Quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến với 'ma men' sau tay lái

Sau 3 tuần triển khai cao điểm xử lý vi phạm về nồng độ cồn và chất gây nghiện, lực lượng CSGT toàn quốc đã phạt hơn 13.000 trường hợp. Đây là con số ấn tượng, thể hiện quyết tâm của lực lượng chức năng trong việc đẩy lùi một trong những vấn nạn gây tử vo

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Sau 3 tuần triển khai cao điểm xử lý vi phạm về nồng độ cồn và chất gây nghiện, lực lượng CSGT toàn quốc đã phạt hơn 13.000 trường hợp. Ảnh: VTV
 

“Tôi có uống 1 lon bia, biết điều đấy là sai nhưng thực ra hôm nay có việc hơi đặc biệt nên khó từ chối quá. Biết là sai, sai đến mức như thế nào thì mình phải chấp nhận”.

Đó là phân trần của 1 tài xế điều khiển ô tô sau khi bị lực lượng CSGT, Công an tỉnh Vĩnh Phúc dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn. Tài xế này vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,051 ligam/1 lít khí thở. Khung hình phạt theo Nghị định 100 với mức vi phạm là phạt từ 6-8 triệu đồng, tước bằng lái 10-12 tháng, tạm giữ xe 7 ngày.

Đây là một trong số hơn 13.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chất gây nghiện mà lực lượng CSGT toàn quốc phát hiện và xử lý trong 3 tuần cao điểm vừa qua. Trong đó, hơn 7.600 tài xế đã bị tước giấy phép lái xe, 100% phương tiện vi phạm bị tạm giữ.

Bày tỏ quan điểm ủng hộ những kế hoạch cao điểm tập trung vào lỗi lái xe sau khi uống rượu bia, nhiều thính giả cho rằng, đây là việc hết sức cần thiết. Mỗi lái xe say xỉn bị ngăn chặn, xử phạt là mỗi lần tỉ lệ xuất hiện TNGT lại giảm đi trông thấy.

 

“Nến dừng xe kiểm tra nồng độ cồn vào buổi trưa thế này, rất cần thiết cho lái xe, an toàn cho mình và mọi người xung quanh”.

“Xử lý thế này cũng đảm bảo được an toàn giao thông. Tốt nhất không nên uống khi lái xe, khi đã cất xe vào bãi rồi thì muốn uống gì cũng được. Thời gian qua xảy ra tai nạn do bia rượu rất nhiều vì vậy kiểm tra thế là đúng”.

“Mình cứ tăng cường các chốt, càng nhiều điểm càng tốt. Những điểm trọng yếu, liên thông giữa các tỉnh sẽ xảy ra nhiều vấn đề như lái xe nhậu nhẹt rồi đi từ tỉnh này sang tỉnh kia. Theo tôi cần xử lý mạnh tay hơn nữa để tránh gây tai nạn cho người khác”.

Trao đổi với VOV Giao thông, Trung tá Phạm Đức Đông, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, trước tình hình trật tự, an toàn giao thông còn nhiều diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã lên kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”.

Qua đợt cao điểm xử lý vi phạm này góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, đồng thời lên án hành vi sử dụng chất ma túy, rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân:

 

“Toàn bộ công an các địa phương đồng loạt ra quân để xử lý chuyên đề này và tập trung cao điểm như tuyến quốc lộ trọng điểm, cao tốc cũng như các tuyến trong khu vực đô thị. Làm sao đó để đưa ý thức chấp hành pháp luật của người dân mang tính chất một cách tự giác mà không phải lúc nào có lực lượng cảnh sát giao thông thì người dân mới chấp hành. Chúng tôi sẽ thực hiện việc này thường xuyên và sau một tháng thì chúng ta sẽ sơ kết đánh giá và đưa ra phương thức thực hiện làm sao để có hiệu quả hơn. Mục đích cuối cùng của chúng ta là đảm bảo an toàn giao thông và người dân tự giác chấp hành pháp luật”

Mỗi lái xe say xỉn bị ngăn chặn, xử phạt là mỗi lần tỉ lệ xuất hiện TNGT lại giảm đi trông thấy.

Đánh giá về con số hơn 13.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy bị xử phạt trong đợt cao điểm xử lý của lực lượng CSGT cả nước, chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cho rằng, nhiều vi phạm bị xử lý không đồng nghĩa với thực trạng ma men sau tay lái vẫn phức tạp, trái lại đang có những chuyển biến hết sức tích cực.

 

“Số người vi phạm này chẳng qua là chúng ta kiểm soát nó gắt gao hơn. Đồng thời, điều kiện kiểm soát theo Nghị định 100 nghiêm ngặt hơn, chỉ cần một chút rượu thôi là vi phạm rồi. Còn ngày trước chúng ta còn phải đo các mức nồng độ cồn thì nó phức tạp hơn. Tôi cho rằng, Nghị định 100 cho phép chúng ta kiểm soát dễ dàng hơn, đồng thời quá trình thực thi của lực lượng chức năng đã quyết liệt hơn nên chúng ta xử lý được nhiều vụ hơn”

Bày tỏ sự lạc quan về những thay đổi trong nhận thức của người lái xe, ông Khương Kim Tạo dẫn chứng từ tỉ lệ giảm đáng kể các vụ tai nạn liên quan rượu bia tại khoa cấp cứu các bệnh viện.

 

“Thời gian qua, số người lái xe cơ giới, đặc biệt người sử dụng ô tô uống rượu bia giảm rất đáng kể. Các bác sĩ ở các bệnh viện đều nói chuyện với tôi rằng, tai nạn giao thông liên quan rượu bia đã giảm đi nhiều lần”.

