Nhiều nguy cơ TNGT tại các điểm dừng đỗ xe buýt không hợp lý

VOVGT-Vẫn còn một số điểm dừng đỗ xe bus bố trí chưa hợp lý và ý thức của một bộ phận hành khách chưa cao, dễ gây nguy hiểm, tiềm ẩn khả năng xảy ra TNGT.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Điểm dừng xe buýt trên quốc lộ 1A đoạn trước cổng trường THPT Phú Xuyên A (Tiểu khu Phú Mỹ, TT Phú Xuyên) đông nghẹt học sinh chờ xe vào giờ tan học. (Ảnh: Vietnamnet)

Trên đường Đại Cồ Việt ngay dưới chân cầu vượt bộ hành, gần cổng Công viên Thống Nhất. Theo quan sát, do đây là khu vực chân cầu vượt dành cho người đi bộ nên vỉa hè xung quanh được lắp đặt barie sắt ngăn cách với lòng đường. Điều đáng nói, tấm biển dừng, đỗ xe buýt lại được cắm bên trong khu vực có rào chắn nên hành khách sẽ phải đứng trong khu vực có rào ngăn. Mỗi khi có tuyến buýt tạt vào đón, khách đi xe lại vội vàng tìm cách vượt qua rào chắn để lên xe. Nhưng có nhiều người do không muốn phiền phức đã chọn cách đứng chờ xe buýt ngay dưới lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Hay như điểm đỗ xe gần Bờ Hồ, ngay gần khúc cua của các phương tiện qua lại hàng ngày nhưng xe buýt thì vô tư dừng đỗ cho hành khách lên xuống xe.

Một số hành khách sử dụng xe buýt phản ánh:

 

“Mình xuống bất chợt mà người ta không để ý nên rất nguy hiểm. Vì thời gian xe dừng rất ngắn nên mọi người đều lên xuống xe vội vàng. Bên cạnh đó còn bị vướng bởi những hàng nước, hàng rong nên việc hành khách đi xe phải đứng dưới lòng đường gây cản trở và mất an toàn giao thông…

# “Có hôm tôi thấy có một xem sinh viên lao xuống xe, do đường trơn nên trượt chân ngã, suýt nữa đập mặt vào thành xe! Theo tôi, nếu tại những điểm dừng đỗ này, cơ quan chức năng cần bố trí xe đậu vào vỉa hè thì an toàn hơn”.

Trong nội thành đã vậy, nhà chờ, điểm dừng của các tuyến buýt đi tới các khu vực ngoại thành cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Như trên tuyến quốc lộ 1A chạy song song với tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn đi qua các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, do không có vỉa hè nên hàng loạt điểm dừng buộc phải cắm bên trong hàng rào hành lang an toàn đường sắt, còn hành khách phải đứng ngoài hàng rào, ngay ở lòng đường để chờ xe buýt. Nhiều người dân sử dụng xe buýt cho biết, mỗi lần đón xe buýt, họ rất lo lắng bởi sau lưng là tàu hỏa, trước mặt là ô tô, xe máy chạy rầm rầm, chỉ sơ sẩy một chút là có thể xảy ra tai nạn...

 

“Chúng tôi luôn phải chấp nhận đứng chờ xe dưới lòng đường 1A bởi ngay bên cạnh đường rào chắn của đường tàu hỏa. Những bất cập tại các điểm đón trả khách của tuyến bus này đã tồn tại rất lâu và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn giao thông nhưng không được công ty xe bus tìm kiếm giải pháp khắc phục”.

Hành khách chờ xe tại bến buýt thuộc địa phận xã Quất Động, Thường Tín không  đứng dưới lòng đường thì "đành" vi phạm hành lang an toàn đường sắt.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những bất cập vừa nêu là do từ trước tới nay, chúng ta vẫn chỉ xem hệ thống điểm dừng, nhà chờ như một hợp phần đi kèm của xe buýt mà chưa được xem xét, tách thành một quy hoạch riêng, song hành với quy hoạch mạng lưới vận tải công cộng như đúng với vai trò của nó. Những bất cập này sẽ sớm được giải quyết nếu xác lập quy hoạch chi tiết về mạng lưới điểm dừng, đỗ, nhà chờ.

Khi đó, vị trí lắp đặt sẽ được chỉ định và tính toán trước, khi triển khai phải tuân thủ theo đúng quy hoạch. Trên cơ sở này, việc tổ chức giao thông kết nối với nhà chờ sẽ rất thuận lợi vì trên quy hoạch đã tính toán sẵn các yếu tố cần thiết, kể cả những hạng mục phụ trợ như bãi gửi xe cá nhân, chuỗi cung ứng dịch vụ cho hành khách...

Ngoài ra, khi có quy hoạch, cơ quan chức năng sẽ tính toán, sắp xếp được không gian (chiều cao, dài, rộng) để xây dựng nhà chờ. Yếu tố này còn liên quan đến mỹ quan đô thị và đặc biệt là tạo nên hệ thống nhà chờ có quy chuẩn hiện đại, thu hút được quảng cáo, thương mại, tạo nguồn lực tái đầu tư cho xe buýt.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết về nội dung này:

 

"Xe buýt vẫn tiếp tục cải thiện mạng lưới và nâng cao cơ sở hạ tầng dịch vụ để tăng cường thu hút hành khách tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, góp phần giảm áp lực giao thông và sự gia tăng của phương tiện cá nhân. Bên cạnh đó là sự chuẩn bị một số chuyển đổi như chuyển đổi mạng lưới và hệ thống quản lý để chuẩn bị đưa vào sử dụng một số loại hình phương tiện công cộng mới như xe buýt nhanh và hệ thống đường sắt đô thị. Khi các loại hình này ra đời, xe buýt cần phải tổ chức lại mạng lưới để kết nối cho hành khách sự dụng mạng lưới liên thông một cách thuận lợi".

Theo đề xuất của nhiều hành khách sử dụng tuyến xe buýt, để hạn chế tới mức tối đa tai nạn giao thông thì các đơn vị quản lý và doanh nghiệp xe buýt cần tính toán lại các điểm dừng đỗ cho hợp lý hơn, cụ thể là cần cắm biển dừng đỗ ở những cung đường rộng rãi và hạn chế tới mức tối đa các điểm đón trả ở ngay dưới lòng đường; đồng thời thường xuyên kiểm tra, nâng cấp các điểm dừng đỗ đã bị xuống cấp và phối hợp với chính quyền các phường sở tại xử lý nghiêm các trường hợp chiếm dụng nhà chờ, góp phần đảm bảo ATGT cho người dân sử dụng xe buýt Thủ đô.

>>>Hà Nội: Nâng cao hiệu quả trợ giá hoạt động xe buýt

>>>Xăng sinh học: Quản lý và kinh doanh thế nào?