Ông Sớc Sơn là ai?

Cậu con trai tôi chạy ra hỏi: Bố ơi, ông Sớc Sơn là ai ạ? Ngớ người mấy chục giây, rồi lục tìm trong trí nhớ xem đó là nhân vật nào mà cuối cùng đành chịu vì không thể biết ông Sớc Sơn là ông nào, ở trên phim ảnh hay là… ông hàng xóm, để giải đáp thắc mắc cho con.

Tôi hỏi lại, thế con đọc hay xem ở đâu mà có tên nhân vật đấy? - Trong sách Lịch sử ôn thi cấp 3 của con bố ạ!

Vớ vẩn, lịch sử làm gì có ông nào tên là Sớc Sơn? Con lại tự nghĩ ra đấy à?

Không, thật mà, con vừa đọc xong, con còn tìm trên mạng cũng chẳng có ông đấy nên mới hỏi bố - cậu con ấm ức cãi lại bố.

Lật đật chạy vào lấy quyển sách sử của con ra xem thì hóa ra cái ông Sớc Sơn đó chính là ông Thủ tướng nổi tiếng của nước Anh - Winston Churchill - tuy nhiên, sách phiên âm theo cách đọc tiếng Việt, và một vị nào đó phụ trách việc soạn sách giáo khoa đã chọn cách phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài thành ra như vậy.

Kiểm tra toàn bộ sách giáo khoa của con, tôi nhận thấy người làm sách cũng đều chọn cách phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài theo kiểu… Việt hóa như vậy và không có sách nào “mở ngoặc” viết thêm tên nguyên gốc bên cạnh phần phiên âm kia.

Thậm chí mỗi sách lại phiên âm theo một kiểu dẫn tới đọc tên khác hẳn nhau. Có sách thì phiên âm là ông Sớc-sin, có sách lại là Chớc-chin?...

Mỗi sách phiên âm một kiểu, dẫn tới việc đọc cũng khác nhau khiến học sinh bối rối

Còn nhớ cách đây gần 30 năm, khi còn học đại học, chúng tôi đã có những bài tiểu luận rất thú vị về đề tài này. Nội dung chủ yếu vẫn là xoay quanh tranh luận về việc nên phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài hay để nguyên gốc?

Thời điểm đó, các thầy giáo của chúng tôi - những giáo sư, tiến sĩ ngôn ngữ học đầu ngành, hầu hết đều cho rằng nên giữ nguyên tên riêng tiếng nước ngoài.

Bởi ngoài việc tôn trọng nhân vật, địa danh, văn hóa, tôn giáo, các quốc gia trên thế giới… còn một lý do quan trọng nữa là phục vụ cho việc tìm kiếm, nghiên cứu những tài liệu nước ngoài liên quan đến những nhân vật này.

Hơn nữa, cho đến ngày nay, trình độ dân trí đã khác xa so với nhiều chục năm về trước, hầu hết học sinh, sinh viên, thậm chí người lớn tuổi đã được tiếp cận, được học ngoại ngữ và việc phát âm tên nước ngoài không phải là điều quá khó khăn. 

Tất nhiên, vào thời điểm đó và cho đến tận bây giờ, quan điểm giữ nguyên hay phiên âm tên riêng nước ngoài vẫn còn tranh cãi…

Trở lại vấn để sách giáo khoa hiện nay. Khi ngoại ngữ là một môn học bắt buộc trong nhà trường, và thậm chí lên bậc Trung học phổ thông, việc một học sinh sở hữu tấm chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ Giáo dục có thể được xét tuyển thẳng đại học, hoặc cộng điểm ưu tiên. Thì lạ thay, ngành giáo dục vẫn giữ cách phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài theo cách đọc tiếng Việt trong sách giáo khoa.

Cách đọc thậm chí là không chuẩn, khiến học sinh và phụ huynh khi học, đọc đến nhân vật đó, chẳng thể biết nổi đó là ai? Là nhân vật quan trọng nào trong lịch sử?

Mỗi năm, ngành giáo dục lại họp hết cuộc nọ đến cuộc kia, đưa ra đủ đề án cải cách giáo dục, cải tiến sách giáo khoa.

Nhưng có lẽ, đã đến lúc ngành giáo dục cần phải suy nghĩ nghiêm túc về việc trả lại cho đúng tên những nhân vật lịch sử kia cho học sinh được biết chính xác họ là ai?