Thay đổi cách đánh giá, xếp loại học sinh: Điểm khởi đầu cho lộ trình thay đổi tư duy

Thông tư 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hướng dẫn đánh giá học sinh, áp dụng từ lớp 6 năm nay sẽ bỏ chấm điểm với một số môn mà chỉ xếp loại đạt hay chưa đạt; cũng sẽ không xếp học lực theo cách cộng điểm tất cả các môn rồi chia đều mà giữ nguyên b

Đây được cho là quy định giúp giảm áp lực học tập, khuyến khích sự phát triển toàn diện của người học.

Tuy vậy, một số ý kiến cũng cho rằng, để hướng đến mục tiêu này, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và căn bản hơn chứ không chỉ dừng lại ở quy định.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Mặc dù thấy rằng Thông tư 22 có nhiều điểm mới, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, nhưng việc thực hiện những quy định mới sẽ gặp nhiều khó khăn do giáo viên đã quen với cách đánh giá cũ (Ảnh: Lao Động)

Một trong những điểm mới Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện vào năm học tới đây đối với học sinh lớp 6 là thay đổi cách đánh giá, xếp loại học sinh. Khi được thông tin ban đầu về quy định mới không còn xếp thứ hạng và các môn học được đánh giá ngang nhau, nhiều em học sinh THCS tại Hà Nội tỏ ra khá hứng thú:

 

"Con thấy là con sẽ có thêm động lực học tập, được học các môn sở trường và phát huy thế mạnh của bản thân".

"Bây giờ Giáo dục công dân sẽ bằng Toán, Văn, Anh thì sự cố gắng phải dàn đều, không tập trung vào 3 môn chính, cháu thấy mở rộng thêm cơ hội chọn các môn và khối thi".

Theo Thông tư mới, một học sinh được đánh giá học lực Tốt khi có 6 môn trên 8,0 không phân biệt môn học nào. Bà Trương Quý Hoa, Hiệu trưởng THCS Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội nhận xét, thay đổi cách đánh giá như vậy không chỉ giúp học sinh có thêm động lực để cố gắng mà còn quyết định cả quá trình dạy học của các thầy cô:

 

"Khi mà có Thông tư 22 thay đổi về cách đánh giá, phân loại học sinh sẽ thay đổi cả nhận thức của cha mẹ, học sinh và thầy cô giáo trong quá trình giảng dạy. Thông tư 22 sẽ khắc phục được việc các em học lệch, các em phải học các môn đồng đều, không có khái niệm môn chính, môn phụ, phía các thầy cô giáo dạy cũng như vậy".

Những thay đổi trong thông tư mới còn được cho là giúp giảm bệnh thành tích trong giáo dục bởi tiêu chí cao hơn khiến số lượng học sinh giỏi, học sinh xuất sắc sẽ giảm đi. Đồng thời bỏ danh hiệu "học sinh tiên tiến" khi mà danh hiệu này trong trường học thời gian qua là phổ biến và việc xếp loại có phần dễ dãi.

Theo bà Trần Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng trường THCS Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội, quy định mới giúp học sinh được giáo dục, đánh giá toàn diện hơn:

 

"Việc không tính trung bình các môn để xếp loại học lực là một cái hay, các môn đều phải học đều, và cơ hội dành được xuất sắc rất khó, tránh tình trạng giỏi rất nhiều. Cách đánh giá này đòi hỏi ở tất cả các môn đều phải có thái độ học tập nghiêm túc, tất cả giáo viên ở các bộ môn đều thấy được vai trò của mình trong việc giảng dạy bộ môn đó".

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn, khi thay đổi cách đánh giá ở nhà trường theo hướng toàn diện thì các kỳ thi tuyển sinh, như tuyển sinh vào lớp 10 có điều chỉnh không. Bởi nếu không thì phụ huynh vẫn sẽ định hướng các con học lệch.

Chị Nguyễn Thu Giang, phụ huynh học sinh lớp 6 trường THCS Marie Curie Hà Nội rất muốn biết sự thay đổi cụ thể ra sao để có định hướng cho con phù hợp:

 

"Nếu đánh giá như vậy thì hiện cũng chưa biết sẽ dựa trên những môn nào, chưa có thông báo chính thức. Phụ huynh mong muốn có thông báo, tiêu chí rõ ràng, cụ thể hơn. Rồi nếu chỉ đánh giá 6 môn mà các em chỉ học tự nhiên thì nhiều khi văn, sử, địa nhiều khi sẽ bỏ không học thì Bộ Giáo dục có hướng nào không".

Việc bỏ cách tính điểm trung bình tất cả các môn học, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) sẽ không còn "môn này gánh cho môn kia" như trước, học sinh sẽ được đánh giá công bằng ở tất cả các môn.

Với quy định mới về việc đánh giá bằng nhận xét của giáo viên, ông Thành cho biết, việc đánh giá cần được thực hiện trong quá trình dạy học chứ không phải dồn vào cuối kỳ:

 

"Thông tư quy định việc đánh giá bằng nhận xét là coi trọng đánh giá trực tiếp học sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập, dù trên lớp hay online đều có sản phẩm học tập. Căn cứ vào sản phẩm của học sinh để đánh giá, nhận xét ngay cho học sinh thấy được điểm nào tốt và chưa tốt để có thể tiếp nhận ngay và hoàn thiện. Như thế mới là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh".

Mặc dù thấy rằng Thông tư 22 có nhiều điểm mới, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, nhưng ông Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng trường THCS và THPT Lê Quý Đôn cho rằng, việc thực hiện những quy định mới sẽ gặp nhiều khó khăn do giáo viên đã quen với cách đánh giá cũ.

