Những người 'giữ lửa' nghề lụa Vạn Phúc

The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng/ Lụa Vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên"...

Từng một thời, không chỉ người dân làng lụa Vạn Phúc mà cả những người mê lụa truyền thống nghĩ rằng, lụa Vân trong ca dao xưa sẽ chỉ còn là câu chuyện qua lời kể của những bậc cao niên trong làng.

Thế nhưng, với bàn tay cần mẫn, bằng tình yêu của mình, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm (Chủ cơ sở dệt lụa Triệu Văn Mão- Làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) đã “hồi sinh” thứ lụa quý giá ấy và gìn giữ “hồn cốt” của làng lụa Vạn Phúc cho đến tận ngày nay. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm chia sẻ: “Muốn có tấm lụa tốt, điều đầu tiên là nguyên liệu phải tốt. Sau đó tới kỹ thuật dệt, làm sao để tỷ lệ giữa sợi dọc và sợi ngang cân đối. Một tấm lụa đẹp phải mềm, mịn và đặc mặt”.

Sinh ra và lớn lên ở làng lụa Vạn Phúc, tiếng thoi đưa, tiếng khung cửi kẽo kẹt đã ăn sâu vào trong tiềm thức và trở thành một phần tuổi thơ của bà. Bà Tâm may mắn được làm dâu trong một gia đình có truyền thống với nghề dệt lụa. Đặc biệt, bố chồng bà còn là một nghệ nhân nổi tiếng và rất tâm huyết với nghề, nghệ nhân Triệu Văn Mão.

Có lẽ vậy, cái duyên với lụa càng thêm thấm đẫm trong tâm hồn bà Tâm: “Vào thời điểm đất nước bắt đầu đổi mới, chuyển mình để phát huy sáng tạo, lúc bấy giờ tôi cũng nghĩ nếu bây giờ mà lụa Vân không còn nữa thì sau này rất là tiếc. Cũng chính vì đam mê, cũng như các cụ đã trao duyên mà tôi cùng gia đình đã nhờ một số cụ lớn tuổi trong làng để làm lại lụa Vân.

Rất nhiều các cụ đã cho những cái áo cũ để mình dựa vào mình làm lại. Chúng tôi lúc bấy giờ cũng hy vọng, từ những mẫu cũ như vậy mà có thể giữ lại được những cái truyền thống của làng nghề.'

Ảnh nh họa: Wiki Travel

Lụa Vân là loại lụa mỏng có hoa nổi, hoa chìm; hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn còn hoa chìm thì phải soi lên ánh sáng mới thấy được. Điều khiến lụa Vân lưu tiếng trong dân gian bởi các loại Vân lụa này rất tinh xảo. Nét hoa văn trên lụa Vân mềm mại, phóng khoáng mà dứt khoát, màu sắc biến ảo lung linh theo các góc nhìn khác nhau. 

Tìm được mẫu đã khó, việc phục dựng lại dòng lụa tiến vua quý báu này còn khó hơn gấp bội. Trong đó, nhiều mẫu lụa cổ như lụa Vân quế hồng điệp, lụa Vân mai thọ, lụa Vân lương long song phượng… bà Tâm phải mất đến cả năm trời mới khôi phục được. Vì thế, khi thành công, những thước lụa đó đã trở thành những đứa con tinh thần, là động lực thôi thúc bà tìm tòi và phát triển các sản phẩm mới:

“Ngày xưa, lụa Vân chỉ có thể may áo sơ-, áo bà ba, áo dài nhưng bây giờ, những sản phẩm của chúng tôi không những là đáp ứng được nhu cầu áo dài cho lớp trẻ, trung niên, mà còn có thể may được những bộ vest, đầm, đầm dạ hội,.. Bây giờ đời sống của nhân dân được nâng cao thì chúng tôi phải luôn luôn đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì mới giữ được làng nghề”, bà Tâm nói'.

Ảnh nh họa: Wiki Travel

Được truyền cảm hứng từ những thế hệ đi trước, không ít người trẻ tại làng lụa Vạn Phúc cũng đã tìm tòi, sáng tạo ra nhiều cách làm để phát triển nghề lụa tơ tằm, từ đó cải tiến chất lượng và nâng cao năng suất. Nguyễn Anh Sơn, một nghệ nhân trẻ ở làng Vạn Phúc luôn trăn trở, làm thế nào để phát triển nghề dệt lụa ở quê nhà.

Gia đình anh Sơn là một trong những gia đình đầu tiên ở làng Vạn Phúc vận dụng năng lượng ánh sáng mặt trời để nhuộm sợi, thay vì đốt lò hay dùng điện như trước đây. Bởi hơn ai hết, anh hiểu rằng, có cải tiến thì làng nghề truyền thống mới không bị mai một.

“Trong công cuộc thời đại 4.0 thì nhiều ngành nghề khác dễ kiếm tiền hơn, dễ làm hơn. Nghề thủ công thì lãi suất không được nhiều như những ngành nghề khác nên một số làng nghề là bỏ nghề. Nhưng tôi vẫn yêu nghề và tôi vẫn trăn trở, theo đuổi nghề”, anh Sơn tâm sự.

Với tình yêu và tâm huyết với nghề, mỗi một nghệ nhân của làng lụa Vạn Phúc lại có những suy nghĩ, cách làm khác nhau để duy trì và phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc biệt trong thời điểm kinh tế khó khăn vì dịch bệnh. Chính sự tiếp nối thế hệ, tình yêu của những người dân nơi đây với lụa Vạn Phúc là điều khiến ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc tin rằng, nghề lụa sẽ không bao giờ bị mai một.

Ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam

“Đây là nghề truyền thống mà cha ông để lại, nay chúng tôi là những người kế tiếp thì phải làm sao mà giúp đỡ nhân dân giữ được nghề truyền thống này, xứng tầm với tên của lụa Vạn Phúc.

Vậy thì, trước hết, đối với người thợ thủ công Vạn Phúc thì phải có tâm với nghề. Thứ 2 nữa là trong quá trình sản xuất, mình phải đưa niềm tin, đưa kỹ thuật, hiểu biết của mình vào từng mét lụa. Có làm như thế thì người tiêu dùng mới tin tưởng, từ đó uy tín cũng như cái tầm của lụa Vạn Phúc mới được giữ vững”, ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nói.