Tăng lương tối thiểu vùng: Đừng để trở thành gánh nặng chi phí

Ngày 12/4 vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2, thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7/2022 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng trong thời điểm này là thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của cơ quan chức năng với người lao động sau 2 năm chịu tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, cần có những giải pháp nào để tăng lương không gây ra “gánh nặng” chi phí với doanh nghiệp và người lao động.

Liên quan đến vấn đề này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong.

Ảnh nh họa

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7 tới đây?

Ông Nguyễn Minh Phong: Quyết định tăng lương tối thiểu vùng lên 6% là một trong những quyết định không dễ dàng và cũng được các bên liên quan cân nhắc, đánh giá dựa trên thực tế, cũng như các mục tiêu đặt ra trong kế hoạch tiền lương.

Với mức tăng 6%, tôi cho rằng là hợp lý, bởi nó cũng có sự tương xứng với mức tăng lương tối thiểu dành cho người về hưu. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch Covid-19, mức tăng này đảm bảo cân bằng giữa các xu hướng lạm phát, xu hướng đảm bảo an sinh xã hội.

Tất nhiên, khi tăng mức lương thì nó sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp do phải tăng mức tương xứng tiền trả lương cho người lao động, đồng thời, hỗ trợ người lao động có thêm khoản thu nhập tương xứng với 6% để cải thiện tình hình.

Đây là 1 khoản hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, thay vì thông qua các gói hỗ trợ, các chính sách khác. Việc tăng lương tối thiểu vùng 6% là quyết định đúng đắn, kịp thời và cần thiết.

PV: Để lần tăng lương tới đây có tác động tích cực thực sự đến người lao động, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế, theo ông, chúng ta cần lưu ý những vấn đề gì?

Ông Nguyễn Minh Phong: Đây là đợt tăng lương không đồng thời ở tất cả các lĩnh vực, do đó, tác động cộng hưởng của nó tới tăng giá lương, tiền như trước đây chúng ta từng trải nghiệm không diễn ra hoàn toàn.

Hơn nữa, mức tăng diễn ra trong bối cảnh sức mua của người dân không cao lắm, thị trường đang khó khăn về tiêu thụ. Do đó, không đặt nhiều những áp lực về tăng giá lương, tiền. Mặc dù, trên thực tế, một số mặt hàng thiết yếu đang có xu hướng tăng.

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc tăng lương này thì các cơ quan chức năng cần phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền, đồng thời, kiểm tra thị trường để tránh trường hợp tăng lương theo kiểu “té nước theo mưa”, cũng như tình trạng lạm dụng tăng lương để tăng các mặt khác, nhất là ngành vận tải.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo dự trữ, đảm bảo các mặt hàng bình ổn, mặt hàng thiết yếu cũng rất cần thiết để hỗ trợ người lao động không bị trực tiếp ảnh hưởng bởi những tăng giá gắn với lạm phát. 

PV: Xin cảm ơn ông!