Vào một buổi sáng đầu tháng 11, người dân Paris thức dậy với việc thêm nhiều tuyến đường không có xe cộ hơn, khi lệnh cấm phương tiện tại bốn quận trung tâm Paris chính thức có hiệu lực từ ngày 4/11.
Khoảng 40 biển báo đã được lắp trong đêm, đánh dấu lối vào khu vực hạn chế giao thông mới được triển khai bởi hội đồng thành phố.
Chỉ một số loại phương tiện được phép lưu thông vào các quận 1, 2, 3 và 4, bao gồm xe cứu thương, xe buýt, taxi, phương tiện dành cho người khuyết tật và các phương tiện của cư dân hoặc những người làm việc trong khu vực.
Ông Ariel Weil, Thị trưởng khu trung tâm Paris cho biết: “Chúng tôi không muốn trung tâm Paris trở thành con đường tắt xuyên qua nước Pháp hay châu Âu. Đây trước hết là một nơi mà bạn chỉ nên đến khi có công việc ở đó như: làm việc, tham quan các phòng trưng bày, cửa hàng và tất nhiên là sinh sống tại đây”.
Khu vực trung tâm có diện tích 5,5 km², bao gồm Bảo tàng Louvre, Quảng trường Vendôme, Vườn Tuileries và khu phố Marais lịch sử cùng nhiều địa điểm văn hóa và khu mua sắm.
Các quan chức Paris cho biết sẽ sẽ không xử phạt trong 6 tháng đầu tiên áp dụng lệnh cấm để người dân làm quen với các quy định mới. Nhưng sau đó, sẽ bắt đầu kiểm soát và áp dụng mức phạt vi phạm lên tới 135 euro (khoảng 3,5 triệu đồng).
Để tránh bị phạt, các tài xế sẽ cần làm đơn khai báo trực tuyến, kèm bằng chứng về lý do di chuyển như hóa đơn mua vé xem kịch hoặc ăn uống tại nhà hàng. Các tài xế cũng phải mang theo thẻ cư dân để trình nếu có kiểm tra.
Ông Nicolas Nordman, Phó Thị trưởng Paris phụ trách cảnh sát thành phố, cho biết: “Chúng tôi sẽ ban hành một nghị định mới, quy định rất chi tiết cách thức kiểm tra và cấp quyền ra vào, bao gồm cách mọi người có thể lấy được các giấy tờ cần thiết để vào khu vực.”
Dự án khu vực hạn chế giao thông được công bố lần đầu tiên vào năm 2021, đã bị trì hoãn nhiều lần. Đây là một phần trong các kế hoạch của Thị trưởng Anne Hidalgo nhằm giải phóng không gian công cộng ở trung tâm thành phố bị ô tô chiếm dụng và giảm ô nhiễm, biến Paris thành một thành phố xanh hơn; ủng hộ các phương tiện giao thông ít ô nhiễm hơn, đặc biệt là xe đạp.
Tuy nhiên, nhiều người dân Paris chưa nhận thấy sự thay đổi hoặc không quan tâm đến các biện pháp mới. Một số đại diện doanh nghiệp thì lo ngại rằng việc hạn chế giao thông sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh và sinh hoạt.
“Tôi nghĩ đây là một sáng kiến giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm hiện nay. Tôi không bận tâm nhiều lắm bởi vì tôi đi bộ rất nhiều. Tôi đi xe scooter và thỉnh thoảng thì đạp xe đạp. Tôi chỉ băn khoăn về những người lớn tuổi. Tôi tin chắc lệnh cấm này sẽ gây phiền toái cho họ một chút, đặc biệt là khi phương tiện công cộng không quá dễ dàng để tiếp cận. Xe buýt đi rất chậm. Nếu bạn đã già, việc lên xe buýt một cách nhanh chóng không thực sự thoải mái và thuận lợi. Vì vậy chỉ có điều này khiến tôi băn khoăn về lệnh cấm này”.
"Rõ ràng, tôi cảm thấy lo ngại về biện pháp này vì tôi đi qua trung tâm Paris mỗi ngày. Cá nhân tôi hoàn toàn không hiểu nó sẽ được áp dụng như thế nào và tôi sẽ bị ảnh hưởng ra sao. Tôi không phải lúc nào cũng đến trung tâm Paris bằng xe hai bánh, nhưng tôi thường xuyên đi ngang qua đó. Vì vậy, tôi thực sự khá hoài nghi về cách biện pháp này sẽ được thực hiện và những tác động mà nó sẽ mang lại."
“Tôi thấy điều này hơi vô lý vì họ đang ngăn cản mọi người làm việc và đến Paris. Biện pháp này chỉ áp dụng với việc đi qua, nên mọi người không thể băng qua Paris, nhưng vẫn được phép đến để mua sắm, đỗ xe rồi rời đi, chứ không thể đi qua tất cả các quận. Tôi nghĩ điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp, vì vậy tôi không thực sự ủng hộ.”
“Với cá nhân tôi, biện pháp này không ảnh hưởng quá nhiều, nhưng cư dân ở những quận này sẽ thực sự bị cản trở bởi điều này. Thật sự phiền phức khi chúng ta bị kiểm tra mỗi lần muốn vào một số nơi nhất định."
Trong khi đó, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường lại hoan nghênh quyết định này và cho rằng đây là bước đi đúng hướng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Mai Vy, một sinh viên nước ngoài, cho biết: “Tôi nghĩ lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng đến chúng tôi có lẽ theo hướng tích cực bởi vì như vậy sẽ không có nhiều ô tô trên đường phố. Vì vậy tôi cảm thấy an toàn hơn khi đi bộ trên đường. Thỉnh thoảng tôi cũng đi xe đạp và điều này khiến tôi cũng thấy an toàn hơn vì như bạn biết đây, ít ô tô trên phố hơn mà”.
Còn tại Việt Nam, thủ đô Hà Nội đang triển khai một loạt các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe máy, để giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm không khí.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ tiến tới dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030. Thành phố đã xác định năm khu vực chính cần hạn chế xe máy.
Hà Nội cũng đang hoàn thiện đề án thu phí vào nội đô nhằm kiểm soát lượng xe cá nhân ra vào khu vực trung tâm. Mức phí dự kiến từ 50.000 đến 100.000 đồng cho mỗi lượt xe ô tô vào khu vực này.
Theo các chuyên gia, để hỗ trợ cho việc hạn chế phương tiện cá nhân, Hà Nội cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông công cộng, bao gồm việc hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị và nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt.
Trong khi đó, TPHCM đang triển khai song song 2 đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030, phấn đấu đến năm 2030 giao thông công cộng đáp ứng hơn 30% nhu cầu đi lại của người dân. Trên cơ sở đó, TPHCM sẽ từng bước hạn chế, khoanh vùng một số khu vực để hạn chế xe cá nhân, nhất là xe hai bánh.
Về lâu dài, TPHCM sẽ mở rộng khu vực thu phí kẹt xe đến vành đai đường sắt đô thị trong khi hệ thống metro khu vực trung tâm đưa vào sử dụng.