Nhiều cơ sở dạy nghề bên bờ phá sản

Hàng nghìn giáo viên, người lao động tại các cơ sở nghề có nguy cơ bị thất nghiệp và hàng triệu học sinh, sinh viên bị kéo dài thời gian học, thời gian thực tập. Cần làm gì để có thể giúp các trường vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là để học sinh, si

Nhóm các cơ sở dạy nghề ngoài công lập bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch Covid (Ảnh: dantri)

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Em Giàng A Minh là con trai út trong một gia đình người dân tộc Mông có 5 anh chị em ở xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Bố mẹ làm nông, gia đình khó khăn nên Giàng A Minh được nhận trợ cấp hàng tháng từ nhà nước để theo học nghề xây dựng tại trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Điện Biên. Dịch Covid-19 đã làm gián đoạn quá trình học tập của em từ 2 tháng nay.

Mặc dù, nhà trường đã thực hiện giảng dạy online một số module học lý thuyết, nhưng nhà của Giàng A Minh cũng như nhà của nhiều bạn sinh viên khác ở tận các bản làng xa xôi, việc lo đủ bữa ăn hàng ngày còn khó, chứ nói gì đến việc có đủ các thiết bị như điện thoại thông nh, máy tính để học trực tuyến :

 

"Ở nhà mình trên vùng cao nên cũng hơi khó khăn về tài chính, không có đủ các thiết bị như máy tính, bàn ghế. Ở vùng cao thì hay mất internet, hay gián đoạn nên cô giáo hay gửi cho mình tài liệu tham khảo và tự nghiên cứu. Mình gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học tập, học online mình không thể theo dõi được cô giáo giảng dạy".

Từ nhỏ, em Lò Thị Thảo ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên luôn ước mơ trở thành một hướng dẫn viên du lịch để có thể đi khám phá những vùng đất tươi đẹp của đất nước và giới thiệu những giá trị văn hóa, lịch sử của các danh lam thắng cảnh cho du khách.

Thế nhưng ước mơ của em đang trở nên xa vời khi ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch, cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Em Lò Thị Thảo chia sẻ: 

 

"Mình cảm thấy hơi lo sợ vì nghỉ dịch covid này lâu quá, ảnh hưởng đến việc học tập của mình, sợ ảnh hưởng đến việc xin việc sau này gặp khó khăn bởi vì các doanh nghiệp chưa được hoạt động. Mình sợ khó có thể cạnh tranh được với những hướng dẫn viên lâu năm".

Những băn khoăn, lo lắng của 2 bạn Giàng A Minh và Lò Thị Thảo cũng là lo lắng chung của gần 2,2 triệu học sinh sinh viên đang theo học tại trên 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước.

Ghi nhận thực tế tại một số cơ sở dạy nghề, chương trình học bị “vỡ”, thời gian học kéo dài hơn dự kiến đã khiến một bộ phận sinh viên buộc phải đi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt và nộp học phí, nhưng cũng đã có không ít sinh viên đã bỏ dở chương trình học.

Sinh viên năm cuối gặp khó khăn trong việc tìm các doanh nghiệp, công ty để thực tập cũng như ảnh hưởng đến thời gian thực tập, thực hành tại doanh nghiệp. 

Về phía các nhà trường, để đảm bảo hoạt động giảng dạy được tiếp nối, nhiều trường đã nhanh chóng đưa vào giảng dạy online cho học sinh trong thời gian nghỉ chống dịch. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục dạy nghề gặp không ít khó khăn.

Ngoài vấn đề hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu, kỹ năng sử dụng các ứng dụng thiết bị công nghệ thông tin của giáo viên còn hạn chế, các cơ sở dạy nghề còn có những đặc điểm khác biệt so với các trường học thông thường.

