Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Đuối nước trẻ em, đừng để đến hẹn lại lo

Xuân Tú: Thứ tư 22/05/2024, 06:12 (GMT+7)

Mùa hè đến mang theo niềm vui cho trẻ em khi kết thúc năm học, và những hoạt động vui chơi trong môi trường nước. Tuy nhiên, đây cũng là lúc chúng ta phải đối mặt với thực tế đáng lo ngại: số vụ đuối nước ở trẻ em có nguy cơ tăng cao.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, liệu chúng có lặp lại trong hè 2024 và những biện pháp phòng ngừa, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB & XH):

PV: Đuối nước trẻ em từ bao năm qua luôn là câu chuyện nhức nhối, đặc biệt khi mùa hè tới. Trước vấn đề không mới nhưng luôn là nỗi lo ngại này, Cục Trẻ em nhận định thế nào?

Ông Đặng Hoa Nam: Tình hình đuối nước ở Việt Nam có giảm nhưng mà quan ngại là nó vẫn còn giảm chậm. Chúng ta vẫn là quốc gia mà đứng thứ bảy ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương về tử vong trẻ em do đuối nước và trong đó thì tử vong do đuối nước ở Việt Nam thì cao gấp khoảng 10 lần so với các nước phát triển khác.

Đuối nước vẫn chủ yếu là xảy ra ở tại cộng đồng, khu dân cư, nơi trẻ em sinh sống, tại gia đình và đặc biệt là ở nông thôn và hộ nghèo thì vẫn chiếm đến hơn một nửa.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

PV: Các biện pháp giáo dục phòng ngừa đuối nước cho trẻ em thời gian qua, theo ông đã được thực hiện như thế nào? Các chương trình học bơi cho trẻ em liệu đã đủ hiệu quả, thưa ông?

Ông Đặng Hoa Nam: Giải pháp ưu tiên hàng đầu là tạo lập môi trường sống an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em, tức là chúng ta phải có những biển báo, phải có cảnh giới ở khu vực trong cộng đồng mà đã từng xảy ra và có nguy cơ xảy ra đuối nước trẻ em.

Thứ hai là chúng ta phải tạo ra môi trường sống an toàn ngay trong chính gia đình của mình, những cái hồ, ao, giếng nước, thậm chí kể cả những xô chậu chứa nước thì cũng phải hết sức chú ý. Chúng ta có mô hình can thiệp thứ hai, đó là tăng cường giám sát đối với trẻ em, đặc biệt là trong mùa hè, những ngày nghỉ tết, nghỉ lễ mà trùng với thời gian nắng nóng.

Trước hết trách nhiệm giám sát thuộc về gia đình. thuộc về cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị xã hội. Thứ hai là trách nhiệm giám sát thuộc về gia đình, cha mẹ luôn luôn phải giám sát con, biết con đang ở đâu, đang làm gì.

Giải pháp thứ ba đang phát huy có hiệu quả, đó là mở lớp giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, đặc biệt là dạy bơi. Chúng tôi cho rằng với chi phí không cao ở trong các dự án mà Cục trẻ em cùng ngành thể thao, ngành văn hóa cùng ngành giáo dục đang triển khai thì chi phí để một trẻ em biết bơi, biết kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích do đuối nước (bao gồm xây dựng, xây lắp bể bơi, vận hành bể bơi) rơi vào khoảng 30USD, tương đương khoảng hơn 700.000 đồng.

PV: Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ cần có những chính sách và chương trình hỗ trợ nào để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em, thưa ông?

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB & XH)

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB & XH)

Ông Đặng Hoa Nam: Chính phủ đã ban hành Quyết định 1248 của Thủ tướng CP ngày 19/7/2021 về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, giai đoạn 2021 - 2030, đặc biệt là Công điện 398 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát và phòng ngừa tai nạn thương tích do đuối nước ở trẻ em ngày 2/5/2022.

Trong đó chỉ ra những giải pháp rất cụ thể, phân công rất cụ thể cho từng bộ, ngành, từng cấp chính quyền có trách nhiệm. Trung ương và ở nhiều địa phương thì chúng ta cũng đã có mạng lưới về phòng, chống đuối nước trẻ em, có những kế hoạch liên ngành với sự phân công trách nhiệm của 9 cơ quan, tổ chức.

Còn ở một số địa phương chúng tôi cũng cho rằng đã tìm thấy một cái cơ chế vận hành về phối hợp, về mạng lưới để mà phòng ngừa. Tuy nhiên, vẫn phải nhắc lại đó là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố, cần phải ưu tiên phân bổ kinh phí cho chương trình, đề án để mở rộng mô hình can thiệp, rồi là có ngân sách hỗ trợ cho trẻ em, đặc biệt là các hộ nghèo để các em được tham gia lớp phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Một lần nữa chúng tôi kêu gọi hãy chấp hành nghiêm túc, triệt để công điện 398 của Thủ tướng Chính phủ, hãy triển khai thực hiện bài bản Quyết định 1248 của Thủ tướng Chính phủ. Bởi để cứu sinh mạng trẻ không tốn quá nhiều tiền nhưng nếu chúng ta không đầu tư ngân sách thì chúng ta không thể kéo giảm nhanh tình trạng tử vong trẻ em do tai nạn thương tích, đặc biệt là do đuối nước được.

PV: Xin cảm ơn ông với những ý kiến vừa rồi.

Xuân Tú/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn