Nhu cầu đi lại cần được quản lý

Tình trạng ùn tắc đang gia tăng đáng kể tại Hà Nội. Ngoài các nguyên nhân căn bản như gia tăng dân số đô thị, tăng lượng phương tiện cơ giới, thì sau dịch, các hình thái giao thông đã khác, nhưng các giải pháp chống ùn tắc dường như chưa tính đến các yếu tố này,khiến các giải pháp chưa thực sự trúng đích.

Một khảo sát với hơn 300 mẫu của Viện Chiến lược và Phát triển giao GTVT cho thấy, có tới 45% số người được hỏi cho biết thời gian cho chuyến đi hiện đã tăng so với thời điểm trước khi có dịch; 15% số phiếu cho biết thời gian cho chuyến đi tăng cao.

Số còn lại cho rằng không cảm nhận sự thay đổi rõ rệt, nhưng số này chủ yếu tập trung vào chuyến đi ngắn, dưới 1,5km.

Dù phạm vi khảo sát chưa thể đủ độ bao phủ để cho ra một kết quả phản ánh chính xác tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng tại Hà Nội, song cũng phần nào thể hiện mức độ ùn tắc đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến từng chuyến đi của mỗi người.

Rộng hơn là ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân đô thị sau khi đại dịch được khống chế.

Trong khi các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân không những không thực hiện được, mà đang có chiều hướng ngược lại, phương tiện cá nhân đang gia tăng một cách nhanh chóng.

Còn hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn chậm được đầu tư, phát triển, trong khi xe buýt vẫn chỉ loanh quanh mức độ đáp ứng khoảng 12% trong nhiều năm, chưa kể, khoảng 40% hành khách đã bỏ thói quen đi xe buýt sau đại dịch.

Thời gian qua, TP. Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỉ đồng nhằm cải thiện hạ tầng giao thông, trong đó tập trung vào các tuyến đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai; cải tạo, mở rộng các tuyến đường xuyên tâm và nút giao thông trọng điểm...

Đặc biệt, một trong những giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông được ưu tiên trước mắt là giải tỏa các “điểm đen” ùn tắc, nhất là tại các nút giao.

Thế nhưng, ưu tiên cấp bách này xem ra lại khá ì ạch. Theo thông tin mới nhất từ Sở GTVT Hà Nội, trong 8 tháng đầu năm nay, thành phố mới xử lý được 3 “điểm đen” ùn tắc giao thông. Trước đó, cả năm 2021, thành phố tuy giải quyết được 10/37 “điểm đen”, nhưng lại phát sinh thêm 8 “điểm đen” mới.

Con số điểm đen ùn tắc của Hà Nội nhiều năm nay vẫn ở mức từ 30-35 điểm, bất chấp các nỗ lực của chính quyền Thành phố.

Một số chuyên gia cho rằng, trước khi thực hiện các giải pháp điều chỉnh, tổ chức giao thông, cần nghiên cứu, phân tích được dòng giao thông trên tuyến để từ đó có giải pháp phù hợp. Ngay cả việc phân làn cứng trên tuyến đường Nguyễn Trãi thời gian vừa qua cho thấy, do không nghiên cứu được dòng xe trên tuyến, khiến tình trạng phương tiện lấn làn, đi lại lộn xộn và chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn.

Bởi vậy, trước mắt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý nhu cầu đi lại của người dân để điều tiết nhu cầu đi lại một cách hợp lý. Đó có thể là bố trí tín hiệu giao thông theo chu kỳ pha đèn trên cơ sở nhu cầu giao thông, lắp cảm biến tốc độ dòng giao thông, đo lưu lượng phương tiện… để điều tiết giao thông một cách hợp lý

Khi nhu cầu đi lại được quản lý, những nguy cơ ùn tắc thường xuyên hay đột xuất được dự báo, cảnh báo sớm sẽ có thể can thiệp từ sớm, thay vì tập trung người giải quyết hậu quả.

Theo dõi và dự báo được nhu cầu đi lại của cư dân cũng giúp chính quyền đô thị có giải pháp để từng bước điều chỉnh, phân bổ lại nhu cầu giao thông bằng chiến lược phát triển đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng.

Về lâu dài, giải pháp phát triển hệ thống giao thông công cộng dựa trên các quy hoạch khoa học vẫn là biện pháp căn cơ, cốt lõi để hạn chế phương tiện cá nhân, kéo giảm tình trạng ùn tắc./.