Phòng ngừa vi phạm nồng độ cồn sau khi nới giãn cách

Việc quá lâu không gặp gỡ, hội ngộ khiến tâm lý một số người chủ quan, tổ chức tụ tập ăn uống quá chén. Các hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng có xu hướng tăng dần.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

“Anh lấy hơi, ngậm ệng vào ống và thổi liên tục đến khi tôi bảo kết thúc... Thổi nữa đi nữa nữa... rồi... nồng độ cồn của anh là 0,227mg/l khí thở nhé...”

Đầu giờ chiều, tại chốt kiểm tra nồng độ cồn ở ngã ba Tố Hữu-Vũ Trọng Khánh, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Tp.Hà Nội, lượng tài xế bị dừng xe, xử lý hành vi “lái xe sau khi uống rượu bia” ngày một tăng.

Rất nhiều lý do đã được họ đưa ra để bao biện cho vi phạm của mình, thậm chí nổi nóng khi được phỏng vấn:

 

“À thì nhỡ thôi mà, nhỡ nhàng...”

“Thôi thì gia đình có công việc, cũng uống chút, có nồng độ cồn là sai, công việc gia đình ấy, thực ra cái này em biết, nhưng việc gia đình…”

“Thôi tao không nói nữa, mày đi đi nói mãi bực mình”

Hầu hết trường hợp bị xử lý lái xe máy, có nồng độ cồn vượt quá 0,25mg/l khí thở, bị xử phạt hành chính từ 4-5 triệu đồng, tước GPLX đến 18 tháng, tạm giữ phương tiện tối đa 7 ngày. Cá biệt, có trường hợp máy đo lên tới 0,5mg/l khí thở, lái xe chống đối, bắt bẻ lực lượng chức năng và không chấp hành xử phạt dù được giải thích, thuyết phục gần nửa tiếng đồng hồ. Cuối cùng, trường hợp này “bỏ của chạy lấy người”, để lại chiếc xe bị tạm giữ ở hiện trường.

Đại úy Nguyễn Thanh Tuấn, Đội CSGT số 7, phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, đã xuất hiện tâm lý chủ quan ở một bộ phận người tham gia giao thông, không tuân thủ luật giao thông đường bộ:

 

“Sau thời gian Hà Nội giãn cách thì mật độ cao hơn, TNGT tăng hơn, hàng quán nới lỏng, nhân dân có xu hướng chủ quan, sử dụng rượu bia trong các ngày Lễ Tết, cho rằng lực lượng chức năng sẽ lơ là xử lý.”

Để phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia, lực lượng CSGT Thủ đô đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Đại úy Nguyễn Thanh Tuấn nhấn mạnh:

 

“Với Đội CSGT số 7, chúng tôi luôn bố trí lực lượng tuần tra, xử lý vi phạm tại nhiều điểm 24/24 nhằm đảm bảo ATGT trên tuyến, nhất là tại các vị trí trọng điểm sẽ luôn luôn thay đổi vị trí để xử lý triệt để. Với các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, thứ nhất sẽ tuyên truyền về hình thức xử lý, và theo Nghị định 100, mức phạt sẽ rất cao”

Theo thống kê của Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, trong 8 tháng đầu năm 2021, số vụ TNGT trên cả nước đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian nới lỏng giãn cách, số ca nhập viện do TNGT lại đang có xu hướng tăng. Đặc biệt là những vụ TNGT do có sử dụng rượu bia. 

Người đàn ông mua hoa về sinh nhật "Hội Anh Em" vi phạm nồng độ cồn bị CSGT lập biên bản tạm giữ xe máy

Tại Khoa Cấp cứu Ngoại của Bệnh viện Thanh Nhàn, lượng bệnh nhân TNGT đã tăng gấp rưỡi những ngày trước đó. Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Trường, Phó Khoa Cấp cứu Ngoại, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết:

 

“Ở nhóm TNGT liên quan đến rượu bia, trước mắt là số bệnh nhân khám hàng ngày thì trong thời gian giãn cách, chúng tôi chỉ khám khoảng 70 bệnh nhân. Bây giờ, trung bình 1 ngày khoảng từ 100-120 bệnh nhân, phần nhiều trong số đó liên quan đến tai nạn, có tỷ lệ liên quan đến rượu bia và mức tăng ở khoảng 30-35%”

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Trường, những bệnh nhân bị TNGT do sử dụng rượu bia thường gặp những chấn thương rất nặng. Rượu bia gây ra tình trạng kích thích tinh thần, giảm cảm nhận về sự nguy hiểm của tốc độ, giảm cảm nhận về sự đau của cơ thể, dẫn tới mất kiểm soát, những hành động mà bình thường không thể làm được. Nếu lạm dụng có thể gây nghiện như ma túy.

