Sửa đổi Nghị định 100: Không nên tăng nặng mức phạt theo kiểu cào bằng

Sau gần 2 năm thực hiện, một số quy định trong Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đã không còn phù hợp.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông, trong đó trọng tâm là sửa đổi Nghị định 100 (sau đây gọi tắt là dự thảo sửa đổi Nghị định 100) do Bộ GTVT soạn thảo có 5 Điều, gồm: Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 142 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 162 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng...

Nghị định 100 được sửa đổi theo hướng tăng nặng mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm TTATGT. Cụ thể, hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ nhưng không cài quai đúng quy cách khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy bị tăng mức phạt từ 200-300 nghìn đồng lên mức từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Với hành vi đi xe máy không có biển số, biển không rõ chữ số; che biển, dán thêm làm thay đổi chữ hoặc màu sắc của chữ số sẽ bị xử phạt phạt từ 1-2 triệu đồng, tăng tới 10 lần so với mức phạt hiện hành.

Ảnh nh hoạ (Quang Hùng-VOVGT)

Dự thảo Nghị định cũng đề xuất tăng mức xử phạt từ 7 - 8 triệu đồng như hiện hành lên 10 - 15 triệu đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện. Đối với trường hợp đua ô tô, mức xử phạt cũng tăng từ 8 - 10 triệu đồng lên 20 - 25 đồng.

Đối với hành vi chở quá tải, thay vì 5 mức xử phạt như hiện hành, dự thảo nghị định mới chỉ còn 3 mức xử phạt hành vi chở quá tải, trong đó, vi phạm mức 1, tăng mức xử phạt từ 2-3 triệu đồng lên 4-6 triệu đồng. Đối với mức 2, dự thảo nghị định tăng từ 3-5 triệu đồng lên 13-15 triệu đồng. Đối với mức 3, dự thảo phạt tiền từ 40-50 triệu đồng (hiện nay là từ 7-12 triệu đồng).

Đáng chú ý, dự thảo nghị định cũng bổ sung hình thức phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng đối với hành vi trốn tránh, không trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ khi lưu thông qua các trạm thu phí.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 100 đã được Bộ GTVT gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội liên quan và gửi ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Hiện dự thảo nghị định đã được trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Ảnh nh hoạ (Quang Hùng-VOVGT)

Cơ quan soạn thảo lý giải như thế nào về những quy định mới đặt ra tại dự thảo Nghị định? Mục tiêu hướng tới là gì và Ban soạn thảo kỳ vọng ra sao ở dự thảo nghị định sửa đổi lần này? Phóng viên VOVGT có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Thế Tùng, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT - đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định:

PV: Xin ông cho biết những điểm đáng chú ý của Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 100 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt?

Ông Hoàng Thế Tùng: Trong Nghị định 100 có một số điểm mới như sửa lại mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Ban soạn thảo cũng đã nghiên cứu để điều chỉnh, những hành vi nguy hiểm sẽ phải tăng lên, đặc biệt như hành vi che biển số, hành vi đua xe, chở quá tải trọng cầu đường…

Trước đây, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đường bộ là 40 triệu đối với cá nhân, thì hiện nay mức phạt tối đa đối với cá nhân là 75 triệu.

Với mức phạt tăng lên này, nghị định cũng sửa lại thẩm quyền các chức doanh và theo đó các chức danh có thẩm quyền xử phạt bằng tiền thì cũng được tăng lên, giúp đỡ phải chuyển vụ việc vi phạm lên người có thẩm quyền xử phạt cao hơn.

Ví dụ như trước đây Trưởng Phòng Cảnh sát, công an giao thông các tỉnh thì thầm quyền xử phạt là 8 triệu, nhưng nay thẩm quyền xử phạt lên đến 14 triệu, gần như tăng gấp đôi sẽ thuận lợi cho các địa phương khi xử phạt.  

Trước đây chức danh có thẩm quyền tịch thu phương tiện, nhưng không vượt quá giá trị tiền xử phạt, cũng đã sửa lại thành người có thẩm quyền tịch thu phương tiện sẽ gần như gấp đôi mức tiền xử phạt. Có một số chức danh có thẩm quyền tịch thu luôn mà không cần tính đến giá trị tiền của phương tiện nữa.

PV: Dự thảo nghị định cũng nâng đáng kể mức xử phạt đối với những hành vi đang diễn ra phổ biển như che biển số, đua xe và tụ tập cổ vũ đua xe trái phép… Theo ông, mức phạt này đã tương xứng với với tính chất của các vi phạm chưa?

Ông Hoàng Thế Tùng:Để quy định mức phạt thì cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu rất kỹ và cũng cân nhắc để làm sao vừa đảm bảo tính răn đe nhưng nó phải khả thi.

Tôi cho rằng với mức phạt này, khi đi vào triển khai nó sẽ góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm.

PV: Theo ông, những quy định mới nếu được thông qua sẽ có tác động xã hội như thế nào?

Ông Hoàng Thế Tùng: Quy định mới nếu được thông qua sẽ có tác động rất tích cực, sẽ góp phần bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT, đó là khi đã có các chế định, có các chế tài tương ứng đi kèm phục vụ các chế định đó được thực thi.

