Quấy rối tình dục: Cần luật hóa và quy trách nhiệm người đứng đầu

Những hành vi nghiêm trọng như tấn công tình dục, hiếp dâm, cưỡng dâm,… đã được pháp luật hình sự điều chỉnh nhưng trên thực tế, nhiều vụ việc vẫn khó xử lý, thậm chí “chìm xuồng”.

Do đó, việc xử lý sẽ càng khó khăn hơn với những hành vi quấy rối tình dục bằng cử chỉ, lời nói - chưa được xác định cụ thể vì thiếu văn bản pháp lý.

Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, để môi trường làm việc lành mạnh, không còn những chuyện đùa tục tĩu, để nạn nhân không cô đơn trên hành trình tự bảo vệ mình, “Cần luật hóa và quy trách nhiệm người đứng đầu”.

 

Cụm từ “quấy rối tình dục” xuất hiện lần đầu trong Bộ luật Lao động 2012, nhưng sau 8 năm thực thi, không có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là quấy rối tình dục và cách xử lý ra sao.

Năm 2015, Bộ quy tắc chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc được Bộ LĐ-TB&XH, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại Công nghiệp (VCCI) ký kết ban hành. Hành vi quấy rối tình dục được nhận diện trong 3 nhóm: quấy rối thể chất, phi thể chất và bằng lời nói.

Tuy nhiên, bộ quy tắc này không phải là văn bản bắt buộc, nên thực hiện hay không tùy thuộc vào nhận thức của người sử dụng lao động.

Bộ luật Lao động năm 2019 tiếp tục chỉnh sửa về nội dung quấy rối tình dục với định nghĩa rõ ràng, quy định cụ thể doanh nghiệp phải ban hành nội quy bằng văn bản và đảm bảo có biện pháp phòng, chống. Tuy nhiên, các quy định chưa đáp ứng được tình huống phát sinh trong thực tiễn và hành vi quấy rối vẫn khó nhận diện.

Chính vì vậy, để ngăn chặn quấy rối tình dục tại nơi làm việc, trước tiên phải luật hóa hành vi và chế tài xử lý. Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc là rất cần thiết, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở mức dự thảo và chỉ mang tính chất tham khảo.

Ngành LĐ-TB&XH cần rà soát và tham mưu Chính phủ để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong vấn đề này, liên tục cập nhật, bổ sung để tạo thuận lợi cho việc thực hiện và giám sát trong thực tiễn.

Thứ hai, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, công sở, doanh nghiệp trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Trên thực tế, văn hóa công sở phụ thuộc rất lớn vào người lãnh đạo. Nếu người đứng đầu là người nghiêm khắc, gương mẫu thì sẽ không có chuyện nhân viên nhởn nhơ đùa cợt tục tĩu.

Các cơ quan, doanh nghiệp cần có hướng dẫn cụ thể, tập huấn cho người lao động; xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý hành vi quấy rối tình dục chi tiết, từ lắp đặt hệ thống camera giám sát, lập kênh đường dây nóng tiếp nhận, hỗ trợ tâm lý, bảo vệ danh tính nạn nhân, đến chế tài xử lý nghiêm, thậm chí sa thải người vi phạm để tạo tính răn đe.

Để quy trình này thực sự hiệu quả, không phải làm “cho có”, cần tăng cường trách nhiệm giám sát của công đoàn, các tổ chức bảo vệ người lao động, lên tiếng để chủ doanh nghiệp buộc phải thực hiện nghiêm túc.

Việc xử lý người có hành vi quấy rối tình dục cần được làm đến cùng, công khai rộng rãi, không chỉ xử lý nội bộ mà cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, tránh “chìm” đi theo thời gian.

Nếu không thì nạn nhân sẽ ấm ức, mất niềm tin, không còn tố giác hành vi vi phạm, và sự im lặng sẽ khiến hành vi quấy rối tình dục tiếp tục diễn ra, thậm chí mức độ càng nghiêm trọng hơn.

Và cuối cùng là đẩy mạnh truyền thông qua nhiều phương thức để nâng cao nhận thức của người dân về quấy rối tình dục, đặc biệt là giáo dục ngay từ nhà trường cho thế hệ trẻ. Nhận thức đúng đắn sẽ giúp mọi người có hiểu biết đầy đủ về tình dục - vấn đề cần nhìn nhận nghiêm túc chứ không phải chuyện đề đùa.