Phát triển tuyến buýt cự ly ngắn kết nối các tỉnh lân cận (Bài 4): Loại hình nào tối ưu?

VOVGT - Việc kết nối giao thông giữa đô thị lớn và các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành lân cận nên được tổ chức thế nào cho hợp lý, tránh chồng chéo?

Nghe nội dung chi tiết:

 

Như các bài viết trước đã đề cập, các tuyến buýt kế cận hiện hữu đang phát huy hiệu quả đáng kể trong việc đáp ứng nhu cầu giảm sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông.

Tuy vậy, việc kết nối giao thông giữa đô thị lớn và các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành lân cận nên được tổ chức thế nào cho hợp lý, tránh chồng chéo?

>>> Phát triển tuyến buýt cự ly ngắn kết nối các tỉnh lân cận (Bài 1): Ưu thế gì so với vận tải khách tuyến cố định?

Việc kết nối giao thông giữa đô thị lớn và các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành lân cận nên tổ chức hợp lý, tránh chồng chéo. Ảnh: Báo Giao thông

Phân tích hiệu quả đạt được của những tuyến buýt kế cận hiện có, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân giữa đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, thì việc tổ chức các tuyến buýt kết nối mang lại hiệu quả cao hơn:

 

"Giữa trung tâm 2 tỉnh thì tuyến buýt tốt hơn vì nó rất tiện cho khách hàng, cho hành khách. Buýt chắc chắn là biết giờ nào. Còn tuyến Hà Nội – Hải Phòng thì tuyến cố định rất tốt. Nhưng để làm được cái đó, muốn làm tốt thì phải làm sao để chỉ một đơn vị điều hành".

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng quản lý vận tải, Sở GTVT Tp.HCM cũng cho rằng, với những chặng đường ngắn, kết nối trung tâm 2 tỉnh, thành phố liền kề thì việc phát triển hệ thống xe buýt cũng là hướng cần tính tới và bổ sung thành quy định pháp luật rõ ràng:

 

"Chúng ta không thể nói hình thức nào hiệu quả hơn, mà có thể nói phục vụ cho nhu cầu hành khách như thế nào. Có những hành khách họ có nhu cầu đi những chặng ngắn thì xe buýt có lợi thế, có những hành khách muốn đi chặng dài và không dừng đỗ thì xe liên tỉnh có lợi thế".

>>> Phát triển tuyến buýt cự ly ngắn kết nối các tỉnh lân cận (Bài 2): Quản lý, vận hành theo cơ chế nào?

>>> Phát triển tuyến buýt cự ly ngắn kết nối các tỉnh lân cận (Bài 3): Thấy gì từ những tuyến hiện có?

Ở góc độ khác, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách Liên tỉnh du lịch Tp. Hồ Chí Minh cho biết, mạng lưới vận tải công cộng tại Tp. HCM luôn có tính kết nối giữa thành phố đô thị với các tỉnh, thành phố lân cận. Do vậy, việc thí điểm loại hình vận tải hành khách đi thẳng từ sân bay đến các địa phương khác cũng là một phương thức mới, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân.

Tuy vậy, ông Tính cũng cho rằng, loại hình vận tải hành khách tối ưu thì phải thỏa mãn nhu cầu riêng biệt của hành khách, đặc biệt là những nhu cầu mới phát sinh, không nên vì luật lệ chưa có mà bác bỏ hay không khuyến khích loại hình mới như Uber, Grab hay đi chung.

 

"Tóm lại một mạng lưới vận tải tối ưu phục vụ cho nhân dân là một mạng lưới phải kết nối được tất cả các phương thức vận tải biển, sông, sắt, bộ và đặc biệt phải lưu tâm kết nối những loại hình vận tải mới trong nền kinh tế chia sẻ".

Dưới góc độ chuyên gia, TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho rằng, việc các địa phương đề xuất mở các tuyến buýt ngắn kết nối giữa các trung tâm đô thị lớn với các đô thị vệ tinh là hoàn toàn hợp lý nếu tuyến đó về mặt tốc độ không quá cao.

Theo ông Minh, hành khách ngồi trên xe buýt không cần dây bảo hiểm, đứng mà vẫn an toàn thì vẫn có thể vận hành. Dẫn chứng kinh nghiệm thế giới, ông Minh cho rằng, trên thế giới vẫn có những trục chính từ trung tâm đô thị lớn sang các đô thị vệ tinh ở tốc độ đường 60 hoặc 70km. Vấn đề quan trọng nhất là phải rà soát những tuyến tốc độ cho phép xe buýt vận hành, trong trường hợp hành khách đứng và ngồi vẫn an toàn, tránh tình huống khi xe di chuyển tốc độ cao mà phanh gấp sẽ gây nguy hiểm cho hành khách. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao chúng ta khảo sát để cho loại hình xe buýt vận hành an toàn trên tuyến đó thì hoàn toàn có thể cho phép.

 

"Tôi cho rằng với những tuyến ở cự ly xa, dài hơn 100km, trên những tuyến đường có tốc độ cao thì dùng vận tải liên tỉnh nhưng vận hành, quản lý như xe buýt là mô hình hợp lý nhất. Còn với những tuyến từ những trung tâm đô thị lớn ra những đô thị mang tính vệ tinh thì dùng xe buýt là hợp lý nhất bởi vì chúng ta phải kết nối với rất nhiều nhu cầu đi lại từ khu vực đô thị lớn ra các đô thị vệ tinh".

Đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia cũng lưu ý, khi vận hành những tuyến buýt kế cận giữa tỉnh, thành này với tỉnh khác, cần hoàn thiện hệ thống điểm dừng chờ, không gian tiếp cận từ khu vực dân cư đến những điểm dừng chờ xe buýt cho an toàn, thuận tiện thì tính thu hút của xe buýt chắc chắn sẽ nâng cao.