Tháo gỡ các nút thắt cho cơ sở bảo dưỡng được đăng kiểm

Đề xuất cho phép các cơ sở bảo dưỡng ô tô chính hãng được thực hiện công tác đăng kiểm là một trong những giải pháp mà Cục Đăng kiểm Việt Nam đưa ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi và quản lý tốt hơn lĩnh vực đăng kiểm xe ô tô.

Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, cần sớm trao quyền và trách nhiệm đăng kiểm cho các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng chính hãng. Đồng thời, cần “Tháo gỡ các nút thắt cho cơ sở bảo dưỡng được đăng kiểm” để đề xuất này trở nên khả thi.

Cục Đăng kiểm đang nghiên cứu cơ chế để các cơ sở bảo dưỡng cấp cao của hãng ôtô được tham gia hoạt động đăng kiểm xe cơ giới. Ảnh: Zing

Đề xuất cơ sở bảo dưỡng ô tô chính hãng được làm đăng kiểm cũng giống như việc cho phép mở các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tư nhân. Hơn thế, chủ trương này tận dụng được cơ sở vật chất, mặt bằng và đội ngũ kỹ thuật viên có tay nghề cao của các cơ sở. Mặt khác, giúp người dân có thêm sự lựa chọn, tiết kiệm được thời gian khi đi bảo dưỡng, đăng kiểm xe.

Từ chỗ thấy được lợi ích này, để xúc tiến cơ chế mới cho phép trung tâm bảo dưỡng ôtô chính hãng được thực hiện đăng kiểm cần lộ trình cụ thể với những giải pháp tháo gỡ những vướng mắc hiện nay trong công tác đăng kiểm, tránh lặp lại các vấn đề bất cập đã xảy ra với các trung tâm đăng kiểm tư nhân.

Đầu tiên, là việc sửa đổi các nghị định, thông tư liên quan lĩnh vực đăng kiểm. Theo quy định hiện hành tại khoản 2, điều 4, Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới. Do đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cần rà soát lại các quy định mang tính pháp lý, từ đó sẽ đề xuất một số nội dung sửa đổi phù hợp.

Thứ hai, là cơ quan chức năng sẽ cần có khảo sát, đánh giá xem khả năng của cơ sở bảo dưỡng 3S, 4S chính hãng có mong muốn thực hiện công tác đăng kiểm thì khả năng của họ đến đâu? Bên trong dây chuyền của các cơ sở đó có đầy đủ thiết bị tương tự như thiết bị tại trạm đăng kiểm hay không? Với các điều kiện nào thì họ sẽ đủ điều kiện cấp quyền kiểm định phương tiện.

Thực tế hiện, cơ sở bảo dưỡng 3S, 4S chưa có quy định thống nhất từ cơ quan quản lý, thậm chí có những cơ sở sữa chữa tư nhân cũng tự thêm ký tự 3S, 4S vào tên thương hiệu, do đó cần sớm có quy định rõ ràng về vấn đề này trước khi cho phép họ trở thành nơi đăng kiểm phương tiện.

Vấn đề nữa là cần phải tách bạch riêng 2 nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa với kiểm định xe cơ giới. Điều này đòi hỏi Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm cần có những quy định rõ ràng về tiêu chuẩn, tiêu chí, kỹ thuật giám định ô tô để các kỹ sư, thợ tại các cơ sở bảo dưỡng phải nắm được và thực hiện đúng quy định.

Đặc biệt, nếu như các kỹ thuật viên, nhân viên của cơ sở bảo dưỡng được cấp chứng chỉ đăng kiểm viên sẽ khó đảm bảo yếu tố liêm chính nếu đăng kiểm viên nhận lương và chịu sự quản lý của hãng xe. Việc này có thể dẫn tới tình trạng đăng kiểm viên bị hãng xe tác động để ra những quyết định có lợi cho việc kinh doanh. Do đó, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ, có quy định rõ ràng về hình thức xử lý, kỷ luật nếu để xảy ra tình trạng tiêu cực, “vừa đá bóng vừa thổi còi”, lợi dụng để làm những việc không đúng nhiệm vụ kiểm định xe cơ giới một cách khách quan.

Hiện, một số nước đã cho phép cơ sở bảo dưỡng được kiểm định xe. Một số hãng xe lớn cũng có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng, được cấp giấy chứng nhận dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng đạt chuẩn. Thậm chí ở Nhật, chủ phương tiện có thể yêu cầu gara hoặc đại lý xe hơi tiến hành kiểm định ôtô thay cho họ.

Kinh nghiệm từ các nước đã triển khai mô hình này sẽ giúp nước ta nghiên cứu và áp dụng một cách phù hợp nhất; và đề xuất để các cơ sở bảo dưỡng được phát triển không gian của mình cho 3 nhiệm vụ là sửa chữa, bảo dưỡng và kiểm định phương tiện có thể trở thành hiện thực.