Bà Chử Thị Hải- Hiệu trưởng trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Điện Biên chia sẻ: 

 

"Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Điện Biên là cơ sở giáo dục nghề nghiệp có những đặc thù riêng, số lượng giờ giảng dạy thực hành chiếm tỷ lệ lớn, chiếm trên 70% nên việc giảng dạy online không đáp ứng theo yêu cầu. Học sinh sinh viên muốn thực hành phải có nhà xưởng, trang thiết bị, phòng thực hành, trạm trại thí nghiệm… nếu tổ chức học online thì sẽ không thể tiếp cận thực hành do đó không đạt được yêu cầu của bài học".

Bên cạnh đó, 90% học sinh sinh viên của trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Điện Biên là con em các dân tộc thiểu số ở các huyện, các xã đặc biệt khó khăn, trong đó nhiều em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đang nhận sự trợ giúp của nhà nước nên phần lớn các em không có các thiết bị đầu cuối để học online.

Nhóm các cơ sở dạy nghề ngoài công lập bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch Covid. Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội là một ví dụ. Hiện trường đang tự chủ 80% và Nhà nước hỗ trợ 20%, doanh thu của trường chủ yếu đến từ nguồn thu học phí của học sinh.

Hơn 2 tháng nay, 5.000 học sinh sinh viên của trường nghỉ học, nhà trường không thu được học phí, ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ giáo viên.

Các cơ sở giáo dục cũng cần có những biện pháp tác động, thay đổi tư duy cho học sinh sinh viên theo hướng tích cực

Trong khi đó, một số cơ sở khác, hàng tháng vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng và các chi phí duy trì hoạt động, không cân đối được thu chi dẫn đến nguy cơ phá sản cao. Không có lương, nhiều thầy cô giáo đã phải “xoay” sang bán hàng online, bán đồ ăn sáng để trang trải cuộc sống, và có thể thất nghiệp khi trường giải thể.

Trước những khó khăn này của các cơ sở dạy nghề, từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động thương binh và xã hội đã ban hành hơn 20 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các nhiệm vụ trong các cơ sở dạy nghề, trong đó có các văn bản hướng dẫn cụ thể về cách thức tổ chức lớp học, tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập… đối với hình thức đào tạo trực tuyến. 

Đồng thời đề xuất một số chính sách tháo gỡ khó khăn cho giáo viên, người lao động. Bà Trần Minh Huyền- Vị trưởng Vụ công tác học sinh, sinh viên- Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Covid 19- Tổng cục giáo dục nghề nghiệp cho biết:

 

"Đối với các đối tượng là nhà giáo, người lao động chính sách của tôi đề xuất với Chính phủ ễn, hoãn BHXH và BHYT, cũng như bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên người lao động trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho năm 2020.

Ngoài ra chúng tôi cũng đã có những đề nghị bổ sung kinh phí cho kế hoạch đào tạo lại cho những nhà giáo, cán bộ, người lao động bị thất nghiệp di dịch covid 19 và từ đó mở thêm cơ hội việc làm cho người lao động.Tổng cục cũng đang chờ hướng dẫn để triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành mới đây".

Để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và học sinh viên nói chung, ông Phạm Xuân Khánh- Hiệu trưởng trường Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội đề xuất:

 

"Nhà nước có chính sách ễn, giảm hoặc cho học sinh sinh viên vay học phí- các đối tượng khó khăn sau đại dịch này. Thứ hai là hạ tầng CNTT để đáp ứng cho đào tạo online đang gặp khó khăn, nhiều trường rất thiếu và yếu. Nên đầu tư về hạ tầng CNTT, các trang thiết bị máy móc để các trường chủ động trong đào tạo online, rồi mở thêm các mã ngành mới do sự thay đổi cơ cấu xã hội rất cần thiết".

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp HCM cho rằng, trong giai đoạn khó khăn này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục đảm bảo những kiến thức cơ bản cho học sinh sinh viên để các em sẵn sàng tham gia thị trường lao động.

