Những “người sẽ lớn”

Một số ý kiến cho rằng, những dự án đường bộ chỉ có 2 làn xe, không có dải phân cách giữa, không có làn dừng khẩn cấp vẫn có thể được thông xe, được thu phí, nhưng không nên coi những dự án đó là cao tốc và càng không nên ứng xử như cao tốc.

Ảnh: VOV

Pháp luật Việt Nam và các nước, dù quy định hơi khác nhau một chút về độ tuổi trẻ em, nhưng chung quy đều lấy một mốc tuổi để phân biệt: hoặc trẻ em, hoặc không còn là trẻ em.

Và giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người trưởng thành, có quy định rõ về số năm, về các quyền và nghĩa vụ, làm căn cứ ứng xử cho các bên liên quan.

Không có nơi nào gọi tên nhóm dưới tuổi trưởng thành là "người sẽ lớn”.

Việc định danh nhóm tuổi với các đặc điểm về sinh học và năng lực hành vi rất quan trọng. Bởi nếu gọi sai tên nó, ứng xử của những chủ thể liên quan có thể sẽ lệch hoàn toàn khỏi chuẩn mực pháp luật và dẫn đến vô số hậu quả tai hại.

Câu chuyện với những con đường đang là giai đoạn “vị thành niên” của cao tốc cũng có phần tương tự. Về bản chất, ai cũng hiểu rằng con đường đó, nếu không có gì thay đổi, rồi sẽ thành cao tốc khi được nâng cấp cho đạt chuẩn.

Nhưng điểm khác biệt căn bản ở đây dù những người “bảo hộ pháp luật” đã ngầm coi đoạn đường là “vị thành niên”, tổ chức giao thông cho nó với giới hạn tốc độ như với đường chưa là cao tốc, nhưng cái tên mà họ đưa ra cho mọi người, lại là “thành niên”, tức là đương nhiên “cao tốc”, dẫn đến những ảo tưởng, những hiểu lầm cho lái xe, và cả những không hài lòng về các trách nhiệm tài chính liên quan.

Thật lạ lùng, một vị thành niên được/hay bị gọi là thành niên, chỉ vì đứng kế tiếp một người trường thành, trong cùng bối cảnh.

Thật bất ngờ, khi người tham gia giao thông gặp một tuyến đường mới biết đó chưa phải “thành niên cao tốc”, vì tên được công khai là cao tốc đàng hoàng.

Và cũng thật băn khoăn, khi đoạn đường được lên kế hoạch rồi sẽ thành cao tốc kia, thời gian chuẩn bị, có thể là rất nhiều năm, phụ thuộc vào đủ các biến số về tài chính, đầu tư, giải phóng mặt bằng, nhưng người ta vẫn mạnh dạn tạm ứng một cái tên oách hơn, khác xa bản chất hiện tại của nó.

Không phải mọi vị thành niên rồi sẽ trưởng thành. Có những biến cố khiến quá trình trưởng thành dừng lại hoặc thậm chí thụt lùi. Và thực tế, sự tạm ứng này cho đoạn tuyến Yên Bái - Lào Cai, bao lâu nay đã chứng nh điều đó.

Kéo theo là sự bất ngờ và bi động kéo dài ở người tham gia giao thông, là những hậu quả về tai nạn giao thông, về niềm tin xã hội vào sự nh bạch và cam kết hành động.

Việc đồng nhất tên con đường theo tên dự án đã là cách lạ lùng, vì đây là 2 đối tượng căn bản khác nhau. Nhưng đem tên của cả một dự án nhiều kỳ ở trạng thái hoàn chỉnh để gọi một đoạn đường ở giai đoạn sơ kỳ, lại càng lạ hơn. Lý do dù là sự dễ dãi cẩu thả, hay để làm đẹp những con số thống kê, đều không thể chấp nhận. Không một logic nào lý giải thuyết phục điều đó.

Điều đáng nói hơn, là sự vô lý về định danh này dù đã tồn tại cả chục năm nay, không những không được sửa chữa khắc phục, lại có dấu hiệu tiếp tục nhân rộng, dưới những áp lực tạo đột phá về hạ tầng giao thông.

Đột phá hạ tầng nếu muốn trở thành động lực cho phát triển, thì không thể nào chỉ là sự tăng lên dễ dãi của các con số thống kê chiều dài và số tuyến. Không thể mặc nhiên chấp nhận hoặc tiếp nối một nhầm lẫn nhiệm kỳ, dù biết nó thực sự không tốt cho hiện tại và cả tương lai.

Đã đến lúc, bên cạnh sự quyết liệt chỉ đạo các dự án phát triển mới cao tốc, cũng cần có yêu cầu về việc nhìn lại sự vội vàng hoặc lạc quan quá sớm trong phát triển cao tốc vừa qua, để sòng phẳng với các con đường ngay từ tên gọi. Vì như các nhà khoa học và người dân đã nói mãi: chỉ có “cao tốc và không phải cao tốc”, chứ không thể đem tên gọi triển vọng tương lai để gán cho chất lượng hiện tai.

Vì nó còn hài hước hơn việc gọi một thiếu niên hay vị thành niên là “người sẽ lớn”.