Thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ

Phụ nữ vẫn đang tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong nền kinh tế Việt Nam, với khoảng 27% doanh nghiệp trong nước thuộc sở hữu của các nữ doanh nhân.

Và cho đến hiện nay, phụ nữ vẫn đang tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong nền kinh tế Việt Nam, với khoảng 27% doanh nghiệp trong nước thuộc sở hữu của các nữ doanh nhân. Do đó, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp này, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 80/2021/NĐ-CP, qua đó bổ sung thêm nhiều chính sách hỗ trợ về tư vấn, đào tạo,…đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.

Liệu những chính sách này sẽ giúp ích được gì cho sự phát triển của những doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Thanh Xuân - Chuyên gia tư vấn đến từ Công ty Đào tạo Tư vấn Phát triển SprinGO.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa

PV: Bà có đánh giá như thế nào về những chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, được đề cập tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP, được Chính phủ ban hành mới đây?

Bà Nguyễn Thanh Xuân: Theo tôi thấy, Nghị định 80/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành thực sự có ích trong việc thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp này. Về ý nghĩa kinh tế, nó sẽ làm giảm thiểu số doanh nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản, giảm số lao động bị thất nghiệp, và tạo đà cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có sức bật vượt qua giai đoạn khó khăn.

Còn ý nghĩa về mặt tinh thần thì đây cũng là mục tiêu bình đẳng giới trong chính sách của Chính phủ, nhằm tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển kinh doanh, khẳng định vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong xu thế phát triển.

PV: Vậy trước việc Chính phủ phải có những chính sách hỗ trợ riêng dành cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, phải chăng những doanh nghiệp này ở nước ta hiện nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển?

Bà Nguyễn Thanh Xuân: Mặc dù doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có các điểm mạnh về sự bền bỉ khi đối mặt với khó khăn, quan tâm hơn đến các chính sách cho người lao động, nhưng vẫn có một số khó khăn trong vận hành và phát triển như: tìm kiếm khách hàng, nguồn vốn, khả năng liên kết, hợp tác…

Đặc biệt phụ nữ làm lãnh đạo còn gặp nhiều áp lực do phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, thực hiện thiên chức của người mẹ, người vợ….

Tuy nhiên tôi nghĩ rằng nhưng CEO là nữ biết tận dụng những chính sách ưu đãi của nhà nước để tập trung phát triển, sẽ vượt qua được những khó khăn này.

PV: Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ có thể phát triển theo hướng bền vững, theo bà các bên liên quan cần phải làm gì?

Bà Nguyễn Thanh Xuân: Về phía Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ làm chủ, làm rõ các quy định và chính sách ưu đãi, đặt mục tiêu hiệu quả đầu ra và có đánh giá thực tế để doanh nghiệp nào có hiệu quả vượt trội sẽ được bổ sung các chính sách hỗ trợ phát triển bền vững tiếp theo.

Ngoài ra thì cần hỗ trợ đào tạo phát triển, ưu tiên tiếp cận cơ hội kinh doanh cho các chủ doanh nghiệp nữ. Về phía Doanh nghiệp thì các CEO nữ cần cân đối được công việc và cuộc sống để không bị áp lực này đè nặng.

Chủ động phát triển bản thân hơn nữa để đạt được năng lực tương thích với sự phát triển của thị trường đầy biến động.  Bởi muốn phát triển thì điều quan trọng vẫn là năng lực kinh doanh của doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn bà.