 

“Tổn thương hay gặp chủ yếu là về chi thể, như ngày hôm qua, chúng tôi gặp trường hợp gãy xương đùi, gãy xương chi trên kèm theo, đặc biệt có những trường hợp gãy xương hở. Mặc dù nội đô của mình có hạn chế tốc độ nhưng trong những trường hợp người tham gia giao thông mà sử dụng rượu bia thì do tinh thần, chi giác bị kích thích nên tốc độ lúc đấy dường như không có khoảng cách giữa nội đô và ngoại ô”

Đồng quan điểm về thực trạng này, chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho rằng, uống rượu rồi lái xe đã trở thành thói quen cố hữu của một bộ phận người dân. Do đó, việc thay đổi nhận thức hành vi cần thực hiện thường xuyên theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”:

 

"Qua thời gian cơ quan chức năng siết chặt xử lý nồng độ cồn thì chúng ta thấy có phần nào thay đổi tích cực hành vi người dân, tuy nhiên việc uống rượu rồi lái xe đã ăn sâu vào thói quen của nhiều người Việt Nam, nên quá trình thay đổi chỉ vài năm thì chưa đủ để tạo chuyển biến sâu sắc trong người dân. Để đảm bảo kỷ cương giao thông, thì không gì khác là lực lượng chức năng phải liên tục tuần tra kiểm soát. Nếu công tác này làm thường xuyên thì mới có thể đưa tình trạng về như trước đây”.

“Cơ hội vàng” để thoát khỏi vòng xoáy rượu bia

 

Sau nhiều năm bàn bạc và tranh luận, các nhà lập pháp Việt Nam đã khẳng định, uống ít hay uống nhiều rượu bia thì đều tác động xấu đến sức khỏe con người. 
Luật phòng chống tác hại của rượu bia đã quy định rõ: nghiêm cấm đối với hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong

máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn. Đi kèm với đó là Nghị định 100 phạt rất nặng các mức vi phạm.

Việc liên tiếp ban hành các văn bản pháp luật nhằm giảm thiểu tác hại của rượu bia xuất phát từ những con số thực tiễn báo động.  Ước tính trung bình mỗi người Việt Nam trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn so với người Trung Quốc và cao gấp 4 lần so với người Singapore. Có tới hơn 40% nam giới Việt Nam uống rượu bia ở mức nguy hại. Chi phí giải quyết hậu quả của TNGT liên quan rượu bia chiếm khoảng 1% GDP nước ta.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã thay đổi gần như mọi thói quen giao tiếp, sinh hoạt và làm việc của người dân, bao gồm cả những thói quen cố hữu như la cà quán xá, “chén chú chén anh”, giải quyết công việc trên bàn nhậu.

Ngoại trừ những người lạm dụng đến mức nghiện rượu bia cần được can thiệp về mặt y tế, rất nhiều người bị tác động tiêu cực bởi thứ văn hóa “giao tiếp bằng rượu bia” đã thực sự có một “cơ hội vàng” để thoát khỏi vòng xoáy độc hại đó.

Không phải ngẫu nhiên nhiều người thường xuyên “méo mặt” khi đưa ra những lời mời, hoặc nhận được những lời mời đi nhậu. Có người sử dụng các thực phẩm hỗ trợ, thuốc chống say, hoặc các bài thuốc thảo mộc để dự phòng cho những bất trắc về sức khỏe trước, sau những lần liên hoan. 

Nhưng đa số đều tặc lưỡi tham dự vì suy nghĩ lối mòn: “có ai muốn uống đâu, nhưng không uống thì sao mở rộng được quan hệ, thông được việc!?”. Có những suy nghĩ tiêu cực hơn khi cho rằng, cần đánh đổi giữa những lựa chọn công việc và sức khỏe.

Giờ đây, dịch bệnh biến những lời khước từ trở nên tự nhiên, thoải mái hơn. Nó cũng chỉ rõ cho nhiều người thấy, giải quyết công việc qua văn bản trực tuyến, các cuộc họp video, với phương thức tối giản, đề cao tính khoa học, thuyết phục trong trình bày, tranh luận vẫn đem lại hiệu quả cao, đâu nhất thiết phải thông qua đánh giá, cảm nhận trực tiếp hoặc những tác động “phi chuyên môn” trên bàn rượu.

Dịch bệnh cũng lập một rào cản vô hình ngay trước cửa quán nhậu, đưa những người thích bù khú trở về nhà nhanh hơn trên quãng đường rời nhiệm sở, giúp họ nhận ra rằng, việc cân bằng giữa công việc với gia đình thực tế chẳng liên quan gì tới việc hy sinh sức khỏe để lao vào những cuộc nhậu, cốt giữ lấy các mối quan hệ. 

Suy cho cùng, người quý trọng bạn vẫn sẽ quý trọng bạn, họ đâu thay đổi góc nhìn chỉ vì bạn có hay không tham gia một cuộc nhậu.

Nhìn rộng ra, cuộc chiến ngăn chặn ma men sau tay lái, vì thế, còn là một mặt trận khác cam go hơn, khó khăn hơn, là đẩy lùi một xảo ngữ dưới lốt “văn hóa” – thói quen giao tiếp bằng rượu bia.