Sự trấn áp không thể triệt tiêu được vũ lực

Giải pháp tăng cường nhân lực cho khoa cấp cứu rất tốt, nhưng khó khả thi với đại đa số các bệnh viện. Thay vào đó, các bệnh viện có thể cải tổ lại quy trình, tập huấn nâng cao trình độ xử lý, giao tiếp, chuyên môn cho điều dưỡng, bác sĩ.

Ở một bệnh viện hạng đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội, phòng khám cấp cứu có 3 ca, 5 kíp luân phiên trực, mỗi kíp có 12 người.

Ngoài ra, trong giờ hành chính, sẽ có 4 bác sĩ phụ trách tiếp nhận cấp cứu, và hơn 30 bác sĩ, học viên nội trú trực 24/24h tại bệnh viện để sẵn sàng hỗ trợ, tiếp ứng phòng khám, khu cấp cứu.

Nhờ sự phân chia khoa học, chuyên môn hóa cao, khả năng vận hành thuần thục và chuyên nghiệp, nên dù số lượng người vào cấp cứu tăng rất cao, việc cấp cứu bệnh nhân vẫn đảm bảo thông suốt và an toàn.

Tuy nhiên, cần lưu ý, không phải cơ sở khám chữa bệnh nào cũng có một nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao và chịu được áp lực lớn như vậy.

Giải pháp tăng cường nhân lực cho khoa cấp cứu rất tốt, nhưng khó khả thi với đại đa số các bệnh viện. Thay vào đó, các bệnh viện có thể cải tổ lại quy trình, tập huấn nâng cao trình độ xử lý, giao tiếp, chuyên môn cho điều dưỡng, bác sĩ.

Một người thạo việc vẫn hơn sự hiện diện của nhiều người nhưng có thể gây thêm rối loạn tại một khu vực cực kỳ nhạy cảm, liên quan tới sinh mạng của người bệnh như khu cấp cứu.

Không chỉ nhân viên y tế, ngay cả lực lượng bảo vệ cũng cần được tập huấn lại về kỹ năng giao tiếp, khả năng làm chủ cảm xúc, tâm lý, có nghiệp vụ sâu về hóa giải những cái đầu nóng, ngăn chặn nguy cơ bạo lực từ trước khi nó xảy ra.

Nếu coi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân là trọng tâm phục vụ, chăm sóc, thì toàn bộ quy trình tiếp nhận, xử trí tại khoa cấp cứu bệnh viện cần hướng tới đối tượng này.

Quy trình cần rõ ràng, nh bạch, có các vòng đeo tay phân biệt màu sắc giúp nhận biết được bệnh nhân được phân loại ra sao, cần cấp cứu ngay hay được theo dõi tiếp.

Quy trình này phải cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nắm được, kể cả bác sĩ, nhân viên y tế nhìn vào đã nắm bắt được ngay tình trạng bệnh nhân, tránh trường hợp phải hỏi lại, gây sốt ruột, cảm xúc tiêu cực cho người nhà người bệnh.

Trong những trường hợp bất khả kháng, như quá tải, hoặc bệnh viện chưa mua sắm được vật tư tiêu hao, cần người nhà đi mua, ảnh hưởng tới thời gian can thiệp, cấp cứu, lúc này, rất cần một đơn vị tương tự bộ phận chăm sóc khách hàng đến tư vấn, giải đáp tận tình mọi khúc mắc cho họ.

Đã có nhiều kiến nghị về việc đưa việc hành hung nhân viên y tế là hành vi chống người thi hành công vụ. Qua đó, sẽ có những hình phạt, răn đe xử lý cao hơn với người gây bạo lực. Rồi lực lượng công an tăng cường cắm chốt, kịp thời có mặt hạ nhiệt những điểm nóng.

Để làm được những việc này thực tế rất khó khi dịch vụ y tế không chỉ có bệnh viện công mà các bệnh viện tư cũng đang cung cấp, vì vậy, coi là “chống người thi hành công vụ” lại vướng quy định.

Trong khi ngành y tế với công an đã ký khá nhiều quy chế, thực hiện cao điểm nhưng chưa “điểm đúng huyệt” mà chỉ chủ yếu là giải quyết phần ngọn khi bạo lực đã nổ ra.

Nhiều chuyên gia tin rằng, sự trấn áp không thể triệt tiêu được vũ lực. Cách làm bền vững là gia cố mối quan hệ, niềm tin lẫn nhau giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với bác sĩ, nhân viên y tế.

Và để người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh, yên tâm thực hiện công tác chuyên môn, họ cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần, được nâng cao thu nhập và có một môi trường làm việc an toàn.

Ngành y đã từng rất thành công trong việc thay đổi căn bản phong cách thái độ phục vụ tại khu vực khám chữa bệnh, làm mới bộ mặt ngành từ nhiều năm qua. Có lẽ, công tác này cần tiếp tục được thực hiện tại khu vực cấp cứu, nơi nóng nhất bệnh viện và cần được cải tổ nhiều nhất.