốc tế trong công cuộc giảm phát thải khí nhà kính bảo vệ môi trường. Hà Nội  cũng có những chính sách thể hiện ý chí rất mạnh mẽ của lãnh đạo thành phố. Đó là Nghị quyết 04 của của Hội đồng nhân dân thành phố hay là kế hoạch 201 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong đó có đề cập nội dung  sử dụng xe 2 bánh công cộng để kết nối người dân với phương tiện công cộng khối lượng lớn", PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm cho biết.

Mỗi năm ùn tắc giao thông gây thiệt hại gần 13.000 tỷ đồng, hạ tầng giao thông đang gánh 6,5 triệu phương tiện và hàng triệu phương tiện vãng lai. Hàng năm quỹ đất dành cho giao thông tăng 1% trong khi tốc độ tăng phương tiện 11% gây ra những áp lực lớn cho giao thông, vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn nước là vấn đề đáng lo ngại.

Ông Phan Anh, Phó Trưởng phòng vận tải, Sở Giao thông vận tải Hà Nội

Phát biểu tại Hội nghị tham vấn Chính sách phát triển xe đạp, xe máy điện chia sẻ cho thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, ông Phan Anh, Phó Trưởng phòng vận tải, Sở Giao thông vận tải Hà Nội nêu ý kiến: "Để giải quyết những vấn đề nổi cộm trong giao thông, thành phố cũng có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ. Trong đó, có giải pháp quan tâm xây dựng hệ thống vận tải hành khách đa phương thức , trước mắt là hệ thống xe buýt và đường sắt tiên tiến hiệu quả  và những biện pháp để giải quyết kết nối vận tải của các phương thức. Việc xem xét các phương tiện xe đạp công cộng, các loại hình vận tải nhỏ để kết nối giữa các phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn để nâng cao hiệu quả của hệ thống vận tải hành khách công cộng, chất lượng đời sống của người dân thủ đô".

Nhóm nghiên cứu đề xuất, thành phố Hà Nội cần sớm có chính sách và kế hoạch, lộ trình cụ thể, sớm đưa xe máy, xe đạp điện chia sẻ vào bức tranh giao thông đô thị của thành phố. Đồng thời, cần sớm xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển và đề xuất các cơ chế, chính sách tài chính nhằm thu hút và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào dịch vụ xe đạp, xe máy chia sẻ. Tuy nhiên, cơ quan quản lý của thành phố vẫn giữ vai trò giám sát việc lập kế hoạch, tổ chức đầu thầu, giám sát hoạt động triển khai và vận hành  hệ thống xe đạp, xe máy điện chia sẻ.

Tính đến hết tháng 11/2022, thành phố Hà Nội có gần 183 nghìn xe máy điện. Hà Nội đang nỗ lực thực hiện những giải pháp nhằm xanh hóa phương tiện để thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh theo Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải đã được Thủ tướng phê duyệt.

Chương trình thí điểm xe máy điện chia sẻ nếu được nhân rộng sẽ góp phần thay đổi thói quen của người dân khi tham gia giao thông, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, từng bước thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần làm  giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng không khí, môi trường cho thủ đô.