Nhân viên công vụ và bia rượu (Bài 2): Vi phạm nhiều, xử lý bao nhiêu?

Đã có nhiều vụ vi phạm, TNGT do cán bộ, công chức viên chức say xỉn. bao nhiêu trong số đó được xử lý?

Như VOVGT đã đưa tin, từ ngày 15/11/2020, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể bị xử phạt tiền từ 3-5 triệu đồng nếu để xảy ra việc uống rượu, bia trong thời gian làm việc, theo  Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Trước đó, từ năm 2008 đến 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Chỉ thị quy định cấm công chức uống rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa (chỉ thị số 05/2008 và chỉ thị số 26/2016). Bộ Tư Pháp, Bộ GTVT cũng có chỉ thị nội bộ về thực hiện Chính sách Quốc gia phòng, chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn, được Chính phủ khuyến khích áp dụng trên cả nước. Tuy nhiên, nhưng tình trạng uống rượu bia, tiệc tùng trong giờ nghỉ trưa, thậm chí ngay trong giờ làm việc vẫn phổ biến.

Phải đến ngày 01/01/2020, lần đầu tiên quy định nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức uống rượu bia trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ giữa giờ mới chính thức được luật hóa, khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực.

1/1/2020, lần đầu tiên quy định nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức uống rượu bia trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ giữa giờ mới chính thức được luật hóa. Ảnh nh họa

Có quyền hay có gì, cứ có lỗi là phạt!

Nghị định 100 về xử lý vi phạm hành chính trong giao thông được thực thi, với các chế tài rất mạnh cho vi phạm nồng độ cồn, cùng chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng về việc xử lý nghiêm, không có ngoại lệ. Theo ghi nhận của một số người dân, tình hình chấp hành quy định về uống rượu bia đã có sự thay đổi thấy rõ.

Tuy vậy, vẫn tiếp tục có thêm các trường hợp CBCCVC vi phạm nồng độ cồn, thậm chí gây tai nạn trong trạng thái có hơi men.
Tháng 1/2020, một Phó trưởng phòng giáo dục huyện Ba Đồn, Quảng Bình bị phạt 35 triệu đồng, treo bằng lái xe 32 tháng do bị phát hiện lái xe trong trạng thái xay xỉn. 

Cũng tại Quảng Bình, ngày 5/5/2020, một cán bộ Chi cục Thuế huyện Bố Trạch (Quảng Bình) bị tạm đình chỉ công tác, do lái xe khi say xỉn còn thách thức Công an.

Tháng 5/2020, một vị Trưởng ban Nội chính tỉnh ủy Thái Bình gây tai nạn khiến 1 người chết, 2 người bị thương, khi đang lái xe trở về từ một cuộc liên hoan.

Mới đây nhất, tháng 11/2020, UBND huyện U Minh tỉnh Cà Mau phải kỷ luật và điều chuyển công tác đối với một vị Trưởng phòng kinh tế - hạ tầng, do lái xe sau khi uống rượu…

Trước câu hỏi, có hay không sự xuê xoa cả nể nếu người vi phạm là những người vừa có quyền, có tiền, vừa có quan hệ? Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT Bộ Công an cho biết: quan điểm mang tính nguyên tắc bất biến là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mọi hành vi vi phạm đều phải xử lý nghiêm, không có bất cứ trường hợp ngoại lệ nào.

“Thực tế cũng đã xử lý nhiều rồi. Có quyền hay là có cái gì đi chăng nữa, cứ vi phạm thì đều bị xử lý”, Đại tá Nhật khẳng định.

Cũng theo đại diện Cục CSGT Bộ Công an, CSGT toàn quốc đang tiếp tục thực hiện kế hoạch xuyên suốt từ tháng 8/2020 đến cuối năm nay, kiểm tra ngăn chặn các hành vi vi phạm đe dọa gây mất TTATGT, mà vi phạm nồng độ cồn là một trong các mục tiêu hàng đầu. Đây là đợt cao điểm thứ ba liên tiếp trong năm nay, kể từ khi lực lượng chức năng quyết liệt “tuyên chiến” với các ma men.

Việc xử phạt cán bộ, viên chức vi phạm nồng độ cồn trước, trong giờ làm tại nhiều cơ quan, cơ sở vẫn chưa được làm mạnh, chỉ dừng ở mức nhắc nhở. Ảnh nh họa

Khi các cơ quan chỉ “phủi bụi” cho xong

Về phía cơ quan quản lý viên chức, sau khi được thông báo về cơ quan, những trường hợp này được xử lý ra sao? Đi tìm câu trả lời từ đại diện các cơ quan nơi có cán bộ, viên chức từng bị “bêu” tên, phóng viên VOVGT chỉ nhận được sự im lặng, hoặc cái lắc đầu.

Đối với trường hợp vi phạm nồng độ cồn của Phó phòng giáo dục địa phương mà báo chí nêu hồi tháng 1 năm nay, ông  Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND thị  xã Ba Đồn tỉnh Quảng Bình cho biết, “vừa rồi cơ quan xem xét đã đưa đồng chí này ra khỏi quy hoạch. Đơn vị đã kiểm điểm nhắc nhở. Về mặt chính quyền thì vẫn giữ chức phó phòng giáo dục, còn về mặt Đảng thì chi ủy người ta kiểm điểm thôi”.

Theo TS. Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, đến nay, người dân rất ít khi được biết các cơ quan đó có xử lý viên chức của mình hay không, hoặc đã xử thế nào. Trong khi, nhẽ ra việc này cần được công khai nh bạch.

“Phải họp các đoàn thể, chính quyền, chi ủy, ban giám đốc, rồi quyết định hình thức xử lý, thông báo cho dư luận và những người quan tâm biết là chúng tôi đã làm như vậy. Điều đó thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm với dư luận, sự phối hợp với cơ quan khác, đồng thời cũng để nhắc nhở anh em làm tốt hơn”, TS Ngô Thành Can nhấn mạnh.

Chia sẻ với VOVGT, Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, khi sự việc xảy ra hoặc bị phát hiện, được góp ý trong các cuộc họp thì thường các hình thức rất nhẹ nhàng, chỉ dừng lại mức độ là nhắc nhở, không có hình thức kỷ luật nào kèm theo. 

 “Không bị kỷ luật thì người ta coi đó là chuyện rất bình thường và lại tiếp tục vi phạm”. Nhà báo Ngọc Tiến cho rằng,  chính kiểu xử lý “phủi bụi” cho xong này, khiến tình hình bao năm qua vẫn thế./.