Taxi công nghệ phải dán logo nhận diện

VOVGT - Quy định này nhằm định hình, nhận dạng và nâng cao hiệu quả quản lý với loại hình vận tải mới này và bước đầu tạo sự bình đẳng với taxi truyền thống.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Trong văn bản trả lời các kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội về một số vấn đề của xe thí điểm hợp đồng điện tử mới đây, Bộ GTVT cho rằng, việc sử dụng dữ liệu điện tử thay cho hợp đồng bằng giấy là ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Đến thời điểm này, ngoài Uber, Grab, còn có 5 doanh nghiệp vận tải hành khách trong nước cũng được cấp phép tham gia đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ vào vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử.

Theo đúng quy định, các xe này phải niêm yết tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh ở hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe. Để thực hiện điều này, Bộ GTVT đã yêu cầu các Sở GTVT đôn đốc đơn vị thực hiện nghiêm quy định này, ban hành mẫu logo chung để dán trên phương tiện thí điểm.

Đề cập quy định này, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi Bộ GTVT ban hành Quyết định 24 cho phép thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong vận tải hành khách và xe dưới 9 chỗ, đến thời điểm này, số xe hợp đồng dưới 9 chỗ trên địa bàn Thành phố đã tăng lên trên 15.000 xe.

Qua thực tế quản lý, theo dõi, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, loại hình này đã thể hiện một số bất cập như: số phương tiện vận tải hành khách theo dạng hợp đồng tăng lên quá nhanh, dẫn đến nguy cơ tăng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố. Từ thực tế này, ông Long cho rằng, việc yêu cầu dán biểu trưng, logo của từng doanh nghiệp vận tải là cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý đối với loại hình này.

Ông Long nói:

 

"Để quản lý được hoạt động này, chúng tôi có nhiều kiến nghị, trong đó có kiến nghị Bộ GTVT cho phép Hà Nội quản lý biểu trưng, logo đối với loại hình vận tải dưới 9 chỗ để chúng tôi căn cứ vào đó chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với CSGT rà soát những tuyến đường, chúng tôi sẽ có những biển phụ để hạn chế những tuyến đường cần hạn chế giống như xe taxi".

Việc yêu cầu Uber, Grab dán logo nhận diện chỉ là bước đầu trong việc tạo lập sự bình đẳng với taxi truyền thống

Tuy vậy, ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch HĐQT taxi Thành Công cho rằng, việc yêu cầu Uber, Grab dán logo nhận diện phương tiện tham gia đề án thí điểm chỉ là bước đầu trong việc tạo lập sự bình đẳng với taxi truyền thống. Theo ông Quân, quan trọng nhất là việc xác định rõ bản chất của loại hình vận tải này để đề xuất quản lý một cách toàn diện, hiệu quả:

 

"Ở đây phải xác định tên loại hình này đã, còn Bộ GTVT đưa ra những giải pháp đó cũng chỉ là chữa cháy thôi chứ chưa phải là căn cơ của nó vì đó là một trong những điều kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải để 2 loại hình liên quan làm sao tiệm cận gần nhau. Vì taxi có 13 điều kiện, trong khi đó hợp đồng điện tử này chưa hẳn là taxi nhưng chỉ có 2-3 quy định thôi".

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cũng cho rằng, bản chất của loại hình vận tải như Uber, Grab là taxi đặt xe qua mạng. Theo ông Bình, việc quản lý bằng phù hiệu, logo mới đạt được mục đích là quản lý phương tiện và người lái, song mục tiêu quản lý chặt chẽ số lượng phương tiện, phương tiện đó hoạt động như thế nào, tài xế có tuân thủ quy định không làm việc quá 4 tiếng, thuế phát sinh… cơ quan quản lý đều chưa nắm được.

Ông Bình nói:

 

"Cái quan trọng nhất trong cái này là liên quan đến phần mềm. Để quản lý chặt chẽ phần mềm, trước hết phải quy định phần mềm đó có đuôi “.vn”, thứ hai, sever đó phải đặt tại Việt Nam. Vì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chúng ta phải đưa ra những quy định, gói thông tin đó phải được kiểm soát, các cơ quan quản lý nhà nước phải quản lý gói thông tin đó…".

Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội taxi Hà Nội, khi quản lý được công nghệ, cơ quan quản lý có thể nắm bắt được hoạt động của từng doanh nghiệp, qua đó tránh tình trạng thất thu thuế.