Tai nạn rình rập từ những bến đò không phép

VOVGT- Những phương tiện thủy vào, rời bến không có giấy phép hoạt động thường không được kiểm tra thường xuyên nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Công tác xây dựng phê duyệt quy hoạch bến thủy của nhiều địa phương triển khai chậm (Ảnh: An toàn giao thông)

Theo thống kê của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 8.000 bến thủy nội địa. Trong số này có khoảng 2.200 bến chưa được cấp giấy phép hoạt động, hoặc giấy phép đã hết hạn, trong đó trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia có 1.215 bến, trên tuyến đường thủy nội địa địa phương 985 bến.

Ông Trần Sỹ Duy, Trưởng phòng Pháp chế, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bến hoạt động chưa được cấp giấy phép là do công tác xây dựng phê duyệt quy hoạch bến thủy của nhiều địa phương triển khai chậm; công tác quản lý đất đai có sự thay đổi, nhất là điều kiện về đất đai. Cụ thể, sau khi thực hiện Luật đất đai năm 2013, việc cấp phép bến thủy nội địa được giao về cấp tỉnh, thành phố, thay cho cấp xã, huyện như trước đây nên khi làm lại thủ tục thuê đất cũng gặp nhiều khó khăn.

>>>Taxi ở Việt Nam bị bỏ rơi trên hành trình chính sách (Kỳ 3): Điều gì khiến taxi chưa được coi là phương tiện GTCC thực sự?

Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của không ít chủ bến còn rất hạn chế, không thực hiện thủ tục để đề nghị cấp giấy phép; công tác kiểm tra, thanh tra của các lực lượng chuyên ngành đối với bến thủy nội địa không phép chưa được thực hiện thường xuyên, xử phạt vi phạt chưa triệt để.

Về điều này, ông Duy cho biết: “Ở một số địa phương, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến tình trạng bến không phép, từ đó sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý chuyên ngành chưa được chặt chẽ

 

Thừa nhận thực tế này, ông Phạm Ngọc Tiến, Đội phó đội thanh tra giao thông đường thủy Hà Nội cho biết, trong số hơn 100 bến đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội, số bến được cấp phép đầy đủ chỉ chiếm khoảng 10%. Theo ông Tiến, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do vướng mắc về thủ tục cấp phép sử dụng đất đai sử dụng làm bến thủy nội địa.

Ông Tiến nói: “Anh phải có đất thì mới được cấp phép. Ngày xưa thì đất của chính quyền địa phương người ta cho thuê, đấu thầu, rồi của xã, của dân, nhưng bây giờ phải là đất của Thành phố cấp hoặc của huyện cho thuê trong vòng 30 năm cho nên tỷ lệ cấp mới hiện nay rất ít.

 

Các ý kiến đều thừa nhận, nhiều trường hợp phương tiện thủy vào, rời bến không có giấy phép hoạt động thường không được kiểm tra thường xuyên về điều kiện an toàn, bằng, chứng chỉ khả năng chuyên môn của thuyền viên và người lái; tải trọng phương tiện; thiết bị xếp, dỡ hàng hóa… nên những vi phạm đối với phương tiện không được xử lý triệt để.

Trong số hơn 100 bến đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội, số bến được cấp phép đầy đủ chỉ chiếm khoảng 10% (Ảnh: Thanh niên)

Từ thực tế này, không ít trường hợp phương tiện vận tải hàng hóa từ bến không phép chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước, thuyền viên, người lái phương tiện khoogn đủ bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn chiếm tỷ lệ cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng cho biết, để hạn chế TNGT đường thủy, biện pháp không thể thiếu là kiểm soát, giảm dần tiến tới xóa bỏ bến thủy nội địa không phép. Để thực hiện điều này, thời gian qua, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã chỉ đạo các Chi cục Đường thủy nội địa, Cảng vụ Đường thủy nội địa trực thuộc thường xuyên phối hợp với các Sở GTVT đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ bến thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động theo quy định đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý đối với chủ bến cố tình vi phạm.

Ông Giang nói: “Chúng tôi xác định rằng có quản lý được các cảng bến không phép cũng như các cảng bến có phép thì mới kiểm soát được điều kiện an toàn đối với phương tiện thủy, điều kiện xếp hàng hóa, về chống quá mớn quá tải, tải trọng cho phép, các thiết bị an toàn của phương tiện phải được trang bị đầy đủ… sẽ hạn chế được TNGT đường thủy.

 

Để thực hiện mục tiêu đề ra, theo ông Giang, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã báo cáo và đề nghị Bộ GTVT có văn bản gửi các địa phương tăng cường xử lý bến không phép.

Đồng thời, đơn vị này cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định quản lý hoạt động trên đường thủy nội địa trình Chính phủ ban hành trong năm 2018. Đây được coi là giải pháp cơ bản để giảm thiểu tình trạng bến không phép.

>>>Tăng cường xử lý vi phạm dừng đỗ gây ùn tắc giao thông dịp cuối năm