Đối với người dân và doanh nghiệp thì sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người dân và doanh nghiệp. Bởi vì khi đó, người ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm. Mức phạt tương xứng thì các hành vi vi phạm cũng giảm thiểu, cũng sẽ bảo đảm cho việc cạnh tranh trong kinh doanh sẽ lành mạnh hơn.

Về thủ tục hành chính thì thẩm quyền xử phạt của các chức danh cũng tăng lên thì nó sẽ giảm được các phát sinh những thủ tục hành chính khi phải chuyển các vụ việc vi phạm lên cấp cao hơn.

PV: Xin cảm ơn ông.

Nghị định 100 đã không còn phù hợp với tình hình thực tế cần phải có những nội dung sửa đổi, bổ sung cho phù hợp

Những quy định mới trong dự thảo sửa đổi Nghị định 100 đã phù hợp hay cần điều chỉnh theo hướng nào? Phóng viên VOVGT phỏng vấn ông Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này:

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tính cấp thiết của dự thảo Nghị định này?

Ông Đinh Xuân Thảo: Về cơ sở pháp lý, Quốc hội đã có Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính và Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định, trong đó giao Bộ GTVT chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật.

Đối với cơ sở thực tiễn thì việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã ban hành hơn 1 năm, có nhiều vấn đề còn bất cập, những hành vi vi phạm liên tục, kéo dài.

Có thể có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là mức xử lý chưa đủ tính răn đe, cho nên việc xây dựng dự thảo nghị định là rất cần thiết.

PV: Với những quy định đặt ra tại dự thảo, theo ông, đã đáp ứng được tính cấp thiết đó chưa?

Ông Đinh Xuân Thảo: Xuất phát từ cơ sở pháp lý cũng như căn cứ thực tiễn thi hành, dự thảo Nghị định có những nội dung bổ sung cho phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được sửa đổi.

Thứ hai nữa là tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm phổ biến, cho nên dự thảo như thế đáp ứng được yêu cầu về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung nghị định.

PV: Có ý kiến cho rằng chúng ta có thể nâng mức xử phạt đối với những hành vi mang tính cố ý hoặc mang tính nguy hiểm...?

Ông Đinh Xuân Thảo: Tôi cũng có suy nghĩ như thế. Đối với các hành vi vi phạm có tính phổ biến, nhưng cũng rất nguy hiểm, rất nghiêm trọng, như hành vi che biển số xe chẳng hạn, đưa mức phạt từ 4-6 triệu đồng; đua xe trái phép thì đối với xe máy đưa mức phạt từ 10-15 triệu, còn đua xe ô tô từ 20-25 triệu... là rất cần thiết bởi đây là những hành vi nguy hiểm và cần được ngăn chặn kịp thời.

Còn những trường hợp vi phạm như quên giấy phép lái xe, đăng ký xe, đăng kiểm thì việc nâng mức xử phạt cũng cao. Mục đích của việc thi hành pháp luật để giáo dục, nhắc nhở người ta thực hiện chứ không phải trừng phạt và tận thu.

Thứ 2 là mức ở đây cũng rất cao, đối với cá nhân đến 70, 75 triệu, tổ chức đến 150 triệu, có thể vượt quá sự răn đe, mà trở thành một sự triệt, không cho người ta làm ăn nữa, một vi phạm lần đầu như thế là phá sản luôn.

Tôi cũng băn khoăn, gần như tất cả các lĩnh vực, các hành vi đều tăng cao cả, thì đây cũng là một vấn đề cần phải tính.

PV: Theo ông, nếu dự thảo nghị định được ban hành thì nó sẽ có tác động xã hội như thế nào?

Ông Đinh Xuân Thảo: Dứt khoát sẽ có tác động rất lớn, vì nó liên quan đến các chi phí. Trong này cũng quy định trách nhiệm của cá nhân và của tổ chức. Bởi vì có trường hợp là cá nhân điều khiển phương tiện, đồng thời đấy cũng là chủ phương tiện. Chỗ này cũng phải xác định để nó không cùng, vì nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính là một hành vi chỉ xử lý một lần.

Cái này sẽ áp dụng chủ thể đấy là cá nhân hay chủ thể đấy là tổ chức. Đây cũng là vấn đề cần phải làm rõ.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông.

Ảnh nh hoạ

Sau gần 2 năm thực hiện, nhiều quy định trong Nghị định 100 về xử phạt vi phạm giao thông đã không còn phù hợp với điều kiện hiện nay. Đặc biệt, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi sẽ có hiệu lực vào năm 2022, vì vậy việc sửa đổi, bổ sung và ban hành Nghị định mới là rất cấp thiết.

Dự thảo Nghị định sửa đổi 100 đang hướng đến tạo cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề này. Bạn kỳ vọng gì vào dự thảo nghị định này. Nếu được ban hành, dự thảo nghị định mới về xử lý vi phạm giao thông sẽ ngăn ngừa, giảm thiểu vi phạm giao thông như thế nào; góp phần giảm thiểu TNGT ra sao?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 15h30 đến 15h50, thứ Hai và thứ Tư hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng Podcast dành cho di động: Spotify, Aple Podcast và Google Podcast.