Phân loại rác tại nguồn: Thiếu đồng bộ, khó thành công

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra những quy định mang tính đột phá, đề ra lộ trình cụ thể mang tới nhiều hơn những kỳ vọng. Nhưng để hoàn thành mục tiêu phân loại rác tại nguồn từ năm 2025, “Thiếu đồng bộ, khó thành công”.

Ảnh nh họa

Hơn 10 năm trước, Dự án phân loại rác thải tại nguồn (mô hình 3R) được triển khai thí điểm tại bốn quận của Hà Nội bằng nguồn tài trợ của chính phủ Nhật Bản, trong thời gian ngắn đã phải tạm dừng vì lý do vận hành “thiếu đồng bộ”.

Mô hình này là khởi đầu của rất nhiều mô hình phân loại rác thải tại nguồn sau đó với chung một kết quả là thất bại.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 ra đời được kỳ vọng giải quyết khó khăn khi ban hành những quy định thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Nhưng từ thời điểm Luật có hiệu lực, sự vận hành đồng bộ như kỳ vọng vẫn chưa xuất hiện để giải quyết bài toán phân loại rác thải. Và nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, cho dù thời gian có kéo dài thêm so với hạn định cũng rất khó đưa chính sách vào cuộc sống.

Tới đây, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ ban hành hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải rắn sinh hoạt. Đây được coi như quy chuẩn thống nhất, trở thành kim chỉ nam cho các địa phương hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn. Hầu hết các tỉnh, thành phố đang rất thận trọng trong công tác chuẩn bị: Từ lập kế hoạch, xây dựng đề án và hướng dẫn cụ thể để chờ đợi quy chuẩn từ Bộ. Muốn chu trình này vận hành, hướng dẫn kỹ thuật không thể ban hành chậm trễ hơn.

Rác thải được hướng dẫn phân loại trực tiếp trong quá trình thu gom ở Tuyên Quang. Ảnh: Nam Sương/TTXVN

Theo quy định, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được thực hiện muộn nhất tới ngày 31/12/2024. Điều kiện cần là một quy chuẩn vận hành, còn điều kiện đủ là quy trình phân loại – thu gom -  xử lý rác thải cũng phải được thực hiện đồng bộ. Có như vậy rác thải mới đi đúng vòng tuần hoàn mang lại lợi ích.

Ở giai đoạn phân loại, Nhà nước không còn bao cấp mà người dân phải tự chi trả tiền xử lý rác thải. Kinh nghiệm có thể học tập từ mô hình thành công của thành phố Hino thuộc Tokyo, Nhật Bản. Nơi này đã chuyển đổi từ hệ thống thu gom bằng thùng cố định sang thu gom bằng túi trong giờ quy định, kết hợp thu phí vệ sinh trong giá bán túi đựng rác.

Các loại túi có kích cỡ và dành cho từng loại rác có giá tiền khác nhau. Đó là cơ chế khuyến khích người dân thực hiện giảm thiểu lượng rác phát sinh và phân loại rác tại nguồn để tiết kiệm tiền cho chính mình. Lợi ích trực tiếp sẽ khiến thay đổi hành vi.  

Khi rác đã được phân loại, đơn vị thu gom cũng phải đồng bộ về con người, kỹ thuật, năng lực quản lý, xử lý; vừa phải cân đối chi phí lãi lỗ, vừa phải thực hiện theo đúng quy định. Muốn như vậy, cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư các dự án liên quan chất thải rắn sinh hoạt cần cụ thể và kịp thời trong bối cảnh việc thu gom và xử lý rác như nguồn tài nguyên đặc biệt khó chưa thu hút được các nhà đầu tư tư nhân.

Thời gian chỉ còn hơn một năm để triển khai rất nhiều công việc. Và đúng như các chuyên gia nhận định, thành hay bại phụ thuộc vào một kế hoạch tốt theo nguyên tắc “nói đi đôi với làm”. Dù vậy, qua kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, phải mất vài năm cho tới cả chục năm cho quá trình này.

Sự chuẩn bị chu đáo, vận hành đồng bộ mới là lời giải đúng cho bài toán phân loại rác thải tại nguồn loay hoay nhiều năm qua./.