Nhìn bằng khát vọng

Không có thương vong do TNGT không chỉ là mục tiêu, đó cũng là khát vọng của toàn bộ người dân. Trong 5 trụ cột để thực hiện chiến lược này, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số được đặc biệt nhấn mạnh, mà ở đó, yêu cầu xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về ATGT có vai trò quan trọng.

 Xử lý vi phạm nồng độ cồn đã không còn là chiến dịch, mà thường xuyên, liên tục, không ngoại lệ.

Biển số bắt đầu định danh.

Nhiều người vi phạm đã bị gọi tên, từ hình ảnh do người dân cung cấp.

Các địa phương để gia tăng tai nạn đã bị “bêu” đích danh.

Các cao tốc và cầu đường mới được vận hành, nhiều cung đường hiểm trở đang được rốt ráo xử lý “điểm đen”.

Liên tục các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước được ban hành, nhắc nhở và đặt ra yêu cầu với công tác đảm bảo TTATGT trong tình hình mới…

Những diễn biến trên cho thấy, đảm bảo TTATGT đường bộ đang ở giai đoạn hiện thực hóa quyết tâm đã được khẳng định trong hơn một thập kỷ qua, với rất nhiều nỗ lực, từ ngành Giao thông, ngành Công an, các địa phương và mỗi người dân, doanh nghiệp.

Nhưng, đẩy lùi TNGT vẫn luôn là một thách thức. Dù nỗ lực, 9 tháng đầu năm nay, số người chết vì TNGT chỉ giảm hơn 1%, biến động rất mạnh so với mức giảm 16% của năm 2022 so với trước dịch. Vẫn có hơn 4.700 người chết trong vòng 9 tháng, đồng nghĩa với việc, con số thương vong cả năm nay có thể tương đương năm ngoái, trong khi mục tiêu đặt ra là giảm ít nhất 10%.

 

Trong 5 trụ cột để thực hiện chiến lược quốc gia về TTATGT đường bộ 2021-2030 (về chính sách, về kết cấu hạ tầng, về an toàn phương tiện, về tuyên truyền xử lý và về cứu nạn cứu hộ), yếu tố vận dụng các thành tựu của khoa học công nghệ được đặc biệt nhấn mạnh.

Vấn đề của mọi công nghệ đều liên quan đến dữ liệu. Do đó, khơi thông điểm nghẽn về dữ liệu là việc bắt buộc phải làm, nếu muốn gia cố  vững chắc các trụ cột này.

Dữ liệu về TNGT cần được làm sạch, với sự thống nhất về tiêu chí thống kê và sàng lọc đối chiếu giữa các ngành, để nắm rõ thực trạng TNGT trên cả nước, làm cơ sở khoa học cho hoạch định chính sách.

Dữ liệu về phương tiện, người lái và hành vi của họ suốt quá trình tham gia giao thông phải được đồng bộ và đi đôi với nhau để quản lý thống nhất, tránh một bên quản lý tấm bằng và chiếc xe, một bên quản lý hành trình và người lái.

Dữ liệu về hạ tầng giao thông cần bao quát, cập nhật và liên thông tốt hơn, để không còn tình trạng đường và cầu vênh nhau về tải trọng, để các điểm hư hỏng xuống cấp được phát hiện và sửa chữa kịp thời, và để phục vụ quản lý vận hành các dự án hạ tầng giao thông liên vùng tới đây sẽ ngày càng vươn rộng.

Xây dựng, làm sạch từng kho dữ liệu theo từng ngành đã khó, kết nối và chia sẻ để sử dụng hiệu quả lại càng khó hơn. Việc thẻ căn cước công dân mới đã triển khai sâu rộng mà đến nay vẫn chưa thể tích hợp các loại giấy tờ xe, là một ví dụ. Sự lãng phí kho dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của hơn 1 triệu xe kinh doanh vận tải, trong khi CSGT đang rất cần thông tin vi phạm để có biện pháp ngăn ngừa, càng cho thấy rõ điều này.

Quá trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông càng chậm, những nỗ lực để ứng dụng công nghệ trong đảm bảo TTATGT sẽ càng khó khăn. Bởi như đã đề cập, từ hoàn thiện chính sách, hoàn thiện hạ tầng, quản lý an toàn phương tiện và người lái, cứu hộ cứu nạn giao thông, đều phải dựa trên cơ sở dữ liệu này.

Khó ở khâu xây dựng dữ liệu, hay khó ở việc kết nối chia sẻ? Khó do thiếu quy định hay do con người thiếu sự sẵn sàng, tất cả yếu tố này cần được làm rõ và có lộ trình giải quyết dứt điểm, nếu không muốn đến 2025, khi cơ sở dữ liệu giao thông quốc gia được hình thành, ngành này vẫn đợi ngành kia, địa phương vẫn chờ dữ liệu từ trung ương, trong khi giao thông thì “nước sôi lửa bỏng”.

Tầm nhìn không thương vong là một mục tiêu, nhưng trước hết là một khát vọng, khát vọng sống an toàn của mỗi con người, khát vọng bình yên của từng mái ấm. Do đó, nó cần được hướng tới bằng hành động trách nhiệm, nhưng đồng thời, bằng cả tâm thế của khát vọng, tức là sự thôi thúc bên trong mỗi con người, mà trước hết là những người thực thi công vụ./.