Phát triển TP.HCM: Cần một cơ chế phối hợp làm đòn bẩy

Tình hình kinh tế -xã hội của TP.HCM ghi nhận được nhiều tín hiệu phục hồi khả quan, đóng góp tích cực cho nền kinh tế cả nước. Thế nhưng, để tăng tốc và phát triển kinh tế một cách bền vững, TP.HCM cần các cơ chế và chiến lược riêng để từng bước tháo gỡ nhiều điểm nghẽn cho nền kinh tế bứt phá.

TP.HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Do đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế cũng được yêu cầu phải xứng tầm là “nhạc trưởng” của kinh tế vùng và khu vực.

Nhất là sau thời gian kinh tế TP.HCM bị “ngủ đông” vì đại dịch Covid-19, đến nay tình hình dịch bệnh đã dần được kiểm soát, đã đến lúc TP.HCM tăng tốc phục hồi và phát triển trở lại. Mặc dù động lực phát triển đang bắt đà tăng mạnh, thế nhưng nguồn lực phát triển đang nghẽn từ nhiều phía.

Thực tế, TP.HCM mới chỉ dừng lại ở những chủ trương, chính sách, chương trình hành động. Bằng chứng là chính sách đặc thù Nghị quyết 54 chưa kịp phát huy hiệu quả như mong đợi thì đã về đích. Đáng chú ý, nợ công của thành phố khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng trong một vài năm trở lại đây.

Không chỉ thiếu hiệu quả trong công tác điều hành, hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ. Nhất là các quy trình thủ tục vướng hoặc “vòng vo” qua nhiều Bộ ngành, gây tồn đọng trong thời gian dài. Đây chính là điểm nghẽn khiến thành phố vướng mắc trong khâu huy động vốn để triển khai hàng loạt chương trình, dự án đầu tư công trọng điểm cấp thiết.

Chưa kể, với một thành phố đông dân nhất cả nước thì công việc của cán bộ rất nặng, trách nhiệm rất cao nhưng mức lương lẫn số lượng nhân sự vẫn chưa đáp ứng được. Những nghịch lý này đáng phải suy nghẫm.

Những chỉ đạo vừa qua của Thủ tướng Chính phủ giúp thành phố sớm nhìn nhận, đánh giá đúng lại tình hình thực tế, đưa ra định hướng cho các năm tới cần làm gì, cũng như có lộ trình cụ thể hơn và mạnh dạn báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành tháo gỡ kịp thời.

Chính quyền thành phố nên sớm nghiên cứu, tham mưu Trung ương một cơ chế vượt trội thay thế Nghị quyết 54, phù hợp với đặc thù của mình, nhằm chủ động hơn trong các lĩnh vực như đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm; các ngân sách tài chính, tổ chức bộ máy làm việc.

Riêng khâu tổ chức bộ máy, thành phố cũng cần chú trọng cơ chế đặc thù để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý.

Phía các Bộ, ngành cũng phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với thành phố. Việc thành lập tổ công tác như chỉ đạo của Thủ tướng cũng là điều kiện cần để các vướng mắc sớm được tháo gỡ, quy trình thủ tục cũng được giải quyết nhanh chóng hơn. Nhất là Chính phủ sớm hoàn thiện các hệ thống pháp luật về đầu tư, ngân sách, nhằm tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố, tránh “ách tắc” nhiều phía như thời gian qua.

Qua đó, giúp TP.HCM phát triển một hạ tầng tương xướng với tiềm năng và lợi thế. Bởi TP.HCM phát triển mạnh không chỉ có lợi cho thành phố mà còn đóng góp cho cả vùng và là đầu tàu của cả nước.