Phải kê khai giá dịch vụ cứu hộ, cứu nạn, kéo phương tiện vi phạm

VOVGT - Việc kê khai giá là cần thiết để tránh tình trạng loạn giá xe cứu hộ, giúp bảo vệ người tiêu dùng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

UBND TP. Hà Nội vừa chấp thuận đề xuất của liên ngành GTVT và tài chính về việc quản lý giá đối với xe cứu hộ, cứu nạn, kéo xe vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn Hà Nội.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ xe cứu hộ, cứu nạn, kéo xe vi phạm trật tự an toàn giao thông phải thực hiện kê khai giá cước theo quy định.

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ xe cứu hộ, cứu nạn, kéo xe vi phạm trật tự an toàn giao thông phải thực hiện kê khai giá cước theo quy định.

Theo Sở GTVT Hà Nội, một trong 2 đơn vị đề xuất việc kê khai giá đối với dịch vụ cứu hộ, cứu nạn, kéo phương tiện vi phạm, hiện trên địa bàn Hà Nội có 28 xe cứu hộ kéo xe vi phạm được trang bị cho lực lượng CSGT và thanh tra giao thông.

Tuy vậy, không phải thời điểm nào lực lượng chức năng cũng có thể ứng trực trên toàn địa bàn nên phát sinh nhu cầu cẩu, kéo phương tiện vi phạm.

Thống kê cũng cho thấy, hiện toàn thành phố có khoảng 30 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xe cứu hộ, cứu nạn, kéo xe vi phạm.

Tuy nhiên, mức giá mà người dân phải trả trong nhiều trường hợp có sự chênh lệch rất lớn, gây thiệt thòi cho người dân. Thậm chí, mạng xã hội đã từng ghi nhận, có trường hợp chủ phương tiện tại Hà Nội phải trả đến 18 triệu đồng cho một lần bị cẩu kéo phương tiện vi phạm.

Từ thực tế này, việc kê khai giá đối với dịch vụ xe cứu hộ, cứu nạn, kéo phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người dân.

Về điều này, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng Kế hoạch, Sở GTVT Hà Nội cho biết:

 

"Người tiêu dùng lúc đó họ có các thông tin về các doanh nghiệp và các lực lượng xử lý thì khi đó đã có các thông tin tham khảo của các đơn vị để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng là có thể cân nhắc khi chọn dịch vụ về giá khi chọn dịch vụ này. Tôi nghĩ đó là mục tiêu khi Sở GTVT và Sở Tài chính trình UBND Thành phố ban hành danh mục kê khai giá bổ sung".

Theo Sở GTVT Hà Nội, sau ngày 1/3/2019, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ xe cứu hộ, cứu nạn, kéo xe vi phạm trật tự an toàn giao thông không thực hiện kê khai giá cước, Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp Sở Tài chính kiểm tra và xử lý vi phạm.

Là một trong những người từng bị cẩu phương tiện khi dừng đỗ sai nơi quy định, anh Nguyễn Quang Nam, ở Tây Hồ, Hà Nội tỏ ra phấn khởi khi giá dịch vụ này được đưa vào quản lý. Anh Nam chia sẻ, hiện mức giá do các đơn vị đưa ra rất khác nhau, trong khi giá cẩu xe của lực lượng chức năng chỉ từ 250-300 nghìn đồng thì của các doanh nghiệp từ 900 nghìn đến 1,5 triệu đồng.

Với quy định hiện nay, người dân khi cẩu kéo phương tiện không phải chịu giá “trên trời” do doanh nghiệp tự đưa ra.

 

"Như thế nó sẽ nh bạch được các dịch vụ cũng như các chi phí của các doanh nghiệp ấy để những người đi xe ô tô người ta chủ động trong việc sử dụng các dịch vụ này để đảm bảo cho cái xe của người ta được an toàn".

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Xuân Duyên, giám đốc Trung tâm cứu hộ 116 Hà Nội cho biết, đơn vị chủ yếu thực hiện dịch vụ cứu hộ, cứu nạn khi không may phương tiện gặp sự cố. Cũng có trường hợp đơn vị thực hiện cẩu kéo phương tiện vi phạm theo đề xuất của lực lượng chức năng, song Trung tâm đều công bố mức giá trước để người dân lựa chọn.

 

"Một là trước khi làm ông phải công bố về mặt chi phí khi phương tiện ấy vi phạm chẳng hạn cần phải cẩu léo từ đâu về đâu là bao tiền để người ta thấy được để người ta thấy được chi phí, thấy được trách nhiệm để từ đấy người ta chấp hành. Thứ 2, ở mỗi đơn vị khi cần đến dịch vụ công thì cũng phải có một vài số điện thoại của các đơn vị uy tín để tham khảo, để lựa chọn".

Từ việc thực hiện kê khai giá dịch vụ cứu hộ, cứu nạn, kéo phương tiện vi phạm của cơ quan chức năng, các ý kiến cũng cho rằng, điều này là cần thiết để tránh tình trạng loạn giá xe cứu hộ, giúp bảo vệ người tiêu dùng.

Tin xa lộ:

 

Tỷ lệ đô thị hóa năm 2019 sẽ đạt 40%

# Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, tỷ lệ đô thị hóa trên cả nước vào năm 2018 đạt 38% tăng 0,9% so với năm 2017. Theo ông Chính, thời gian tới, tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra nhanh. Trong năm 2019 và đến đầu năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam dự báo sẽ đạt khoảng 40%. Dự kiến 20 năm nữa, sẽ có khoảng 50% dân số Việt Nam sinh sống tại các đô thị.

# Ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, dự kiến tháng 7 tới đơn vị sẽ đưa robot đào hầm về nước và theo kế hoạch cuối năm 2019 có thể bắt đầu đào hầm dự án metro Nhổn-ga Hà Nội. Theo báo cáo của Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, công nghệ thi công đào ngầm tuyến Nhổn - Ga Hà Nội là của Italia và đang được áp dụng cho tuyến metro 1B (Bến Thành-Suối Tiên) ở TP Hồ Chí Minh. Các máy sẽ khoan ở độ sâu 21-22m. Dự kiến, với địa chất nền đất cát, đất bùn ở Hà Nội, việc thi công hầm sẽ thuận lợi, mỗi ngày máy đào thi công được khoảng 10m.

Nghe toàn bộ chương trình tại đây: