Thay đổi nhỏ, tác động lớn

Đề xuất giảm thời gian lái xe tại Dự thảo Luật đường bộ đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng các doanh nghiệp.

Việc ban hành một quy định mới không chỉ tác động đến lĩnh vực giao thông vận tải mà còn có tác động đến cả hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất trong nước và nền kinh tế do vậy cần hết sức thận trọng.

 

Dự thảo Luật Đường bộ đang hoàn thiện, Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy định tài xế không được lái xe quá 8 tiếng/ngày và không được lái xe liên tục 3 tiếng vào ban đêm. Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp vận tải, việc giảm thời gian lái xe như đề xuất, doanh nghiệp phải bố trí từ 2-3 lái xe/ chuyến xe thay vì cần 1-2 lái xe như trước đây.

Điều này “vừa thiếu vừa thừa” vì đối với một số doanh nghiệp vận tải, không có quá nhiều đơn hàng, tăng thêm nhân sự sẽ làm doanh nghiệp tăng thêm chí phí từ 15-20% trong khi doanh thu không tăng. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn chồng chất khó khăn, nhất là trong bối cảnh, chịu những ảnh hưởng của đại dịch covid.

Mặt khác, khi chi phí lao động tăng, cộng với sự gia tăng liên tục của chi phí xăng dầu, các doanh nghiệp vận tải buộc phải tăng chi phí logistic để đảm bảo hoạt động. Trong khi, chi phí logistic chiếm một tỷ lệ đáng kể, tùy từng ngành, từng lĩnh vực trong chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Điều này không chỉ  làm giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường nước ngoài, mà còn làm giảm lợi thế cạnh tranh về chi phí logistic, chi phí lao động của Việt Nam đối với các thị trường khác. Việc thu hút và gọi vốn đầu tư vào các dự án, hoạt động sản xuất trong nước từ đó bị ảnh hưởng theo.

Mỗi một quy định mới đưa ra cần phải hết sức thận trọng và tính toán kỹ lưỡng nhằm hạn chế những ảnh hưởng dây chuyền đến các lĩnh vực, ngành kinh tế khác.

6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%.  Điều đáng nói,  hầu hết các nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính; dệt may; nông lâm thủy sản…) đều suy giảm khá mạnh.

Sau đại dịch COVID, tổng cầu của thế giới sụt giảm và sự cạnh tranh giữa các thị trường, các mặt hàng lớn ngày càng gắt gao hơn. Do vậy, việc duy trì những lợi thế cạnh tranh sẵn có, trong đó, có chi phí logistic sẽ giúp các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới.

Đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về giảm giờ lái xe liên tục của tài xế nhằm hướng đến mục đích hạn chế các vụ tai nạn giao thông là điều hoàn toàn đúng với mục tiêu giảm 50% số người chết và tử vong do TNGT vào năm 2030 mà Chính phủ đã đề ra.

Tuy nhiên, mỗi một quy định mới đưa ra cần phải hết sức thận trọng và tính toán kỹ lưỡng nhằm hạn chế những ảnh hưởng dây chuyền đến các lĩnh vực, ngành kinh tế khác.

Do vậy, ngành giao thông thời gian tới cần tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của các doanh nghiệp vận tải, các lĩnh vực khác nhau về mức độ ảnh hưởng của quy định mới này. Từ đó, tiến hành tổng hợp, đánh giá và đưa ra quy định phù hợp.

Mỗi một lĩnh vực vận tải có những đặc thù riêng, việc quy định thời gian lái xe chung cho tất cả các lĩnh vực sẽ không phù hợp mà nên có những quy định riêng phù hợp với thực tiễn.

Tai nạn giao thông đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, do vậy, kiểm soát tai nạn giao thông đối với các lái xe, bên cạnh siết quy định về thời gian lái xe, ngành giao thông, các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp cũng cần có những giải pháp khác, giám sát quá trình thực hiện, thời gian làm việc của lái xe.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cẩn xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông như dừng đỗ, đón trả khách trên đường cao tốc, vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn…

Hoàn thiện khung pháp luật về đảm bảo an toàn đường bộ thể hiện sự nỗ lực của ngành giao thông vận tải. Tuy nhiên, để các quy định mới vừa đảm bảo an toàn giao thông vừa hạn chế tác động kinh tế đến các ngành, lĩnh vực khác, Ban soạn thảo cần xem xét, cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp.

Việc tham khảo các kinh nghiệm quốc tế cũng cần được tính đến để đảm bảo các quy định mới được đưa ra phù hợp với thực tiễn hoạt động, có tính khả thi cao, đảm bảo quyền lợi cho nhiều đối tượng chịu tác động.