Phương tiện dừng hoạt động quá 7 ngày phải báo cơ quan chức năng

VOVGT - Tổng cục Đường bộ đề xuất quy định xe dừng hoạt động từ 5-7 ngày phải báo cáo cơ quan chức năng để xử lý tình trạng “trốn” thiết bị giám sát hành trình.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Đề xuất phương tiện dừng hoạt động quá 7 ngày phải báo cơ quan chức năng. Ảnh: Internet

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong tổng số gần 580.000 phương tiện kinh doanh vận tải thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong tháng 4 vừa qua, chỉ có gần 77% số phương tiện truyền dữ liệu thiết bị này về Tổng cục Đường bộ Việt Nam (tương đương 410.000 phương tiện). Số còn lại khoảng 23%, tương đương 170.000 xe trốn việc truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Điều đáng nói, trong số 175.000 xe không truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, rất khó để kiểm soát số xe không truyền dữ liệu vì nguyên nhân gì, có thể do xe đang bảo dưỡng, có thể do xe nghỉ hoặc do lái xe cố tình tắt thiết bị.

Từ thực tế này, ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã đề xuất quy định xe dừng hoạt động từ 5-7 ngày phải báo cáo cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả quản lý, thay cho quy định là 30 ngày trước đây. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Bình cho biết:

 

Trao đổi về đề xuất này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, việc rút ngắn thời gian báo cáo phương tiện dừng hoạt động cũng nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát các doanh nghiệp trốn thiết bị giám sát hành trình. Ông Huyện nói: Đề xuất này nhằm tăng cường hiệu quả kiểm soát của cơ quan quản lý. Đã thực hiện kinh doanh vận tải thì phải truyền dữ liệu, nhằm đạt mục đích cuối cùng là nâng cao khả năng an toàn cho hành khách và phương tiện.

 

Cũng theo ông Huyện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các Sở GTVT đến tận doanh nghiệp để xử phạt các doanh nghiệp vi phạm, kể cả nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình, trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể rút giấy phép kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng cần những chế tài nhất định, từ nhắc nhở, đến dừng một thời gian nếu để xảy ra tình trạng đó.

Ông Thanh cho biết: Một là lái xe chủ động tắt nguồn, hai là các doanh nghiệp, hợp tác xã không quan tâm cái này, không có bộ phận theo dõi, có bộ phận hình thức để đủ điều kiện kinh doanh nên không ai nhắc nhở. Thứ ba, bản thân thiết bị trục trặc. Như vậy, nếu trục trặc thì lái xe quan tâm thì sẽ phải báo về đơn vị quản lý biết để nhắc nhở, đằng này hai bên cùng không cần thiết nên thôi.

 

Cũng theo ông Thanh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quản lý thiết bị giám sát hành trình để kịp thời nhắc nhở doanh nghiệp không truyền dữ liệu. Theo ông Thanh, quan trọng nhất là việc phát hiện và xử lý ngay khi doanh nghiệp trốn thiết bị giám sát hành trình thì mới đạt hiệu quả.