Nhưng, đồng thời, các cơ sở giáo dục cũng cần có những biện pháp tác động, thay đổi tư duy cho học sinh sinh viên theo hướng tích cực, không quá chú trọng đến vấn đề thu nhập mà sẵn sàng tham gia  các công việc phù hợp để góp phần xây dựng, phát triển kinh tế  vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Mặc dù tác động tiêu cực rất lớn đến các mặt đời sống kinh tế xã hội, nhưng theo các chuyên gia, đại dịch covid lại mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ thông tin, thương mại điện tử (Ảnh: TP)

Dịch Covid-19 đã khiến cho nhiều người lao động bị mất việc làm, không ít các doanh nghiệp bị phá sản. Các cơ sở dạy nghề cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, nhìn một cách tích cực, đây cũng là cơ hội cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sắp xếp lại, đổi mới phương thức đào tạo cho phù hợp với đòi hỏi của thị trường lao động trong tình hình mới.

 

Đổi mới cơ cấu và phương thức đào tạo sau đại dịch

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, từ ngày 1/1 đến ngày 26/3 cả nước đã có trên 153 nghìn người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc.

Dự kiến trong quý 2, nếu diễn biến dịch không có nhiều thay đổi lớn, ước tính có trên 250 nghìn lao động bị mất việc làm và 1,5-2 triệu lao động bị ngừng việc. Trong khó khăn chung đó, gíao viên, sinh viên của nhiều trường nghề cũng đang thất nghiệp và đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

Song, dịch bệnh cũng là phép thử cho khả năng thích ứng, tồn tại của các thực thể trong xã hội. Không phải lúc than phiền, cũng không thể chỉ trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước, giờ là lúc các cơ sở dạy nghề cần linh hoạt, nghiên cứu xu hướng , đòi hỏi của thị trường lao động để tự đổi mới, thích nghi.

Mặc dù tác động tiêu cực rất lớn đến các mặt đời sống kinh tế xã hội, nhưng theo các chuyên gia, đại dịch covid lại mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ thông tin, thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, khi nền kinh tế hồi phục trở lại, nhu cầu về nhân lực cũng có sự thay đổi theo hướng ưu tiên về “chất” hơn là về “lượng”, nhân lực chất lượng cao, những lao động có tay nghề sẽ được coi trọng.

Ngoài sự nỗ lực của bản thân các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cũng cần sự hỗ trợ từ những chính sách của Nhà nước, sự chia sẻ phối hợp với các doanh nghiệp trong việc tạo cơ hội cho lao động được thực hành

Trong bối cảnh này, người đứng đầu các cơ sở giáo dục dạy nghề cần nhạy bén, sớm có sự điều chỉnh về cơ cấu đào tạo cho phù hợp, mạnh dạn mở thêm những ngành nghề đào tạo mới, đón đầu thị trường.

Ngoài việc đào tạo tay nghề, các trường cũng cần trang bị thêm những kỹ năng, thái độ lao động tích cực cho người lao động, tăng khả năng thích nghi với những điều kiện hoàn cảnh khác nhau.

Cũng cần lưu ý, với xu hướng phát triển kinh tế theo hướng hội nhập, hướng tới cách mạng công nghệ 4.0, phương thức đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần đổi mới, cập nhật ứng dụng công nghệ mới vào trong giảng dạy, để người lao động có thể dễ dàng tiếp cận, thích nghi với các trang thiết bị hiện đại khi đến làm việc tại các doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của bản thân các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cũng cần sự hỗ trợ từ những chính sách của Nhà nước, sự chia sẻ phối hợp với các doanh nghiệp trong việc tạo cơ hội cho lao động được thực hành, làm việc thực tế tại doanh nghiệp.

Có như vậy, trình độ tay nghề của người lao động mới được nâng cao và sớm đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. 

Kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia phát triển cho thấy, việc đào tạo những lao động có tay nghề cao không chỉ thúc đẩy năng suất lao động vượt trội, mà còn giúp người lao động có thêm thu nhập, ổn định tình hình kinh tế, xã hội  giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Điều này sẽ chỉ thực hiện được, nếu có sự vận động, thay đổi từ chính các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước, trên cơ sở liên tục theo dõi, nắm bắt và đón đầu các xu hướng của thị trường lao động.