Đồng quan điểm, ông Khuất Việt Hùng – Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, Nghị định 100 có hiệu lực từ 1/1/2020 đã và đang tạo ra bước ngoặt về nhận thức của người tham gia giao thông. Từ thành thị đến nông thôn, từ trẻ nhỏ tới người lớn, ai cũng biết nếu vi phạm nồng độ cồn khi lái xe sẽ chịu mức phạt rất nặng, lên tới hàng chục triệu đồng và không được lái xe trong một thời gian dài.

Một người nông dân ở Phú Thọ, một viên chức ở Thái Bình, một Phó trưởng Phòng GD-ĐT ở Quảng Bình hay một cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động ở Hà Tĩnh… ai cũng như ai, cứ vi phạm là bị xử lý. Việc xử lý nghiêm nh, bất kể người vi phạm thuộc tầng lớp, vị trí nào trong xã hội đã thực sự đánh thức được ý niệm thượng tôn pháp luật trong nhân dân. Từ đó, điều chỉnh dần những thói quen, nếp sinh hoạt vốn dĩ khó đổi từ trước đến nay, đặc biệt là thói quen giao đãi bằng rượu bia.

Ông Khuất Việt Hùng chia sẻ:

 

“Nó điều chỉnh hành vi của rất nhiều người trong xã hội, không còn cái việc đi làm về, gặp bạn bè là uống tràn lan. Sử dụng rượu bia trong đời sống cũng thay đổi. Những người nào biết là họ phải lái xe thì không uống nữa. Đây là sự thay đổi rất lớn. Việc giảm lạm dụng rượu bia bên cạnh cải thiện trật tự ATGT thì giúp giảm bạo lực gia đình, đặc biệt là mang lại sức khỏe tốt hơn cho người dân. Chắc chắn các gia đình, đời sống xã hội sẽ vui tươi, hạnh phúc hơn”.

Theo chuyên gia văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, bước ngoặt mà Nghị định 100 tạo ra cho thấy, khi luật pháp được thực thi nghiêm nh, mọi vấn đề dù khó khăn, nhức nhối đến mấy cũng được giải quyết. Các lực lượng chức năng cần duy trì “ngọn lửa” nhiệt huyết, sự quyết tâm trong cuộc chiến đẩy lùi “ma men sau tay lái”

 

“Trước mắt chúng ta phải chấp hành nghiêm chỉnh Nghị định của Chính phủ ban hành. Nhưng tôi còn 1 băn khoăn, liệu chúng ta có thể chấp hành và thực hiện một cách nghiêm chỉnh trong một thời gian dài và liên tục hay không. Còn nếu đúng như Bộ Công an đã triển khai làm thật nghiêm chỉnh thì tôi cho rằng sẽ có kết quả rất tốt”.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn lái xe.

Mời quý vị và các bạn đến với góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận với nhan đề: “Khi luật đi vào đời sống”.

 

Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã tán thành bổ sung quy định “Đã uống rượu bia thì không lái xe” vào Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Đây được xem là quyết định mang tính lịch sử, thay đổi căn bản bức tranh u ám về số người tử vong do TNGT liên quan rượu bia.

77,27% số phiếu các đại biểu tán thành điều khoản: Cấm điều khiên phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, ở bất cứ mức nào. Nó mở rộng đối tượng không được uống rượu bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm nh người vi phạm, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ TNGT.

Những văn bản dưới Luật như Nghị định 100 sau đó đã tăng nặng chế tài với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu bia. Những trường hợp bị xử phạt hàng chục triệu đồng; những cá nhân bị lập biên bản dù uống rượu từ tối hôm trước; những cán bộ, công chức vi phạm bị chường lên mặt báo… Những hình ảnh này đã gây ấn tượng đặc biệt trong tâm trí công chúng.

Việc thực thi luật pháp nghiêm nh ở toàn bộ các địa phương, với chế tài tập trung đánh mạnh vào kinh tế, hình ảnh cá nhân, không phân biệt người thân quen, “trong ngành” hay người nổi tiếng, cậy quan hệ, vị thế trong xã hội… đã thực sự khiến những người hay nhậu nhẹt phải e dè. Họ sẽ phải cân nhắc từ chuyện “uống một chút thôi, đủ tỉnh táo để chạy xe về” với việc “cứ uống là bị phạt, có nên tự lái xe đi nhậu hay không?”.

Chuyển biến xuất hiện ở khắp nơi, từ các đô thị lớn, nơi bố trí dày đặc các chốt kiểm soát, đến tận vùng ngoại ô, nông thôn, đâu đâu cũng nói về Luật rượu bia, về Nghị định 100, về việc “nhậu lái xe về bị xử phạt mấy tháng lương”, về việc “không thể xin được lỗi này kể cả quen biết, thân sơ đến đâu”.

Hiệu quả thể hiện ngay ở các con số: 7 ngày Tết Nguyên đán 2021, TNGT đã giảm 16 vụ, giảm 24 người chết, giảm 51 người bị thương so với Tết năm 2020. Không chỉ TNGT, số người bị thương do gây gổ, đánh nhau cũng giảm trông thấy ở các bệnh viện. Rõ ràng, số người uống rượu bia giảm đã khiến TNGT giảm, tỉ lệ bạo lực trong xã hội cũng giảm theo.

Một đạo luật mang ý nghĩa xã hội và tính nhân văn cao, tháo gỡ được khó khăn trong vấn đề xử lý vi phạm của lực lượng chức năng, lại nhận được sự đồng tình của đông đảo nhân dân, đương nhiên đó là một đạo luật đã thực sự đi vào đời sống./.