Phòng, chống "giặc lửa": Đừng mang tính hình thức

Từ quan sát thực tế hoạt động của đoàn kiểm tra tại 1 chung cư với hơn 1000 căn hộ ở thành phố Thủ Đức (TP.HCM), nhiều người dân tại chung cư này đã khẳng định việc kiểm tra rà soát này chỉ mang tính hình thức.

Vài ngày trước, tôi được dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc do người đứng đầu Chính phủ chủ trì để đánh gía kết quả 10 tháng thực hiện việc tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới.

Cuộc họp được kết nối trực tiếp đến gần như toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương với hơn 700 điểm cầu khắp cả nước.

Tuy nhiên, như nhận định của Thủ tướng, một số Bộ ngành địa phương vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức cho công tác pccc khi người đứng đầu đơn vị vắng mặt.

Ảnh nh họa

Sau vụ cháy chung cư ni khiến 56 người chết tại Hà Nội tháng 9 vừa qua, toàn bộ các cơ quan chức năng tại TP.HCM được yêu cầu ra quân tổng kiểm tra, rà soát pccc đối với tất cả các chung cư, toà nhà, nhà trọ cho thuê…

Song, từ quan sát thực tế hoạt động của đoàn kiểm tra tại 1 chung cư với hơn 1.000 căn hộ ở thành phố Thủ Đức (TP.HCM), nhiều người dân tại chung cư này đã khẳng định việc kiểm tra rà soát này chỉ mang tính hình thức, thời điểm chứ không hẳn đã đi vào thực chất để giải quyết triệt để vấn đề.

Trái khoáy thay cũng chính tại chung cư này, chưa đầy 24h sau khi đoàn kiểm tra rời đi lại xảy ra 1 vụ cháy khu xử lý nước thải khiến hàng ngàn cư dân hoang mang, ngao ngán.

Rõ ràng, ngoài những tồn đọng khách quan như quy định pháp luật cũ kỹ chưa theo kịp thực tế; cơ sở hạ tầng hạn chế; nguồn lực đầu tư pccc chưa nhiều; người dân, doanh nghiệp chưa mặn mà…thì nguyên nhân chủ quan xuất phát từ nhận thức, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cấp uỷ, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu và đội ngũ cán bộ thực thi công tác pccc không khác gì “thêm dầu vào lửa”.

Dù đã có 1 số tín hiệu tích cực khi các quy định, quy chuẩn đã và đang được điều chỉnh, doanh nghiệp/chủ cơ sở đầu tư nhiều hơn cho các trang thiết bị pccc hay người dân đã bắt đầu tìm hiểu các kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy…tuy nhiên, từng đó vẫn là chưa đủ khi tư duy “hình thức, thời điểm” trong ứng phó với giặc lửa vẫn còn tồn tại.

Cần phải có sự thay đổi triệt để trong công tác đảm bảo an toàn pccc, đảm bảo tính đồng nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và hiện thực hoá bằng hành động, việc làm cụ thể.

Sau tất cả những mất mát, đau thương, điều mà cả xã hội cần không phải là những chuyến thăm viếng, những đoàn kiểm tra mà là những buổi tuyên truyền phổ biến kiến thức PCCC với nội dung thực tế, hấp dẫn hay những biện pháp hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn trong xây dựng, thiết kế PCCC để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động nhưng vẫn đảm bảo an toàn trước bà hoả.