Sau chuẩn hóa thông tin, cần “cụ thể hóa” người dùng thuê bao di động

Chuẩn hóa thông tin thuê bao di động là điều rất cần thiết trong bối cảnh cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang dần hoàn thiện, và cho thấy trách nhiệm, nỗ lực của cơ quan quản lý cùng các nhà mạng trong việc loại bỏ SIM “rác”.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của VOV Giao thông, thông tin chuẩn là chưa đủ, các ban, ngành, đơn vị liên quan cần có nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa để “gắn” thuê bao với chủ sở hữu thực sự.

Những điểm giao dịch của các nhà mạng “tấp nập” hơn thường lệ khoảng chục ngày gần đây khi lượng lớn khách hàng đến hoàn thiện thông tin thuê bao di động.

Sự phát triển của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, sự chuẩn bị của các nhà mạng, từ phương thức thực hiện đến hình thức nhắc nhở, đã giúp khách hàng nắm bắt kịp thời. Hạn chót 31/3 cùng  biện pháp khóa một chiều liên lạc cũng là biện pháp mạnh cần thiết để buộc chủ thuê bao di động phải thực hiện trách nhiệm của mình.

Dù có tới hàng triệu thuê bao có thông tin chưa chuẩn, nhưng việc chuẩn hóa thông tin không phải là quá khó nếu như cả nhà mạng và khách hàng đều chủ động phối hợp. Với nhà mạng, đó là các phương án chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự và trang thiết bị để phục vụ tốt nhất. Với khách hàng, đó là tinh thần tự giác, chủ động thực hiện.

Bởi lẽ không ít người có thói quen “nước đến chân mới nhảy”, điều này có thể gây quá tải cục bộ trong những ngày cuối, hoặc gây gián đoạn liên lạc, ảnh hưởng công việc của chủ thuê bao nếu không kịp thực hiện.

Vô số gian hàng, sản phẩm SIM kích hoạt sẵn trên các nền tảng thương mại điện tử

Việc chuẩn hóa thông tin nếu làm tốt thì sẽ “quét” được một lượng đáng kể thuê bao không chính chủ, không còn sử dụng, hoặc là SIM “rác” quấy rối, lừa đảo. Tuy nhiên, như các chuyên gia đã phân tích, đây mới chỉ là bước đầu, bởi thông tin chuẩn là một chuyện, nhưng chủ thuê bao và người dùng thực sự có giống nhau hay không lại là chuyện hoàn toàn khác.

Gần chục năm qua, cơ quan quản lý và các nhà mạng đã có nhiều “chiến dịch” để loại bỏ thuê bao không chính chủ, từ việc cập nhật thông tin, bổ sung ảnh cá nhân, đến tạm dừng việc phát hành SIM mới, giới hạn số lượng thuê bao cho mỗi người dùng… Dù tình trạng SIM “rác” đã có nhiều cải thiện, nhưng trên thực tế, việc mua SIM kích hoạt sẵn hiện nay vẫn khá dễ dàng.

Người có nhu cầu sẽ có vô số lựa chọn từ các cửa hàng trên đường phố, đến những sàn thương mại điện tử lớn như: Shopee, Lazada,… để mua SIM “sinh viên”, SIM mạng, gọi điện, nhắn tin giá rẻ,… và đặc biệt là không cần đăng ký thông tin cá nhân.

Với tình trạng lộ lọt, mua bán thông tin phổ biến như hiện nay, các chủ hàng không khó để đăng ký thông tin “chuẩn” cho SIM kích hoạt sẵn, và điều nguy hiểm là nó có thể trở thành công cụ thực hiện hành vi phạm tội của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Do vậy, ngăn chặn SIM “rác” là một “cuộc chiến” lâu dài, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ từ các ban, ngành, đơn vị có liên quan với sự vào cuộc có trách nhiệm. Từ phía cơ quan quản lý, đề nghị đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới đối với nhà mạng vi phạm bán SIM kích hoạt sẵn cho thấy sự quyết tâm của Cục Viễn thông.

Bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý thì cơ quan chủ quản cần thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm thường xuyên, liên tục để buộc các nhà mạng nghiêm túc thực hiện.

Theo Cục Viễn thông, sau hơn 10 ngày triển khai, số lượng thuê bao di động đã thực hiện chuẩn hóa thông tin đạt trên 1,1 triệu, chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số gần 4 triệu thuê bao phải chuẩn hóa

Nghị định 15/2020 của Chính phủ đã có những quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, do đó, cơ quan chủ quản cần phối hợp cơ quan công an, lực lượng quản lý thị trường để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt trên các trang mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử.

Trong đó, cần quy trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, những đơn vị không thể vô can, “không biết” về sự tồn tại của vô số gian hàng bán SIM kích hoạt sẵn trên nền tảng của mình.

Song song với việc xử lý vi phạm là tuyên truyền, đưa tin rộng rãi lên các phương tiện truyền thông về những trường hợp bị xử lý để tạo tính răn đe; đẩy mạnh giáo dục kiến thức pháp luật đến người kinh doanh và sử dụng SIM di động.

Với các nhà mạng, cần tuân thủ quy định pháp luật, hướng đến một thị trường lành mạnh, an toàn thay vì quá chú trọng lợi nhuận. Sau khi chuẩn hóa thông tin, các nhà mạng cần tiếp tục rà soát thường xuyên để kịp thời phát hiện và “thanh lọc” những thuê bao vi phạm.

Còn với mỗi người dân, cần tìm hiểu và tự giác chấp hành các quy định, chia sẻ thông tin với người thân và cộng đồng; không sử dụng SIM kích hoạt sẵn, không vì lợi ích kinh tế nhỏ mà “tiếp tay” cho hành vi vi phạm; đồng thời lên tiếng tố giác, phản ánh để chung tay đẩy lùi SIM “rác”.