Thi cử và điểm số - Áp lực vô hình

Có thể nói, sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhiều học sinh bị xáo trộn tâm lý, rối loạn cảm xúc, hành vi. Trong khi đó, áp lực từ điểm số, thành tích cũng là nguyên nhân chính gây tình trạng ‘stress học đường’, trầm cảm cho học sinh hiện nay.

 Áp lực thi cử điểm số khiến nhiều học sinh căng thẳng, mệt mỏi - Ảnh nh họa

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là tới kỳ thi chuyển cấp từ lớp 9 lên 10, thời gian này, chị gái tôi tạm gác công việc, đôn đáo tìm thuê gia sư, với hy vọng củng cố cho con những phần kiến thức chưa vững.

Sức học của con chỉ ở mức trung bình nên chị tôi không giấu nổi lo lắng, trong khi những ngày vùi đầu vào bài vở ở cả lớp học chính lẫn các lớp học thêm khiến cậu con trai sọp đi trông thấy.

Thực tế, ‘Con lo một, bố mẹ lo mười’ là câu chuyện vẫn thấy trước mỗi mùa thi. Những năm trở lại đây, dù đã có chủ trương giảm bớt áp lực thi cử nhưng nhiều phụ huynh vẫn quá đặt nặng vấn đề điểm số, xếp hạng mà thúc ép con cái, vô hình trung tạo thành áp lực đè nặng lên chính mình và cả trẻ nhỏ.

Trong khi đó, mỗi học sinh có thế mạnh khác nhau, có em học toán không giỏi nhưng lại có năng khiếu viết văn, hay giỏi những môn học xã hội. Tuy nhiên, không ít bậc cha mẹ lại chỉ nhìn qua điểm số ‘giỏi đều các môn’ để đánh giá thành tích mà không chịu chấp nhận năng lực và sự cố gắng của con.

Trước mỗi mùa thi, khối lượng bài tập ôn luyện của học sinh các cấp đều gia tăng, nhưng đa phần vẫn thiên về lý thuyết trên sách vở.

Việc xếp hạng đánh giá năng lực học sinh trong nhà trường vẫn căn cứ qua các bài thi kiểm tra kiến thức mà chưa chú trọng đến các lớp phát triển kỹ năng sống hay trải nghiệm thực tế.

Thực chất, điểm số không phải yếu tố duy nhất quyết định và chứng nh về khả năng của mỗi người, trong một số trường hợp chỉ mang tính hỗ trợ tương đối. Việc quá coi trọng điểm số đôi lúc không mang lại kết quả tốt mà còn gây nên một áp lực vô hình đối với học sinh.

Chính vì vậy, cha mẹ không nên đặt nặng vấn đề điểm số, thành tích hay trách móc mỗi khi con bị điểm kém mà cần khuyến khích con tham gia các hoạt động trải nghiệm cộng đồng và dành cho con những giây phút nghỉ ngơi thư giãn phù hợp.

Hơn 2 năm qua, tác động của COVID-19 làm cả thế giới thay đổi, buộc chúng ta phải thích nghi với tình hình mới.

Bên cạnh tác động tiêu cực, hy vọng rằng sau đại dịch, ngành giáo dục sẽ có cơ hội làm mới mình, giảm áp lực cho hàng triệu học sinh và cả các bậc cha mẹ trước mỗi mùa thi.