Vì thế, cần áp dụng Thông tư 22 với lộ trình phù hợp, có hướng dẫn cụ thể để cách đánh giá mới phải tương thích với chương trình giáo dục phổ thông mới.

 

"Chúng ta thấy nó không phải là cây đũa thần để có thể thay đổi được chất lượng giáo dục. Trước hết phải thay đổi nhận thức của thầy cô giáo bởi thói quen nhận xét, đánh giá trước kia đã hằn sâu nên nếu không thay đổi được thầy cô thì việc đánh giá vẫn mang tính nặng nề, không cởi mở, không vì sự tiến bộ của học sinh. Thứ 2 là thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý, không nên chạy theo bệnh thành tích nữa".

Một nền giáo dục tốt, trước tiên và trên hết, là một nền giáo dục có triết lý đúng đắn (Ảnh: Giáo dục Việt Nam)

Với nhiều điểm mới, tiến bộ, Thông tư 22 được kỳ vọng sẽ giúp giải tỏa bớt áp lực, hình thức trong giáo dục, tiến tới quan điểm giáo dục hiện đại, tập trung khơi dậy và phát huy khả năng của người học trên mọi lĩnh vực.

Mặc dù chưa thể ngay lập tức tạo sự thay đổi lớn, nhưng quy định này sẽ là cơ sở quan trọng để thay đổi quan niệm “môn chính, môn phụ” vốn đã ăn sâu bám rễ hàng chục năm qua, kìm hãm việc tìm kiếm một triết lý giáo dục đúng đắn.

Cùng đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: Điểm khởi đầu cho lộ trình thay đổi tư duy 

 

Cận kề năm học mới, khi giáo viên chủ nhiệm tổ chức họp phụ huynh để phổ biến kế hoạch học tập, đã có không ít phụ huynh kiến nghị: nhà trường chỉ nên dạy online các môn “chính” như Toán, Văn - Tiếng Việt, Ngoại ngữ, còn môn “phụ” thì để sau, khi nào các con trở lại trường.

Những phụ huynh này có lý do băn khoăn về tính hiệu quả khi học online đối với các môn đòi hỏi nhiều về tính trực quan và tương tác. Nhưng điều đáng buồn, đó không phải lý do chính, mà chỉ vì họ cho rằng, các môn đó, không học cũng… chẳng sao!

Trong khoảng 30 năm kể từ cải cách giáo dục 1992 đến nay, tư duy “môn chính môn phụ” đang hiện diện như một quan niệm phổ biến trong các hoạt động giáo dục.

Nó thể hiện từ bố cục, kết cấu, thời lượng các môn học, từ mức độ ưu tiên của nhà trường, giáo viên và cả đòi hỏi của phụ huynh học sinh, như một sự hiển nhiên, mặc dù không công khai trên văn tự. Nó xuất hiện ở mọi cấp học bậc học. Từ lớp 1, đã có hiện tượng giáo viên xin tiết học của môn thể dục, mỹ thuật để dạy Toán, Tiếng Việt.

Càng lên các lớp cuối cấp, sự phân biệt đối xử môn chính, môn phụ càng nặng nề hơn. Từ quan niệm và sự định hướng của người lớn, nó dần dần hình thành nếp nghĩ, cách ứng xử của con trẻ lúc nào không hay.

Trong cuộc chạy đua mải ết để thi thố, cạnh tranh nhau ở những môn “chính”, môn “phụ” thường bị bỏ rơi. Các giáo viên dạy những môn được coi là “phụ” cũng ngậm ngùi khi lép vế so với giáo viên môn “chính”. Học sinh có năng lực ở những môn “phụ” thường mờ nhạt hơn so với bạn bè xuất sắc ở môn “chính”.

Sự mất cân bằng cung cầu nghiêm trọng trên thị trường lao động, tình trạng thiếu hụt nhân lực có trình độ chuyên môn cao ở các ngành nghề đang là xu hướng của thế giới như công nghệ sinh học, khoa học xã hội… dường như vẫn chưa đủ thức tỉnh sự nhầm lẫn này.

Đổi mới giáo dục, tất nhiên không thể chỉ bằng một quy định về cách đánh giá học sinh. Và cũng không thể xóa một quan niệm đã ăn sâu bám rễ suốt hàng chục năm, chỉ sau thời gian ngắn thay đổi cách đánh giá, xếp loại.  Nhưng Thông tư 22 sẽ là căn cứ quan trọng để xác định lại quan điểm tiếp cận giáo dục, từ cả người dạy và người học.

Các nhà trường và giáo viên sẽ tự tin triển khai phương pháp giáo dục theo tinh thần mới, mà không bị áp lực từ phía phụ huynh.

Học sinh cũng sẽ có hứng thú để tự khám phá tiềm năng của bản thân qua tất cả các lĩnh vực tri thức, xác định rõ đâu là lĩnh vực mình đam mê, đâu là phần mình có trách nhiệm phải đảm bảo yêu cầu cơ bản. Sẽ không còn những câu hỏi mông lung sau 12 năm, thậm chí 16, 17 năm đèn sách, là “học để làm gì?”

Đó cũng sẽ là tiền đề cho sự thay đổi cách tuyển sinh các cấp, dịch chuyển trong việc định hướng và đào tạo nghề, tiệm cận theo xu hướng thế giới.

Một nền giáo dục tốt, trước tiên và trên hết, là một nền giáo dục có triết lý đúng đắn. Và quy định về thay đổi cách đánh giá học sinh lần này, dường như đang mở ra triển vọng về sự tiếp cận đúng hướng, để tiến tới nh định một triết lý giáo dục mà cả xã hội đã mong đợi từ lâu.

---

Nghe thêm Sự việc & Góc nhìn trên Appler Podcast: