Sống thấp thỏm chờ ngày di dời

Vụ cháy lớn dãy nhà ven kênh Tàu Hũ trên đường Phạm Thế Hiển, phường 2, quận 8 (TP.HCM) tối 1/4/2024 dù không gây thương vong về người thế nhưng cũng gây tâm lý hoang mang lo lắng cho người dân sinh sống với những dãy nhà ven sông. Và nỗi lo lắng đó sẽ còn kéo dài chưa biết đến khi nào…

Trong những ngày sau vụ cháy kinh hoàng tại Phường 2, quận 8, không khí nặng nề vẫn còn bao trùm lên khu vực này. Ngọn lửa đã thiêu rụi bãi chứa vật liệu gỗ và lan nhanh chóng sang các căn nhà ven kênh Đôi, may mắn là không có thiệt hại về người nhưng hậu quả về vật chất là không thể đong đếm.

Các gia đình bị ảnh hưởng đang phải đối mặt với cảnh không nhà cửa, tài sản bị thiêu rụi, và tương lai mờ mịt. Một số người dân khác lại sống trong thấp thỏm, lo lắng trong những căn nhà tạm bợ ven sông.

Khung cảnh hoan tàn sau vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hũ trên đường Phạm Thế Hiển, phường 2, quận 8, TP.HCM

Cách nơi xảy ra vụ cháy không xa, cô Thúy vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc về vụ việc, cô cho biết gia đình mình đã sống ven kênh Tàu Hủ hơn 40 năm thế nhưng đây là lần đầu tiên chứng kiến vụ cháy lớn như vậy.

Nhìn cột khói bốc lên cao cùng sức nóng lan sang, cô cùng người thân đã hoảng loạn dọn đồ đặc chuẩn bị cho việc tháo chạy. May mắn, đám cháy không lan rộng và được dập tắt sau vài tiếng, nhưng đến giờ cô Thúy vẫn còn ám ảnh: 

"Trời ơi, hôm qua lo sợ, hôm qua nhìn như vậy thôi chứ lửa nó cứ ùn ùn qua, gia đình lo sợ nên cứ muốn dọn đồ để chạy đi liền. Đây là vụ cháy đầu tiên, mà ở khu này là nhà cấp 4 không à, nên cháy dễ lây lan lắm bởi vậy ai cũng sợ".

Ven kênh Tàu Hủ, kênh Đôi là những dãy nhà lụp xụp, tạm bợ xuống cấp từ nhiều năm qua

Sự lo lắng của cô Thúy cũng là đều dễ hiểu khi cô cùng 6 thành viên sống trong căn nhà chưa đến 30m2 ven sông. Cô cho biết, nhà cô cũng như nhiều nhà khác tại khu vực thuộc diện phải di dời nhà ở ven kênh rạch của thành phố. Vậy nên khi căn nhà cấp 4 đã bị xuống cấp nghiêm trọng, những mái tôn nằm phơi nắng mưa cả chục năm giờ đây đã cũ kỹ, xập xệ những tấm ván lót sàn đã mục nát....

Nhưng gia đình vẫn không thể sửa sang hoặc xây mới, cô Thúy chia sẻ: "Ở đây muốn sửa nhà hay xây nhà cũng không được nữa, vì nói là thuộc diện giải tỏa nên đâu ai dám sửa nhà hay xây nhà gì đâu. Nếu dột quá thì chỉ sửa sơ sơ thôi".

Cách nhà cô Thúy khoảng vài chục mét là nơi ở của gia đình bà Bùi Thị Minh Hà (62 tuổi), mọi sinh hoạt chủ yếu của bà Hà, từ nấu ăn đến ngủ nghỉ đều gói gọn trong căn phòng nhỏ chừng 10m2.

Vừa chuẩn bị cho bữa cơm chiều bà Hà vừa chỉ tay vào những mảng tương loang lổ vì bị thấm nước bà cho biết, vào những khi triều cường dâng cao, dòng nước đen kịt  tràn vào nhà ngập hơn 2 tấc, kéo theo đó là rác thải bốc mùi hôi thối khiến việc đi lại, sinh hoạt trở nên khó khăn: 

"Tới lúc triều cường dâng lên thì ở đây nó ngập, tự nhiên nước ở ngoài đường nó cao hơn nên bao nhiêu nước là nó đổ xuống đây hết. phòng bị ngập thì cũng phải chịu thôi, nước rút rồi mình lau. Nhiều nhà người ta có tiền nên người ta đổ nền cao hơn, nhà cô không có tiền nên không có sửa lại, tường vách lở hết rồi".

Mọi sinh hoạt của bà Bùi Thị Minh Hà đều gói gọn trong căn phòng chừng 10m2
Phía sau nhà bà Hà được dùng làm kho chứa nhiều đồ dùng

Sống bên dòng kênh Tàu Hủ từ năm 1977 đến nay, bà Nguyễn Thị Ba (89 tuổi) đã nhiều lần nghe chính quyền địa phương nói về việc giải tỏa, di dời nhà ven kênh rạch. Thế nhưng đến lúc này, ở cái tuổi xưa nay hiếm thì bà vẫn chưa thấy những động thái gì từ chính quyền địa phương:

"Bà nghe nói giải tỏa mà còn lâu lắm con ơi, hồi bà đến đây cũng mấy chục năm rồi, từ hồi ông chồng bà còn sống đến giờ ổng mất mấy chục năm rồi mà vẫn chưa thấy gì mà. Nhà ở đây nhiều lắm thì tiền ở đâu mà bù?".

Cùng chung nỗi bức xúc với kế hoạch di dời nhà ven kênh rạch bị lãng quên của thành phố trong suốt hàng chục năm qua.

Anh Nguyễn Thành An cho biết: "Từ đó giờ nghe nói giải tỏa mà cứ nói hoài, gần 30 năm rồi mà cứ nói hoài riết rồi dân chúng ở đây nghe nó nhàm rồi. Giờ mong nhà nước có giải tỏa thì giải tỏa chứ đừng lên những dự án làm cho hoang mang người dân".

Nhà ở xuống cấp nhưng không thể sửa chữa hay xây mới, nhiều người dân đã dùng cột gỗ chấp vá để che nắng mưa.

Được biết những căn nhà trong vụ cháy vừa qua cũng như nhiều hộ dân khác sinh sống ven dòng kênh Tàu Hủ, kênh Đôi nằm trong diện giải tỏa di dời theo chương trình chỉnh trang đô thị.

Ông Phạm Quang Tú, Phó chủ tịch UBND quận 8 cho biết, HĐND Thành phố đã thông qua nghị quyết và thành lập tổ công tác cho việc di dời 1.500 căn nhà dọc bờ Bắc kênh Đôi để giải tỏa số lượng nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch, và đến nay vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu các hướng khả thi thực hiện dự án: 

"Phía bờ nam kênh Đôi trong đó có khu vực cháy thì UBND thành phố đã thành lập tổ công tác về việc di dời nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch từ phường 1 đến phường 7. Đến nay tổ công tác đang trong giai đoạn nghiên cứu để thực hiện dự án, bởi vì phía nam di dời khoảng 5 000 căn".

Câu chuyện về vụ cháy nhà ở Phường 2, quận 8 không chỉ dừng lại ở những con số thiệt hại mà còn là những bài học quý giá về sự an toàn của những hộ dân sinh sống ven kênh rạch cũng như trách nhiệm của chính quyền thành phố trong việc nhanh chóng triển khai thực hiện dự án bị bỏ quên suốt hàng thập kỷ qua.

Để những hộ dân ngày ngày không phải sống trong sự lo sợ, thấp thỏm bên dòng kênh.