Những băn khoăn quanh việc cấm dịch vụ đi chung xe

VOVGT- Mặc dù có nhiều ưu điểm và tiện ích cho hành khách nhưng dịch vụ đi chung xe lại bị cấm hoạt động…

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Dịch vụ đi chung xe chính là một giải pháp giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường (Ảnh: Báo giao thông)

Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều phương thức cung cấp dịch vụ đi chung xe như các hãng taxi, công ty vận chuyển, các ứng dụng di chung xe, hay thậm chí cá nhân các chủ phương tiện cũng tự kêu gọi người đi chung xe trên mạng xã hội hay các diễn đàn có đông thành viên.

Hình thức đi chung xe khá đa dạng, từ đi về quê, đi du lịch, ra sân bay, đi làm… Người cung cấp dịch vụ sẽ đưa ra lịch trình tuyến đường xe chạy, số chỗ còn trống, mức chi phí… để người có nhu cầu liên hệ và đi cùng xe. Với các dịch vụ đi chung xe của các hãng taxi hay đơn vị vận chuyển, khách hàng có thể tiết kiệm được từ 30% đến 40% so với thuê riêng 1 chuyến taxi.

Nếu đi chung xe của các cá nhân, mức giá do hai bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, nhiều hành khách đã bày tỏ ủng hộ dịch vụ này không chỉ vì hành khách được lợi về giá cước, giảm chi phí đi lại mà thành phố cũng giảm được tình trạng ách tắc giao thông do giảm được số lượng xe phải vận hành trên đường cùng một lúc.

Từ phía Hà Nội, giải thích lý do cấm dịch vụ đi chung xe của Uber, Grab, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, dịch vụ này chưa có các biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách đi xe, bảo vệ quyền lợi của khách hàng; không phù hợp với quy định tại Thông tư số 63/2014 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; và hiện cũng chưa có quy định quản lý đối với hình thức vận tải này.

Bị 'tuýt còi' dịch vụ đi chung xe, Grab lên tiếng

Không đồng tình với quyết định này, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, dịch vụ đi chung của Uber, Grab vừa tiết kiệm vừa thân thiện môi trường, giảm ùn tắc giao thông nhẽ ra phải khuyến khích chứ không nên cấm. Theo ông Thủy, Bộ Giao thông Vận tải nên nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung quy định này thay vì phải cấm đoán.

Ông Thủy nói: “Tôi thấy dịch vụ đi chung xe chính là một giải pháp giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường cho các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội. Nhờ có sự tiện dụng và tiết kiệm chi phí của xe hợp đồng, nhiều người trong thành phố đã không còn muốn sở hữu xe riêng, hoặc nếu có thì cũng rất ít khi sử dụng trong nội thành. Đây chính xác là một lợi thế to lớn mà những người quản lý đô thị cần nhận ra và hướng tới".

 

Với số lượng phương tiện ngày càng tăng như hiện nay thì đi chung xe sẽ là một giải pháp hiệu quả

Về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm, bất cập của việc cấm hình thức đi chung xe của xe chạy hợp đồng chính là nằm ở chính sách quản lý xe chạy hợp đồng của Bộ Giao thông Vận tải tại Thông tư 63 và 46.

Theo ông Liên, nên có sự gia hạn số lượng các điểm đón trả khách của xe hợp đồng chứ không nên cấm. Nếu một hình thức vận chuyển có lợi cho người tiêu dùng thì cần phải có hành lang pháp lý để tồn tại. Còn trên thế giới, các nước phát triển đã sử dụng hình thức đi chung xe một cách phổ biến.

Ông Bùi Danh Liên nói: “Nếu một hình thức vận chuyển có lợi cho người tiêu dùng thì cần phải có hành lang pháp lý để tồn tại. Hiện nay, Hiệp hội Vận tải Hà Nội vẫn chưa có đánh giá, khảo sát về những lợi ích và bất cập của dịch vụ đi chung xe của xe hợp đồng điện tử, nhưng nếu như chính sách quản lý của Bộ GTVT không được xem xét lại thì quy định cấm dịch vụ này chỉ là "một sớm một chiều" sẽ bị phá bỏ

 

Để phân tích rõ hơn về góc độ pháp lý của quy định cấm dịch vụ đi chung xe, phóng viên kênh VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi cùng Luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Nội dung chi tiết tại đây:

 

PV: Thưa Luật sư, ông nhìn nhận thế nào về quyết định cấm dịch vụ đi chung xe đã được ban hành mới đây?

Luật sư Nguyễn Danh Huế: Hợp đồng đi chung xe là sự thỏa thuận giữa người lái xe và khách hàng. Nếu khách hàng đồng ý với hợp đồng này thì đồng nghĩa với việc họ chấp nhận có những người khách khác sử dụng chung dịch vụ. Điều này phù hợp với nguyên tắc của Luật Dân sự. Quyết định cấm mới đây đã thể hiện sự can thiệp thiếu cơ sở, một nh chứng cho thấy cơ quan quản lý không hề nắm bắt được những khuynh hướng tiến bộ mà công nghệ mang lại cho xã hội.

PV: Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để quy định này phù hợp với nhu cầu thực tiễn?

Luật sư Nguyễn Danh Huế: Dưới góc độ pháp lý, nếu tồn tại những bất cập trong hình thức đi chung xe của xe hợp đồng điện tử thì cần phải xem xét lại về mặt chính sách. Còn nếu cho rằng hình thức “đi chung xe” vướng quy định tại Thông tư 63/2014 thì Bộ GTVT nên nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung quy định này thay vì phải cấm đoán. Theo tôi, hình thức vận chuyển có lợi cho người tiêu dùng, cho xã hội thì cần có hành lang pháp lý để tồn tại bởi hoạt động và sự tồn tại của nó nên để hành khách lựa chọn.

PV: Xin được cảm ơn ý kiến của Luật sư!

Không những các chuyên gia giao thông đô thị và giới luật gia chia sẻ băn khoăn về quy định cấm hoạt động đi chung xe, mà phía người dân và các doanh nghiệp vận tải cũng cho rằng, quy định này đi ngược lại với nhu cầu của người dân và mong muốn phát triển giao thông đô thị.