Rác đến chân rồi, “nhảy” đi thôi!

Cuối cùng thì chúng ta cũng không thể trì hoãn được nữa, phải bắt tay phân loại rác đi thôi, khi hơn tháng nữa là việc này chính thức được áp dụng. Nói nôm na, nếu không phân loại, bạn có khả năng sẽ phải giữ rác trong nhà và sống chung với rác, do bị từ chối thu gom.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Ảnh nh họa

Nếu bạn rung đùi nghĩ rằng, chẳng ai giám sát hết được và quy định chỉ mang tính khuyến cáo, thì bạn quá chủ quan. Bởi có rất nhiều cách và kênh giám sát khác nhau, từ ngoài vào, từ trong ra, và từ xung quanh.

Bạn phân loại hay không, hàng xóm biết, người trong nhà biết, các “mắt thần” ở nơi công cộng biết hết.

Cứ cho là trong nhà không tố giác, nhưng hằng ngày lũ trẻ đọc báo nghe đài, biết rằng việc phân loại rác là bắt buộc mà người lớn lại không thực hiện. Chúng sẽ nghĩ rằng, không chấp hành pháp luật cũng chẳng sao.

Điều này rõ ràng nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc bạn bị xử phạt hoặc rác chất đống trong nhà.

Ai cũng biết phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều lợi ích cho môi trường, cộng đồng và trực tiếp cho chính chúng ta. Nhưng thực hiện việc này cũng không hẳn là dễ, mà đòi hỏi một ý thức hết sức nghiêm túc và kiên trì.

Từ một thùng rác, nay chia ba là cả vấn đề. Nhà nào có nhiều phòng, nhiều tầng, lâu nay mỗi không gian một thùng rác, giờ nhân 3 số đó lên, như vậy diện tích bị chiếm dụng nhiều hơn, việc thu dọn rác, thay túi rác, vệ sinh thùng rác mỗi ngày cũng sẽ mất công hơn. Với các không gian sống chật chội như nhà tập thể cũ, phố cổ, lại càng gặp khó.

Chuẩn bị phân loại rác tại nguồn, bạn cần lường trước tất cả những điều này để sắp xếp lại không gian, sẵn sàng nhường thêm chỗ cho rác.

Ngoài ra, cần tính đến sự thông hiểu và hợp tác của mọi người trong gia đình. Trẻ em dễ làm quen, dễ hình thành thói quen mới, nhưng người trưởng thành – thói quen ăn sâu bám rễ, cần thời gian dài hơn. Trong khi, người cao tuổi lại hay quên.

Nếu được, hãy đặt thùng rác ở vị trí dễ quan sát, dễ sử dụng để tạo thuận lợi cho mọi người. Bạn cũng có thể dán các mẩu giấy nhắc xung quanh, để tăng sự chú ý và ghi nhớ.

Tuy vậy, trường hợp bảo thủ và cố tình không chịu thay đổi mới là những “ca” khó nhất. Nếu điều này xảy ra,  bạn đừng cố áp đặt ngay. Một mặt nên chịu khó lắng nghe và “hạ hỏa” dần dần, một mặt kiên trì chứng nh hiệu quả bằng cách thực hiện thật tốt.

Cùng với các quy định pháp luật được phổ biến rộng khắp, dần dần nề nếp tốt sẽ hình thành.

Dù Hà Nội bắt đầu vận hành nhà máy điện rác đầu tiên, cũng chưa thể là “chiếc đũa thần” cho vấn nạn rác thải đã tồn tại suốt bao năm qua ở đô thị. Và công nghệ xử lý rác có hiện đại đến đâu, cũng khó đạt hiệu quả tối ưu nếu rác hổ lốn như hiện nay.

Do vậy, phải bắt tay phân loại đi thôi. Phải “nhảy” đi thôi, vì rác đến chân rồi!