Nhiều điểm dừng xe buýt dọc QL1 chờ cải thiện an toàn

Dọc tuyến QL1 đoạn qua các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên (hướng đi các tỉnh thành phía Nam), đa phần điểm dừng xe buýt nằm trong hàng rào hành lang đường sắt, không có vỉa hè. Hằng ngày, người dân phải đứng ngoài hàng rào, ngay trên lòng đường để chờ xe buýt trong trạng thái bất an.

Dọc QL1 qua các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên (hướng đi phía Nam), đa phần điểm dừng xe buýt nằm trong hàng rào hành lang đường sắt, không có vỉa hè, người dân phải đứng ngay trên lòng đường để đợi xe buýt

Anh Đinh Công Quý ở Phú Xuyên, Hà Nội, đi đến nơi làm việc ở Thường Tín bằng xe buýt mỗi ngày. Lộ trình rất thuận lợi, nhưng có một bất tiện là việc chờ xe buýt mỗi buổi chiều về, anh Quý phải đứng sát lề đường và chăm chú nhìn dòng xe di chuyển:

"Rất là nguy hiểm, thứ nhất là nó sát với phần đường, không có phần vỉa hè cho người đi bộ để mình có thể đứng trên đấy, tránh xe đi lại nườm nượp. Bên kia đường sang bên này cũng tiềm ẩn rủi ro rất lớn bởi lưu lượng giao thông trên tuyến QL1 cũng khá nhiều. Nếu được cơ quan chức năng quan tâm, xây dựng thêm nhà chờ như trong nội thành thì người dân đi xe buýt sẽ an tâm hơn", anh Quý nói.

Dọc tuyến QL1 đoạn qua các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên (hướng đi các tỉnh thành phía Nam), đa phần điểm dừng xe buýt nằm trong hàng rào hành lang đường sắt, không có vỉa hè. Hằng ngày, người dân phải đứng ngoài hàng rào, ngay trên lòng đường để chờ xe buýt trong trạng thái bất an.

Trong bối cảnh thiếu nhà chờ, cầu vượt, vạch kẻ cho người đi bộ sang đường, cả tài xế và hành khách đều phải cố gắng để đảm bảo an toàn:

"Đường tàu rất sát quốc lộ ô tô đi, nên hành khách phải đứng sát vào mép đường. Trên tuyến đường này chỉ có duy nhất một nhà chờ, trời nắng, trời mưa là hành khách đứng bất tiện lắm!"

"Ví dụ trời mưa, chị phải chạy sang nhà dân bên kia để đứng trú. Xe đến thì mình phải chạy vội sang, rất là nguy hiểm!"

"Chúng tôi chạy xe nhiều năm trên tuyến QL1, đầu tiên là phải quan sát từ xa trước khi xe vào điểm dừng. Thứ hai là nhắc nhở khách khi xuống xe phải quan sát, ngó lại phía sau".

Một số ý kiến đề xuất nếu điểm dừng nào có lề đường đủ điều kiện thì có thể làm các nhà chờ cho hành khách mà vẫn đảm bảo an toàn cho đường sắt hoạt động.

Ông Nghiêm Quốc Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội đánh giá, những nguy hiểm tiềm ẩn với hành khách khi đợi xe buýt dọc tuyến QL1 (bên phía đường sắt Bắc - Nam) đã được cơ quan quản lý nhìn ra từ lâu, song khó khắc phục bởi điều kiện hạ tầng chưa cho phép, khi tuyến đường sắt đã ra đời cách đây cả trăm năm, còn QL1 chưa được mở rộng vì đã có đường cao tốc thay thế:

"Hiện tuyến này rất khó xây dựng các nhà chờ cũng như điểm dừng đảm bảo đủ tiêu chuẩn cho hành khách. Bản thân Hiệp hội chúng tôi và các doanh nghiệp vận tải, trong các hội nghị đều có ý kiến. Chúng tôi mạnh dạn đề xuất TP. Hà Nội nếu có điều kiện trao đổi với Cục Đường sắt, nếu như lề đường nào ở hành lang bảo vệ đường sắt có đủ điều kiện thì dịch vào một chút mà vẫn đảm bảo an toàn cho đường sắt hoạt động, có thể làm các “vịnh” cho nhà chờ, để hành khách có chỗ đón xe", ông Thắng nêu ý kiến.

Hiện Hà Nội có trên 3.700 điểm dừng và gần 400 nhà chờ xe buýt. Sở GTVT đã trình UBND TP kế hoạch xây dựng, lắp đặt 600 nhà chờ. Tuy nhiên, dọc tuyến QL1, những điểm dừng xe buýt vẫn ở trong trạng thái “chờ” cải thiện an toàn.

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội trước đây từng đề xuất lùi hàng rào về phía đường sắt 2m tại các vị trí cắm điểm dừng, khoanh ô để người dân có chỗ chờ xe buýt an toàn hơn, nhưng cơ quan quản lý đường sắt không đồng ý.

Hay tại các điểm dừng nằm giữa mương thủy lợi với mép đường, khó khăn là phải có phương án xử lý để không ảnh hưởng kết cấu thủy lợi nội đồng./.